PARIS, ngày 26.6.2017 (PTTPGQT) – An Cư tiếng Phạn là Vārṣika có nghĩa là thời kỳ mưa là một trong các phương thức tu hành. Ở Ấn Độ thời kỳ mưa kéo dài trong 3 tháng mùa Hè. Thời kỳ này người xuất gia không được đi ra ngoài vì sợ dẫm đạp giết hại các loài côn trùng, nên tập trung ở yên một chỗ, dốc sức tu hành, gọi là an cư. Theo Tứ phần luật, an cư được giải thích là thu nhiếp thân tâm yên tĩnh là an, thời kỳ phải ở lại một chỗ là cư. Nói tóm là 3 tháng tu hành mùa hè của chư Tăng.

Sau đây là bài Khánh chúc An Cư Kiết hạ của Hoà thượng Thích Tâm Liên, Phó Viện trưởng Viện Hoá Đạo, kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự, gửi sang để Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phổ biến nhân mùa An Cư năm nay :

Phật lịch 2561                                                                                     Số 01.17/VHĐ/TVTS/TVT

KHÁNH CHÚC AN CƯ KIẾT HẠ
PHẬT LỊCH 2561-2017

—————–
TỔNG VỤ TRƯỞNG TỔNG VỤ TĂNG SỰ
VIỆN HÓA ĐẠO
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

Kính gởi
– Chư Tôn Giáo Phẩm Hội Đồng Lưỡng Viện
– Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni.
– Đồng bào Phật tử các giới.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch Chư Liệt Vị,

Năm nay Hè về muộn, theo luật tuần hoàn của vũ trụ năm Đinh Dậu có nhuận 2 tháng sáu cho nên Chư Đại Đức Tăng, Ni vào mùa Cấm Túc An Cư giữa tháng 5 âm lịch.

Cùng trong mùa Cấm Túc An Cư chúng ta thành tâm tưởng niệm ngày Húy Nhật lần thứ 9 của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, người đã tận hiến cuộc đời của mình đến hơi thở cuối cùng để cùng Đức Đương Kim Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ vận động phục hoạt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Phục hoạt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không chỉ có ý nghĩa làm sống lại một Giáo Hôi Truyền Thừa đã bị Cọng Sản đặt ra ngoài vòng Pháp Luật từ đầu thập niên 80, mà làm sống lại nền Phật Giáo Dân Tộc, trong đó Giới Luật là nền tảng cho Giới Xuất Gia đối trị trước bản thân và thế quyền, mà cũng là nền tảng cho giới Tại Gia trước cảnh nhiễu nhương của thời cuộc đem Đạo lý Dân Tộc đổ xuống vực thẳm diệt vong. Phục Hoạt GHPGVNTN còn bao hàm ý nghĩa trọng đại là đóng góp nền giáo lý khoan dung, từ bi, trí tuệ nhằm mang lại Nhân quyền, Tự do, Bình đẳng cho đất nước Việt Nam, con Người Việt Nam, vốn được sở hữu qua Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các Công Ước về Quyền Con Người mà Nhà Cầm quyền Cọng Sản đã tham gia ký kế tại LHQ.

Trước tình hình rối loạn như thế, Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống từng nhận định rằng :

“Trên 25 thế kỷ truyền thừa mạng mạch Tăng Già, những Di Huấn của Thế Tôn không vì biến thiên xã hội, chủng tộc, nhân sinh mà thay đổi. Dù rằng, cạnh tranh sinh tồn vẫn còn như là lẽ sống của muôn loài, tích lũy và hưởng thụ vẫn còn là động lực tiến bộ xã hội, nhưng chúng đệ tử của Thế Tôn sống y chỉ trên bốn Thánh Chủng , không vì sinh kế tà mạng để tự buộc mình vào guồng máy cạnh tranh, cho đến khi tự mình trở thành kẻ nô dịch cho thế gian sai sử mà không hay. Như thế, không những đã làm hủy hoại huệ mạng của chính mình mà còn làm tổn thương đến Tăng Thể”.

Lời nhận định ấy là huấn thị cho người Tu sĩ có thêm chất liệu suy nghĩ trong mùa Cấm Túc An Cư hay còn gọi là An Cư Kiết Hạ theo truyền thống thường năm của Đạo Phật, cũng như nhắc nhở người Cư sĩ tại gia vì nhân thế mà gieo nhân lành dâng lên Ngôi Tam Bảo.

Tổng Vụ Tăng Sự xin nhắc nhở rằng :

Mục tiêu thứ nhất mà Đức Phật thiết giới An Cư Kiết Hạ là tránh ngộ sát côn trùng, từ đó đưa đến mục tiêu thứ hai là hội tụ Chư Tăng về Giới trường, để cùng nhau thúc liễm thân tâm trong ba tháng, phát triển Giới học, Định học để mở mang Tuệ Giác.

Để đạt chí nguyện cao cả đó, Chánh Tri Kiến giúp chúng ta nhìn rõ chính mình, xã hội, Giang sơn Tổ quốc, để tiếp tục cuộc hoằng hoá lợi sinh cho Dân Tộc và nhân loại .

Chánh Tri Kiến chỉ hiện ra khi chúng ta tinh tấn phụng trì Giới Luật, nhờ Giới Luật mà Định và Tuệ phát sinh. Phật Pháp chỉ tồn tại khi Giới Luật được nghiêm trì. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy : “Giới Luật là thọ mạng của Chánh Pháp”.

Cuộc khủng hoảng của thế giới ngày nay, hay sự xáo trộn, mất hướng của một số người trong chúng ta, do Chánh Tri Kiến chưa được khai mở. Khiến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phải thường trực đối mặt với nội ma và ngoại chướng hơn 40 năm đen tối vừa qua. Nhưng cũng nhờ Chánh Tri Kiến, thông lộ mở ra con đường Bồ Tát Đạo, con đường mà Chư Lịch Đại Tổ Sư đã dấn bước, và nay chúng ta đang tiếp bước dưới sự lãnh đạo của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ.

Nhân Mùa An Cư Phật lịch 2561, Tổng Vụ Tăng Sự Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN, xin kính chúc Chư Đại Tăng pháp thể khinh an trong Kiết hạ, để hoàn thành hạnh nguyện Hoằng Pháp Độ Sinh theo tinh thần Phật Pháp bất ly Thế Gian Pháp.

Tổng Vụ Tăng Sự cũng xin kính chúc Phật tử các giới tích cực trong việc thân cận Giới trường để hộ trì Chư Đại Tăng mùa An Cư Kiết Hạ Phật Lịch 2561- 2017 hoàn thành viên mãn.

NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT MA HA TÁT

Bình Định, Mùa An Cư Phật Lịch 2561
Phó Viện trưởng Viện Hoá Đạo GHPGVNTN
kiêm Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Tăng sự
(ấn ký)
Sa Môn THÍCH TÂM LIÊN

 

– Thành kính thượng trình Ðức Ðệ Ngũ Tăng Thống thẩm tường
– Kính gởi GS Giám Ðốc PTTPGQT kính tường và kính phổ biến.
– Lưu./.

 

“Câu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước mỗi thứ sáu hàng tuần, trình bày vấn đề Phật Pháp & Thời luận do ký giả Triều Thanh phụ trách.

Hôm nay xin mời bạn đọc theo dõi Cư sĩ Võ Văn Ái nói về “Hai chữ Tự thiêu của Bồ Tát Thích Quảng Đức”, chép lại và chỉnh sửa từ cuộc phỏng vấn của Triều Thanh qua chương trình Đài hôm thứ sáu 23-06-2017 :

Nói về hai chữ Tự thiêu của Bồ Tát Thích Qảng Đức

Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, mấy tháng qua, nhân dịp Đài Phật giáo Việt Nam có chương trình Tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu vì Chánh pháp tại Saigon ngày 11 tháng 6 năm 1963. Bỗng nhiên xuất hiện trên mạng những bài viết bêu riếu việc tự thiêu của Ngài, đại loại kiểu “Tự thiêu hay Bị đốt”, “Tưới xăng đốt Hoà thượng Quảng Đức”, vân vân. Các bài viết đi rất xa trong sự bôi nhọ, mạ lỵ cuộc tự thiêu không tiền khoáng hậu, và cuộc đấu tranh tự vệ của Phật giáo đòi bình đẳng tôn giáo ? Ông nghĩ sao về hiện tượng này ?

Võ Văn Ái : Tôi không nghĩ gì cả. Thực tình tôi không để ý, và cũng không đọc các bài viết ấy. Vì quá biết rõ loại bài viết như thế đến từ đâu, với ý đồ gì. Đây không phải là hiện tượng, mà là những chiến dịch chính trị nhằm biến tướng một sự thật tôn giáo.

Ngày nay vào mạng gặp khá nhiều những bài viết đánh phá nếu không là chửi bới nhau với mục tiêu dối gạt và bôi nhọ. Đối với loạt bài như thế, ai thấy bực mình ngồi viết bài tranh luận, cải chính, là bị sập bẫy, tự sát mình. Vì sao như vậy ? Vì thời gian tối đa của đời người không quá trăm năm, so ra chỉ bằng một giọt nước đối với biển cả hận thù, xuyên tạc, thiếu đạo đức kia. Tội chi mắc bẫy để hao tốn thì giờ chết sớm. Hãy thong dong xem nhốn nháo kia như loại ve sầu, tới mùa bám đầy cây, rên la inh ỏi, rồi sẽ chết sau mùa hè.

Triều Thanh : Tuy nhiên, thưa ông, có những người thiếu hiểu biết, dễ tin vào loại Fake News hay mạo tin này để hiểu sai sự thật thì sao ?

Võ Văn Ái : Theo tôi, ai tin nấy chịu, ai bảo tin càng làm chi ? Đạo Phật dạy con người diệt trừ Vô minh bằng Chánh tri kiến trong Bát Chánh đạo. Chúng ta nên học đạo Phật ở phương pháp phá chấp này. Thử đọc một số bài viết chửi bới hồ đồ, xuyên tạc và tố giác lẫn nhau, nhưng lại lập luận trên căn bản vô minh. Chẳng hạn như họ viết : “Ngày xưa tôi tôn vinh ông ấy là thần tượng, nay mới thấy ông là Nguỵ quân tử”.

Ơ hay, ai bảo ngu muội tôn bừa người ta là “thần tượng” để phải vỡ mộng khi nóng mặt, vì không đạt âm mưu đen tối, đến phải hạ giá xuống “nguỵ quân tử” ? Khi thì thần tượng, lúc nguỵ quân tử, vô ra thằng cha khi nãy trong một diễn viên tham sân si đóng trò bôi đen tô hồng. Vậy ai là người có lỗi ? Người phát ngôn tôn xưng rồi thậm xưng, hay người bị chỉ trích ? Cả hai mặt chỉ biểu hiện một đầu óc ngu muội sống trong ảo vọng. Hễ ảo vọng, tất không thực. Thần tượng do ảo vọng vô minh, thì Nguỵ quân tử cũng từ ảo vọng vô minh sinh ra.

Trong kinh Kālāma, khi người dân Kālāmas ở Vương quốc Kosala bên Ấn Độ, đến gặp Phật và hỏi Ngài rằng : “Bạch đức Thế Tôn, có nhiều ẩn sĩ và Bà La Môn giảng giải và đề cao lý thuyết của họ, đồng lúc bài xích lý thuyết của người khác khiến chúng con hoang mang, hoài nghi, không biết vị nào trong các nhà ẩn sĩ và Bà La Môn nói sự thật, vị nào nói sai quấy ?” Đức Phật liền đáp :

“Hỡi những người Kālāmas, các người hoang mang và hoài nghi là phải, các vấn đề này rất đáng hoài nghi. Hỡi những người Kālāmas, đừng để những lời thuật lại, những lời đồn hay những lời truyền thống lôi cuốn ta. Đừng để những uy quyền của kinh điển, những lý luận suông, các điều xét đoán bề ngoài, các điều thích thú với những quan niệm võ đoán, những gì có vẻ đáng tin hay những ý nghĩ “đây là Thầy ta”, dẫn dắt ta.

“Nhưng hỡi những người Kālāmas, khi nào các người tự biết mình rằng những gì đó là ác, sai, xấu thì hãy vứt bỏ chúng. Và khi các người tự biết mình rằng những gì đó là thiện, là tốt thì hãy chấp nhận và theo chúng”.

Triều Thanh : Vậy chúng ta vẫn cần giải thích sự thật để giúp người khác tránh sai lầm ?

Võ Văn Ái : Hiển nhiên. Toàn bộ giáo lý đạo Phật là một nền giáo dục vô biên về sự thật, nhằm trừ diệt vô minh, ngu dốt, và những tuyên truyền xuyên tạc của chính sách ngu dân lan tràn từ lãnh đạo thượng tầng tới bọn tay chân thôn xã.

Triều Thanh : Xin ông giải thích truyền thống tự thiêu là gì trong đạo Phật ?

Võ Văn Ái : Tự thiêu không phải là truyền thống mà là khổ hạnh, sự khổ luyện trong đời sống tu hành. Khổ hạnh nói đây không phải là sự ép xác, mà xuất phát từ nguyện lực hay chí nguyện. Nguyện lực này là ý thức tự phát do xót xa thấy Phật Pháp bị điêu đứng, suy đồi, và xót thương quần chúng đau khổ.

Bồ Tát Thích Qảng Đức

Trong truyền thống học Phật, sự tự thiêu toàn thân thể hay một phần thân thể, như cánh tay hay ngón tay, để thử nghiệm nội lực (psychotechniques). Chư Tăng khi nhập đạo hay thọ Bồ tát giới có lệ đốt hương trên đỉnh đầu, cốt xem chí nguyện và nội lực mình tới đâu. Vị tăng phải ngồi yên, như như bất động, tự tại bình nhiên. Không tỏ ra đau đớn, nhăn nhó, thì mới qua được cơn thử thách. Với phương pháp thiền định và tu học tới chỗ thâm áo, thiền giả có thể chận đứng phản ứng đau đớn trong não bộ khi đốt cháy thân thể. Ngài Quảng Đức đã ngồi yên trong lửa đỏ nghìn độ dưới sự chứng kiến của ống kính nhà báo suốt mười phút dài, cho đến khi thân xác ra than mới gục ngã.

Triều Thanh : Vụ tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức là sự kiện mới mẽ trong lịch sử Phật giáo, lần đầu xẩy ra năm 1963 phải không thưa ông ?

Võ Văn Ái : Không đâu, dấu vết tự thiêu của nhà Phật trong việc tu học khổ hạnh tại Việt Nam đã xẩy ra từ thế kỷ thứ VII sau Tây lịch. Đọc Đại Việt Sử ký Toàn thư của Ngô Sĩ Liên gặp nhiều phát hiện dọc các thời kỳ lịch sử. Tôi xin trích một đoạn viết về tự thiêu năm Canh Tuất (dương lịch 1310) vào mùa thu tháng 9 :

“Xá lợi của vua Nhân tôn để vào bảo tháp, có sư Trí Thông phụng hầu. Khi Nhân tôn mới xuất gia, sư chùa Siêu Loại là Trí Thông đốt cánh tay từ bàn tay đến khuỷu tay, vẫn nghiễm nhiên không đổi sắc mặt. Nhân tôn đến xem. Trí Thông đặt chỗ vua ngồi, lạy nói rằng : “Thần tăng đốt đèn đó thôi. Đốt đèn xong rồi về điện ngủ kỹ, thức dậy chỗ phồng lại khỏi. Đến thời Nhân tôn băng hà, Trí Thông vào núi Yên tử ở hầu bảo tháp chứa xá lợi. Đến đời Minh tôn tự thiêu chết”. (Đại Việt Sử ký Toàn thư, tập II, tr. 98 – 99, Cao Huy Giu phiên dịch, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1967).

Trong đạo Phật tự thiêu để cúng dường chư Phật, tự thiêu vì lòng từ bi, hoặc tự thiêu cúng dường Xá lợi Phật. Điều này có thể tìm thấy trong Kinh Pháp Hoa (Saddharmapuṇḍarīka) ở phẩm 23, nói về Chuyện cũ của Bồ tát Dược Vương, nhắc đến Bồ tát Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ kiến, là vị Bồ tát thích tập khổ hạnh để cầu Phật tuệ. Nhân nghe đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh tuyên thuyết kinh Pháp Hoa, lòng thâm cảm ân sâu, nên Bồ tát đã tự thiêu hiến cúng Chánh Pháp đối với Như Lai. Bồ tát ăn uống các hương liệu như đàn hương, thảo hương, tùng hương, vân vân, lấy vải quí quấn mình, rưới tẩm các thứ dầu thơm, rồi đem nguyện lực và thần lực mà tự đốt thân mình, ánh sáng chiếu khắp thế giới hệ.

Triều Thanh : Phải chăng không là chuyện huyễn hoặc của sách vở, ông nghĩ sao ?

Võ Văn Ái : Nói chung, con người thường chỉ thích nghe và tin những chi họ tư duy trong đầu óc họ. Nguy thay, những điều họ suy nghĩ đa số đến từ vọng tưởng của vô minh.

Tất cả thế giới qua con mắt và ống kính máy ảnh của các nhà báo quốc tế có mặt ở Saigon thời ấy, và hàng trăm người Việt chứng kiến cảnh tự thiêu hôm 11 tháng 6 năm 1963 nơi ngã ba đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. Nhưng 54 năm sau vẫn còn những bài viết tố giác ngược lại cho vừa ý người viết, hoặc ý đồ xuyên tạc của y. Bất chấp sự thật mà khoa học và tôn giáo học có thể chứng minh.

Tôi nhớ thập niên 50, lần đầu tiên lãnh tụ Khrushchev của Nga Sô Viết đến thăm Ấn Độ. Cố ý hay không, Thủ tướng Nehru cho ông Thần Đỏ duy vật này xem cảnh một chiếc xe trọng tải cực lớn và nặng chạy đè trên một thân người Ấn nằm trên tấm gỗ đầy đinh sắt. Khi xe qua, người ấy không chết, vui cười đứng dậy chào khách lạ. Chắc ông Khrushchev không tin ở cặp mắt duy vật của mình, hoặc chẳng hiểu gì thông điệp sức mạnh tâm linh mà Ấn Độ muốn khai thị ? Nay tôi kể lại chắc có số người sẽ không tin, dù báo chí quốc tế đăng tải sự kiện này ?

Có người tin hay không tin về tự thiêu do khổ hạnh trong đạo Phật. Nhưng sự thật không đến từ tin hay không tin. Vấn đề là kiến thức khoa học và tâm linh của người bình luận có đủ tầm hiểu biết về con người, thế giới, vũ trụ chăng ?

Người tu khổ hạnh Phật giáo phải thấm nhuần trước tiên trí tuệ Bát nhã, tức nắm bắt tự tính không của Trung Quán tông. Một người đã trải qua công phu khổ luyện thể xác và Pháp Phật, thì tâm sinh lý người ấy lúc tự thiêu hoàn toàn vắng lặng, từ cơ bản, những mong cầu, yêu sách, đòi hỏi, kể cả thiện ý muốn chuộc tội cho kẻ khác. Vì khổ hạnh tự thiêu là sự hiến cúng Chánh pháp, chứ không là tử đạo. Tự thiêu cách đó là sự nhập định (Samādhi), sự tựu thành của khổ luyện Yoga cộng với tâm thức Bát Nhã. Đây chính là yếu nghĩa của Bố thí Ba la mật (Dānapāramitā) một trong sáu Lục độ Ba la mật. Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṃkara) hay Phổ Quang Phật quấn đầu bằng vải tẩm dầu rồi đốt như một ngọn đèn. Khi lửa cháy không thấy chút đau đớn gì. Tâm lý buông xả thể xác và vô cảm thần kinh đã nhờ hành trình tu luyện Phật giáo. Không biết công phu tu luyện, tất dễ suy diễn sai lầm về một động thái tâm linh của người tu đạo đã chứng đắc.

Tự thiêu là nói việc dùng lửa thiêu thân. Nhưng sự hiến cúng cho Chánh Pháp được thấy thường xuyên trong Kinh Bản sinh (Jātaka). Những hình ảnh hiến cúng vì lòng từ bi thương xót chúng sinh, như tiền thân đức Phật Thích Ca có lúc lao thân cho hổ đói, để tránh việc hổ mẹ ăn thịt các con.

Truyền thống Phật giáo hay truyền thống triết học Ấn Độ không chấp nhận tự sát. Cho nên, từ cơ bản, tự thiêu không phải là tự sát, mà có số người hiểu lầm, đặc biệt người Tây phương. Cũng không hề có việc một kẻ theo đạo Phật “đổ xăng đốt Ngài Quảng Đức”. Đây là sự xuyên tạc vì ý đồ thấp kém, nếu không là suy diễn theo truyền thống của một nền tôn giáo nào khác chăng.

Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.

 

Tags

 

0 Comments

You can be the first one to leave a comment.

Leave a Comment