PARIS, 20.5.2016 (PTTPGQT) – Hôm 17 tháng 5, hai Thượng Nghị sĩ và 6 Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ đồng ký tên trong bức thư gửi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama yêu cầu Tổng Thống can thiệp trả tự do cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ nhân chuyến viếng thăm Việt Nam. Tổng Thống Obama sẽ đến Việt Nam ngày 22 tháng 5 và sẽ ghé thăm hai thành phố Hà Nội, Saigon. Được biết nhân quyền và tự do tôn giáo đã được đưa vào nghị trình thảo luận với các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam.

8 vị Thượng Nghị sĩ và Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ viết thư gửi Tổng Thống Obama bênh vực cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ

8 vị Thượng Nghị sĩ và Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ viết thư gửi Tổng Thống Obama bênh vực
cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ

Bức thư đã được 8 đại biểu nổi danh Quốc hội Hoa Kỳ thuộc tiểu bang Massachusetts đồng ký tên : Bà Thượng Nghị sĩ Elizabeth Warren, Thượng Nghị sĩ Edward J. Markey, Bà Dân biểu Katherine Clark và các Dân biểu Michael Capuano, James McGovern, Richard Neal, Seth MoultonJoseph Kennedy III.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam có trụ sở tại Paris, và Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế biểu tỏ sự tán dương khi tuyên bố rằng : “Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã phải bỏ hơn một phần ba đời người trong tù ngục và quản chế. Tôi thành thật hy vọng Tổng Thống Obama sẽ chú tâm đến lời kêu gọi mạnh mẽ và tha thiết này, để rút ngắn sự chờ đợi tự do của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng độ”.

Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo tối cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hiện bị quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon. Ngài được đề cử ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm nay, 2016, là nhà bất đồng chính kiến nổi danh, nhưng đã phải trải qua hơn ba thập niên trong tù ngục, lưu đày và quản chế, vì lên tiếng ôn hòa cho tự do tôn giáo và nhân quyền.

Xin xem nguyên văn Anh ngữ cùng 8 chữ ký.

Sau đây là bản dịch Việt ngữ của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế :

 

“Thưa Tổng Thống,

“Chúng tôi cầu chúc Tổng Thống thượng lộ bình an sang Đông Nam Á cuối tháng 5 này. Chúng tôi hy vọng và trông chờ sự hiện diện của Tổng Thống trong vùng sẽ đóng góp cho hoà bình và ổn định, cũng như cuộc hợp tác giữa hai quốc gia thêm bền vững.

“Do sự liên hệ với Việt Nam mà chúng tôi viết thư hôm nay gửi Tổng Thống. Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, tái khẳng định rằng các quốc gia thành viên LHQ tôn trọng các nhân quyền và phẩm giá cơ bản, thích đáng cho con người. Hơn nữa, cả hai bên đều chấp nhận rằng nhân quyền là chủ yếu trong việc thăng tiến và phát triển quan hệ thân hữu giữa hai quốc gia. Điều 18 đã được quy định về vị trí của quyền tự do tôn giáo :

“Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm tự do theo hoặc gia nhập một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một cách riêng tư hay trong tập thể với nhiều người khác, công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, nghi lễ, thực hành và diễn giảng.

Các quốc gia cam kết tôn trọng nhân quyền và pháp quyền đã cùng kết luận qua văn kiện Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, mà Việt Nam tham gia ký kết ngày 24 tháng 9 năm 1982. Đặc biệt, Điều 18, khoản 2 của Công ước về Dân sự và Chính trị quy định :

“Không một ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

“Chúng tôi tin rằng sự giam giữ dài lâu, có khi gọi là “quản chế tại chùa”, của vị Tăng sĩ Phật giáo Thích Quảng Độ, vi phạm những nguyên tắc nói trên. Vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, năm nay 87 tuổi, được Ân Xá Quốc tế, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Văn Bút Quốc tế, và Sáng hội Nhân quyền Lantos công nhận là một “tù nhân vì lương thức”. Hoà thượng đã bị lưu đày, giam nhốt, và quản chế gần như liên tục từ năm 1982.

“Trong dịp Tổng Thống gặp Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, mà Tổng Thống đã có lần gặp họ mùa hè năm ngoái, xin Tổng Thống thúc đẩy họ trả tự do tức khắc cho Đại lão Hoà thượng Thích Quàng Độ. Chúng tôi mong cầu Tổng Thống, vì Ngài là Tổng Thống của chúng tôi, nói rõ cho các đối tác Việt Nam hiểu rằng Hoa Kỳ luôn tận tâm cho tự do và nhân phẩm. Xin hãy nói với họ là chúng ta chia sẻ tín ngưỡng của ngài Thích Quảng Độ, mà ngài đã trình bày với Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Tom Malinowski hồi tháng 8 năm 2015 và được Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trích dẫn, rằng nhân quyền tối ư quan trọng cho xã hội và phải là sự tôn trọng hỗ tương trong pháp quyền.

“Chúng tôi trông đợi Tổng Thống sử dụng chuyến viếng thăm kỳ này để nói lên mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ và sự hậu thuẫn của chúng ta đối với những nguyên tắc khiến cho Hoà thượng phải lâm nạn quá lâu trong sự bất công. Xin cám ơn những nỗ lực của Tổng Thống cho Nhân quyền tại Việt Nam và xuyên suốt Đông Nam Á.

“Trân trọng.

“Đồng ký tên :

Bà Thượng Nghị sĩ Elizabeth Warren
Thượng Nghị sĩ Edward J. Markey
Bà Dân biểu Katherine Clark
Dân biểu Michael E. Capuano
Dân biểu James P. McGovern
Dân biểu Richard E. Neal
Dân biểu Seth Moulton
Dân biểu Joseph P. Kennedy III

 

3 Comments

  1. Nguyễn Bá Lăng says:

    Rất buồn,vì không thấy TT Obama có động thái nào để đáp ứng nguyện vọng của các nhà đấu tranh quyền tự do cho đức Tăng thống thương QUẢNG hạ ĐỘ.

  2. giang hoang says:

    Rất khó mà phán đoán đúng được người Mỹ nói chung và Obama nói riêng nghĩ gì trong đầu họ khi đến thăm chùa tàu mà không đến chùa Việt Nam. Có nhiều người đoán rằng họ không hiểu lịch sử Việt Nam và không phân biệt được văn hóa chùa tàu và chùa Việt. Đoán như vậy chưa chắc đã đúng. Nhiều người cho rằng người Mỹ hiểu rõ sự khác biệt chùa tàu và chùa Việt Nam, và Obama cố ý thăm chùa tàu để ngầm am chỉ điều gì đó. Căn cứ vào thực tế mà nói, trước khi Obama sang Việt Nam, hòa thượng Quảng Độ và các dân biểu nghị sĩ viết thư cho Obama. Nhưng khi sang Việt Nam, Obama không thèm đề cập gì đến hòa thượng QĐ và phật giáo VN, lai đi thăm chùa tàu do sư quốc doanh chủ tri như thế. Xem ra thông điệp phật đản Obama gửi trước đây chỉ là vấn đề xã giao thôi. Obama to ra xem thường phật giáo việt nam và hòa thượng QĐ. Đối với ông ta, chỉ nghĩ tới quyền lợi cho nước Mỹ. Nhưng đó cũng là lẽ thường thôi.
    .

  3. giang hoang says:

    Toi xin post bai viet cua Pham Tin An Ninh day de moi nguoi cung suy ngam.
    Diễn văn của ông Obama đọc tại Hà Nội – một bài ca hay nhưng lỗi nhịp.

    Phạm Tín An Ninh

    Dư âm chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama, được báo chí gọi là “cơn sốt Obama”, mãi đến hôm nay vẫn còn âm ỉ trong lòng người dân Việt nam và cả những đảng viên Cộng sản. Với bài diễn văn lôi cuốn đọc trước hai ngàn người tại Hà Nội, và hầu hết dân chúng Việt nam được nghe trên đài truyền hình, ông không chỉ được ái mộ như một nhà chính trị đa tài, mà còn là một nhà văn hóa lỗi lạc, làm rung động lòng người. Chuyện ăn bún chả ở một cái quán bình dân, cũng như chuyện dừng xe ở làng quê dưới cơn mưa, nói chuyện và bá vai chụp ảnh với mấy người dân lao động, mặc dù ai cũng nhận ra đó là những màn kịch, nhưng ông thực sự đã khuấy động được trái tim của hầu hết mọi người. Khi vào Sài gòn, qua cuộc tiếp xúc với những người trẻ, ông càng chứng tỏ sự hoạt bát, đa tài, bình dị và thân thiện. Rời khỏi Việt Nam, ông đã để lại cho người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hình ảnh của một người lãnh đạo lý tưởng, đáng yêu, đáng kính nhất. Từ ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay, lời nói, nhất cử nhất động của ông dường như đều có chủ đích. Và ông đã thành công mỹ mãn.

    Ông đến như một đợt sóng bất ngờ xua đi những bãi bờ hoang tàn, nhớp nhơ, cũ kỹ, như điệu nhạc huyền hoặc làm tan đi cái không khí nặng nề, u ám. Người ta đã mê ông, đã mê Mỹ như là biểu tượng của Tư Bản, của Tư Do Dân Chủ. Điều đặc biệt hơn là từ đây trong lòng người dân Việt Nam in đậm hình ảnh một nhà lãnh đạo thần tượng mà họ đã khao khát hơn 41 năm qua, từ khi chế độ Cộng Sản man rợ bao trùm trên cả nước.

    Những kẻ lãnh đạo mà người dân đã bị áp đặt, không có quyền được chọn lựa, hầu hết là những người bất tài, thiếu đức, độc tài, hống hách, tham nhũng và bán nước. Họ xem những lãnh tụ bây giờ là đám tham quan tồi tệ nhất trong lịch sử dân tộc. Một đám sâu dân mọt nước.

    Chỉ một ngày, sau khi Ông Obama rời khỏi Việt nam, một hình ảnh tương phản rất quái đản đã được phổ biến khắp nơi, trên mạng, facebook, cũng như trên một số báo chí trong nước. Một ông quan CS (cỡ nhỏ) từ trên xe “con” bước xuống lúc đường ngập nước, được hai đồng chí đàn em mang hai chiêc ghế đến để ông bước lên, sau đó ông quan bá cổ một tên đàn em khác để được cõng vào lề đường. Người dân vừa có một so sánh lý thú, làm đám cán bộ càng thêm nóng mặt!

    Nhiều người Việt hải ngoại cũng hết lời ca ngợi ông Obama, đánh giá rất cao sự thể hiện và tác động của ông đối với mọi tầng lớp dân chúng Việt Nam, trên nhiều lãnh vực: tư do, nhân quyền, biển Đông, và đặc biệt là phong cách lãnh đạo. Một số cho là chưa có nhân vật nào làm cho người dân Việt Nam mê Mỹ, thần tượng Mỹ như là TT Obama đã làm. (Mà mê Mỹ đồng nghĩa với mê Tự Do, Dân Chủ). Ông Obama đã “khuấy động” được trái tim của hầu hết người dân Việt Nam, kể cả những người CS. Đó là cuộc “diễn biến hòa binh” tiềm ẩn nhưng thành công nhất của một vị TT Hoa Kỳ. Một cơ hội bất ngờ để người dân trong nước bỏ phiếu giữa Tự Do và Cộng Sản. Cũng có người bất bình, trách ông sao không đề cập đến chuyện cá chết, chuyện các nhà đấu tranh bị giam giữ, tù đày, chuyện trấn áp, đánh đập những người biểu tình ôn hòa. Nhưng cũng có người thông cảm cho vai trò “quốc khách” của ông, và nghĩ rằng chuyện dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, hay Hiệp ĐịnhTPP, có thể đều kèm theo những ràng buộc nào đó và có những cái giá phải trả. Đã chính trị là phải thủ đoạn, khó mà lường trước được kết quả hay hậu quả của người nhận. Cũng có thể đã có những phản đối, đòi hỏi, trao đổi đặc biệt khác, nhưng không được công khai vì sự tế nhị của ngoại giao. Hơn nữa là một Tổng Tống Mỹ, ông chỉ làm điều gì có lợi cho chính nước Mỹ. Như trong bài diễn văn, ông đã khẳng định là “ đất nước của các bạn nằm trong tay của các bạn, do chính các bạn định đoạt!” …

    Riêng cá nhân tôi, khi theo dõi bài diễn văn được mọi người ca ngợi, tôi cũng ít nhiều cảm kích, cũng thầm ngợi khen cả bài diễn văn ( tất nhiên không phải do ông viết) lẫn cách thể hiện của ông. Tôi thích thú khi nghe ông nói, sỡ dĩ có cuộc chiến đẫm máu trước kia là do nỗi sợ Cộng sản, và ông bùi ngùi chia sẻ những hy sinh mất mát cho cả hai bên Mỹ- Việt.

    Nhưng với tôi, bài diễn văn ấy vẫn chưa đủ, chưa làm cho cá nhân tôi thấy hấp dẫn và cảm phục. Tôi nhận ra một lỗ hổng, một món nợ khác mà người Mỹ, chính phủ Mỹ còn nợ dân chúng miền Nam Việt Nam trong vai trò một đồng minh, mà nhiều vị Tổng Thống Mỹ, đại diện, đã từng long trọng cam kết sẽ bảo vệ, ngay cả khi buộc Nam Việt Nam ký vào Hiệp Định Paris ngày 29.1.1973. Một bàn hiệp định bất công, tồi tệ mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã cực lực phản đối!

    Là người Việt Nam, tôi luôn hiểu là đất nước tôi do người Việt nam chúng tôi quyết định. Việc để mất miển Nam là do trách nhiệm của người miền Nam, đặc biệt là của chính phủ và quân đội Nam Việt Nam. Nhưng rõ ràng chính phủ Mỹ đã phản bội lời hứa, đã đồng lõa với kẻ thù để đẩy Nam Việt Nam vào bước đường cùng.Chính ông Graham Martin, vị đại sứ Mỹ cuối cùng tại Sài gòn đã công nhận và nói trước Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ là “chúng ta đã có lỗi với họ, đã phản bội họ. Phản bội Nam Việt Nam là vết ô nhục lớn nhất của lịch sử Hoa Kỳ.” Sau này, rất nhiều vị tướng lãnh, chính khách và nhà sử học Mỹ cũng nói lên những điều tương tự.

    Hôm nay, Mỹ đã làm bạn với Việt Nam CS, Quốc Hội và Chính Phủ Mỹ đã dỡ bỏ rào cản cuối cùng để bắt tay với kẻ cựu thù, trở thành “đối tác toàn diện”, hay “đối tác chiến lược”. Trong bài diễn văn được ca ngợi là một tuyệt tác”văn hóa”, ông Obama kêu gọi “hãy quên quá khứ để hướng tới tương lai” khi trích dẫn cả lời trong bài hát của Nhạc sĩ Văn Cao, tác giả bài quốc ca CS, “ từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người” (mặc dù người nhạc sĩ này đã bị chính những đồng chí của ông cầm tù, hành hạ suốt gần cả một đời), và cả bài ca Nối Vòng Tay Lớn, mà chính tác giả phản chiến (và phản bội) Trịnh Công Sơn đã hát trên đài phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30.4.75, khi CS vừa cưỡng chiếm miền Nam.

    Khi ông Obama được chính quyền CS đón tiếp trọng thị, được dân chúng Việt nam ngợi ca như một thần tượng của Hòa Giải, của Tự Do, thì hơn 10.000 nấm mồ của những tử sĩ miền Nam VN vẫn bị hoang phế, phá hủy, trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa ( đã bị thay tên), và hàng vạn thương phế binh VNCH đang sống khốn cùng ở trên chính quê hương mình. Cả tử sĩ và những người lính miền Nam tàn phế già nua ấy vẫn đang bị kẻ chiến thắng tìm mọi cách hành hạ, sĩ nhục. Và biết bao người dân miền Nam xưa giờ vẫn khốn khổ trên quê nhà. Họ đã mất gần như tất cả, nhà cửa, tiền bạc và cả tương lai con cháu bởi sự phân biệt đối xử. Ai sẽ chìa những bàn tay ra với họ, ai sẽ nói với họ “từ đây người biết yêu người?”

    Cám ơn ông Obama đã thức tỉnh được đồng bào Việt Nam tôi trong nước, đã thổi vào trái tim họ một luồng sinh khí mới của Tự Do, nhưng ông vẫn còn nợ người dân miền Nam một lời xin lỗi. Và bài diễn văn của ông, được nhiều người ngợi ca, với tôi, tiếc thay đó là một bài ca hay nhưng lỗi nhịp!

    Phạm Tín An Ninh

    (30.5.2016)

    =

    __._,_.___

Leave a Comment