TƯỞNG NHỚ HUÂN TƯỚC AVEBURY,
THƯỢNG NGHỊ SĨ VƯƠNG QUỐC ANH

PARIS, ngày 19.4.2016 (PTTPGQT) — Huân tước Avebury sinh ngày 29 tháng 9 năm 1928, vừa qua đời tại Luân Đôn hôm 14 tháng 2 đầu năm nay, tại thế 88 tuổi. Phật giáo đồ Việt Nam, đặc biệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nghiêng mình tán thán công đức vô biên bảo vệ nhân quyền trên thế giới và Việt Nam của Huân tước. Sự ra đi của Huân tước làm hụt hẫng tâm hồn những ai yêu chuộng công lý, quyền con người, và tin tưởng vào lòng Đại Bi như sự cứu rỗi nhân thế.

Lord Avebury

Lord Avebury

Chúng ta vừa mất đi một người bạn nơi trần thế, vào lúc Việt Nam và thế giới cần hơn bao giờ sự hiện diện của những đấu-sĩ-tỉnh-thức, với hành trang Tuệ-giác-siêu-việt để ly niệm, thoát ly mọi hí luận tranh chấp, thắng lướt sự sợ hãi, ảo vọng, để hoá-hiện sự an-lạc, tự-tại nơi xã hội khủng bố, giành giật, tha hoá ngày nay. Như Tâm kinh Bát Nhã vang động ba nghìn năm câu kinh : “Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn”.

Thập niên 80, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam chúng tôi đã mở cuộc vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam qua tám quốc gia Châu Âu. Huân tước Avebury đã tiếp chúng tôi tại Thượng viện Vương quốc Anh, khiến cho thảm cảnh nhân quyềN và tôn giáo lần đầu tiên vang động hội trường Quốc hội Anh.

Kể từ 1962, Huân tước Avebury trải qua 8 năm dài hoạt động tại Hạ viện. Năm 1976, làm Thượng Nghị sĩ Thượng viện, Huân tước thành lập Tổ Nhân quyền Quốc hội và tại vị cho đến 21 năm sau.

Nhân chuyến viếng thăm Tích Lan đầu thập niên 70, tiếp xúc với các nhà sư Phật giáo, ông chấn động trước giáo lý Từ Bi, Trí tuệ của đạo Phật, mang lại cho bản thân Huân tước sự an nhiên, tự tại, siêu thoát, mà bấy lâu ông sống trong khắc khoải, bồn chồn trước khổ luỵ nhân sinh. Huân tước xin quy y trở thành Phật tử. Cũng từ đây, Huân tước tranh đấu cho tù nhân Anh quốc được học Phật biết đến Ánh sáng giải thoát phương Đông. Hằng tuần, Huân tước thăm viếng thường xuyên các nhà tù và thuyết giảng Phật pháp cho tù nhân Anh.

Bất cứ đâu trong thế giới vi phạm nhân quyền, Huân tước liền lưu tâm Quốc hội và chính quyền Anh giải quyết. Huân tước đã nhiều lần đề cử Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hoà bình. Bài phát biểu của Huân tước Avebuy tại Hạ viên Anh tháng 10 năm 1999 có những trích đoạn nhắc nhở tới thảm cảnh của Phật giáo Việt Nam như sau :

“Như đã nói, tôn giáo là lực lượng to lớn, khác thường cho xã hội loài người ở trong cả hai điều thiện và ác. Tôn giáo đã chấp nhận và gieo hình phạt cho người nô lệ hằng bao nhiêu thế kỷ, rồi cũng tôn giáo giúp cho việc bãi truất nạn nô lệ. Nhà thờ khuyến khích sự chống báng Do Thái giáo tại đế quốc Đức, ngày nay nhiều sử gia còn phát hiện sự kiện Nhà thờ cấu kết với Đức Quốc xã nhằm huỷ diệt Do Thái. Các Nhà thờ đã thất bại trong việc lên tiếng chống sự kỳ thị chủng tộc tại Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ, dù vậy ngày nay, Nhà Thờ lại bồi thường bằng cách thăng tiến sự hợp nhất. Nhà Thờ ngăn cản việc phụ nữ chịu chức linh mục, và nay, thì Nhà Thờ lại kêu gọi cho nữ quyền.

“Tất cả các tôn giáo đều đào tạo ra những tín đồ đầy lòng từ bi, và niềm tin này thúc đầy họ âu lo cho kẻ nghèo khốn, bị bệnh tật, bị thương tổn hay bị tan vỡ trong đời sống. Thật là nghịch lý, khi tôn giáo phát sinh tình yêu vô kỷ trong một số người, nhưng lại thúc đầy hằn học, hận thù trong một số người khác.

“Một cái nhìn quanh thế giới cho chúng ta thấy nhiều quốc gia đàn áp những ai theo tôn giáo khác với chủ trương của Nhà nước.

“Tại Việt Nam, tất cả Phật giáo đồ cũng như sinh hoạt của chư Tăng thuộc Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đều bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, ngoài sự cúng kiến tại chùa, mọi hoạt động của họ đều bị cấm đoán. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đặt Việt Nam trong số 7 quốc gia thuộc “chế độc độc tài và độc đoán”, luôn tìm cách kiểm soát từ tư tưởng đến ngôn luận, đặc biệt những ai bất đồng chính kiến.

“Quý vị Thượng nghị sĩ cao quý có thể nói rằng đây là đặc quyền của Nhà nước chứ không phải của tôn giáo trong việc xử trí với những ý kiến chính trị qua trường hợp này. Nhưng chúng ta có thể phân đôi chính trị với tôn giáo không, hay phải chấp nhận trong một chừng mực chồng chéo nào đó giữa các lĩnh vực hoạt động ? Nếu tôn giáo có vai trò gì trong phạm vi giải quyết tranh chấp, thì đó là sự quan tâm trong tiến trình tư duy, hay thể hiện nỗ lực chỉnh đốn để áp dụng vào thế giới thực tại ? Từ thời Trung cổ trở đi, tôn giáo đã có tiếng nói về sự dẫn dắt chiến tranh, về những cuộc chiến tranh chính đáng hay không chính đán, thì ngày nay, tại sao tôn giáo lại không thể nói lên về sự gìn giữ hoà bình, mà các quốc gia quan tâm khi lấy quyết định quy chiếu theo quyền lợi Nhà nước, để chống lại ngưỡng vọng của nhân dân nước họ ?”

Bằng tấm lòng thương quý chúng sinh, cứu khổ chúng sinh trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền thế giới của một người Phật tử — Huân tước Avebury đã trung thành Phật-hoá-chính-trị trong suốt cưộc đời tham chính của Huân tước.

Xin hãy cùng nhau giành một phút niệm tưởng tri ân và cầu nguyện cho hương linh Huân tước Avebury an nhiên niết bàn. Biết đâu Huân tước không là một Bồ Tát hoá thân nơi Vương quốc Anh ?

Võ Văn Ái

 

LỄ NHẬM CHỨC TRÚ TRÌ CHÙA KIM QUANG

Đạo hữu Lê Công Cầu, Tổng Thư ký Viện Hoá Đạo, vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến bản Tường trình Lễ Nhậm chức Trú trì chùa Kim Quang, Huế, của Hoà thượng Thích Toàn Lạc như sau đây :

Vào ngày 15 tháng 4 năm 2016, nhằm ngày 09 tháng 3 năm Bính Thân, Lễ nhậm chức Trú Trì Chùa Kim Quang tại thành phố Huế được tổ chức đơn giản trong không khí trang nghiêm và thanh tịnh, với sự hiện diện của Chư Tăng thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) tại tỉnh nhà cùng sự tham dự của Đại Diện các Đạo Tràng Thập Thiện và Bồ Tát Giới, đại diện Huynh Trưởng các cấp của Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên và Quảng Trị. Ngoài ra còn có sự tham dự của Thượng Tọa Thích Minh Tuệ, người được Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh cử nhiệm Giám Tự Chùa Kim Quang trước đây.

Hoà thượng Thích Toàn Lạc, Tân Trú trì chùa Kim Quang, tác bạch

Hoà thượng Thích Toàn Lạc, Tân Trú trì chùa Kim Quang, tác bạch

Tại Chánh Điện Chùa Kim Quang, sau 3 hồi chuông trống bát nhã, Hòa Thượng Thích Toàn Lạc đã dâng lời tác bạch lên Tam Bảo, trong lời tác bạch Hòa Thượng nêu rõ đại quan các sự việc đã qua, khi nói rằng : “Cố Hòa Thượng Bổn Sư Thích Diệu Hoằng, trước khi viên tịch đã để lại Di Huấn cúng dường Chùa Kim Quang cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất làm cơ sở Giáo Dục hoặc cơ sở Từ Thiện Xã Hội. Thực hiện lời Di Huấn ấy, năm 2004, Hòa Thượng Thích Toàn Lac đã dâng thỉnh nguyện cúng dường lên Ban Đại Diện GHPGVNTN Tỉnh Thừa Thiên Huế thay mặt Viện Hóa Đạo kính xin tiếp nhận ngôi Tam Bảo Kim Quang.

“Thế nhưng do những tham vọng cá nhân cản trở nên việc cúng dường ngôi Tam Bảo bất thành. Năm năm sau (2009) với sự can thiệp của Đức Tăng Thống và Viện Hóa Đạo, Chùa Kim Quang mới được Ban Đại Diện GHPGVNTN Tỉnh Thừa Thiên Huế thừa ủy nhiệm Viện Hóa Đạo tiếp nhận và suy cử Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh làm Trú Trì.

“Tuy nhiên, từ ngày nhận chức cho đến thời điểm hiện tại, Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh không trực tiếp quản trị Chùa mà giao cho một người khác trông coi. Chùa Kim Quang thành nơi cúng bái, cầu an giải hạn, không thực hiện tâm nguyện của Cố Hòa Thượng Bổn Sư Thích Diệu Hoằng mà cũng là tâm nguyện của Hòa Thượng Thích Toàn Lạc muốn sử dụng chùa cho công trình giáo dục và từ thiện xã hội..

“Đặc biệt, đầu năm 2014, Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh đã từ nhiệm mọi chức vụ trong GHPGVNTN, giải tán Ban Đại Diện GHPGVNTN Tỉnh Thừa Thiên Huế, thành lập Tăng Đoàn Dị Giáo. Nên từ đó, Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh không còn tư cách pháp nhân để trú trì Chùa Kim Quang.

“Trước các biến chuyển ấy, Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đao Thích Thanh Quang đã ra Quyết Định số 12.16/VHĐ/VT ký ngày 12.03.2016 mang hai quyết định :

“- Miễn nhiệm vĩnh viễn chức vụ Trú Trì Chùa Kim Quang của Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh

“- Cung Thỉnh Hòa Thượng Thích Toàn lạc vào ngôi vị Trú Trì Kim Quang Tự.”

Hoà thượng Thích Minh Quang tuyên đọc Quyết định Viện Hoá Đạo

Hoà thượng Thích Minh Quang tuyên đọc Quyết định Viện Hoá Đạo

Sau lời tác bạch của Hòa Thượng Thích Toàn Lạc, Hòa Thượng Thích Minh Quang, Chánh Văn Phòng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tuyên đọc Quyết Định dẫn thượng trước Đại Chúng, tất cả Đại Chúng đãnh lễ Hòa Thượng Trú Trì với ước mong Hòa Thượng hoàn thành di nguyện của Cố Hòa Thượng Bổn Sư Thích Diệu Hoằng.

Hòa Thượng Thích Toàn Lạc dâng lời phát nguyện và Y Giáo Phụng Hành lên Tam Bảo.

Sau phần nghi thức là nghi lễ truyền thống do Chư Tăng, Đạo Tràng và Gia Đình Phật Tử cử hành trang nghiêm, thanh tịnh. Buổi lễ hoàn mãn lúc 11g 30 cùng ngày với buổi thọ trai đạm bạc nhưng vô cùng đạo vị.

 

0 Comments

You can be the first one to leave a comment.

Leave a Comment