WASHINGTON D.C., ngày 15 tháng 7 năm 2019 (VCHR) – Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) cùng với 1000 nhà hoạt động xã hội dân sự, lãnh đạo tôn giáo, nhà làm chính sách, học giả quốc tế cùng với đại diện các Chính phủ trong thế giới tham dự Hội nghị Cấp Bộ trưởng để Thăng tiến Tự do Tôn giáo do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn từ ngày 16 đến 18 tháng 7 năm 2019. Đây là Hội nghị lần thứ hai cho Tự do Tôn giáo nhằm thiết lập hành động khởi sự từ năm ngoái. Ba thành viên của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) đã được Bộ Ngoại giao mời phó hội : Chủ tịch VCHR, ông Võ Văn Ái, Phó Chủ tịch VCHR, bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, và Tổng thư ký VCHR, ông Võ Trần Nhật.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch VCHR cho biết : “Vi phạm tự do tôn giáo hay tín ngưỡng tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Các cộng đồng tôn giáo bị kiểm soát khắc khe. Những ai hoạt động để bảo vệ tự do tôn giáo và nhân quyền bị tấn công, bắt bớ, tra tấn và giam cầm. Tại Hội nghị Cấp Bộ trưởng này, chúng tôi sẽ thúc giục Chính phủ Hoa Kỳ và Cộng đồng Thế giới gây áp lực Việt Nam tôn trọng các quyền tự do tôn giáo của người dân và cải cách thực sự pháp lý cũng như chính trị”.
Nhân danh Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), ông Võ Văn Ái có lời tuyên bố như sau :
Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng – Quyền Con Người bị bách hại tại Việt Nam – Tuyên bố của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) nhân Hội nghị Cấp Bộ trưởng Thăng tiến Tự do Tôn giáo
tại Washington D.C 16 đến 18 tháng 7 năm 2019
Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) chào mừng sáng kiến của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đứng ra tổ chức tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn Hội nghị lần thứ hai Cấp Bộ trưởng nhằm Thăng tiến Tự do Tôn giáo từ ngày 16 đến 18 tháng 7 năm 2019. Sự kiện ở cấp cao này do ông Ngoại trưởng Mike Pompeo đăng cai tổ chức, quy tụ đại biểu các chính phủ trong thế giới và hơn 1000 các nhà hoạt động xã hội dân sự, lãnh đạo tôn giáo, các nhà làm chính sách và học giả quốc tế. Bên lề Hội nghị Cấp Bộ trưởng còn có hơn 80 sinh hoạt biểu trưng các khía cạnh thách thức tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Đại sứ Lưu động cho Tự do tôn giáo trên thế giới, ông Sam Brownback, cho rằng đây là “sự kiện lớn nhất cho tự do tôn giáo chưa bao giờ được tổ chức trên thế giới”.
Thật đúng thời điểm cho một cuộc hội tụ như thế, bởi vì quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đang bị đe doạ khắp thế giới ngày nay. Theo nghiên cứu của Trung tâm PEW thì khoảng 80% dân chúng trong thế giới phải sống trong những vùng địa lý mà tôn giáo bị giới hạn, kỳ thị, và sự đàn áp ngày càng gia tăng.
Điều khẩn thiết hơn cả, là trong khi tự do tôn giáo được công nhận rộng rãi như một khía cạnh trọng tâm cho nhân quyền, thì sự tự do này vẫn còn bị ngộ nhận. Các khái niệm và tiếp cận tự do tôn giáo còn sai khác nhau, lắm khi trực tiếp gây tranh cãi. Đối với một số người, tự do tôn giáo chỉ là “xa xỉ phẩm”, “đứa con nghèo” của nhân quyền. Với số người khác, tự do tôn giáo là “số một và quan trọng nhất”, nó là quyền ưu tiên, vượt trên các quyền khác.
Chúng tôi đặc biệt quan tâm về những dự án gần đây muốn “xét duyệt” lại khái niệm tối hậu của tự do tôn giáo và nhân quyền nhằm thiết lập “Uỷ ban về các Quyền Không thể tách rời”. Uỷ ban này sẽ phân chia giữa quyền không thể tách rời nguyên uỷ và “quyền ngoài thể thức (ad hoc)”, từ đó thiết lập một hệ thống cấp bậc cho nhân quyền mà tự do tôn giáo là đỉnh cao nhất. Dự án này có nguy cơ xáo trộn toàn bộ hệ thống nhân quyền quốc tế và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của hàng triệu người khốn khó ra tới những thế hệ tương lai.
Nhân kỳ Hội nghị Cấp Bộ trưởng, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) nhắc lại một số đặc trưng cơ bản cho tự do tôn giáo hay tín ngưỡng được tuyên xưng trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và các văn kiện liên hệ:
- Tự do tôn giáo là quyền phổ cập mà chúng ta được hưởng, vì chúng ta là thành viên của gia đình nhân loại; Các quốc gia không thể tác tạo hay huỷ bỏ quyền này;
- Tự do tôn giáo không giới hạn bởi tôn giáo mà thôi. Tự do tôn giáo chứa đựng tự do tư tưởng, và bao hàm tất cả các tôn giáo, đức tin, quan niệm và triết lý sống, dù hữu thần, vô thần hay phi thần. Như thế, tự do tôn giáo có thể gọi là mẹ của các quyền, nó phản chiếu những mệnh lệnh cho lương tri và định hướng bản sắc riêng con người;
- Tự do tôn giáo không bảo vệ tôn giáo. Nó bảo vệ con người. Con người theo một tôn giáo hay ai không được hưởng chung sự bảo vệ hay quyền này, dù bất cứ họ ở đâu hay sống như thế nào. Chẳng có tôn giáo nào được độc quyền về quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng;
- Tự do tôn giáo không hiện hữu riêng biệt. Quyền này không thể chia cắt, nó tương liên và gắn bó với mọi nhân quyền khác, như các quyền tự do biểu đạt, tư do lập hội, tự do hội họp và tự do giới tính. Các quyền này liên kết tăng cường chống lại sự bất bao dung và định hướng xã hội, đặt nền tảng trên sự tôn trọng phẩm giá và tự do của mọi người;
- Tự do tôn giáo giống như mọi nhân quyền, căn cứ trên sự không kỳ thị, bình đẳng, nhân phẩm và tôn trọng sự khác biệt.
Tại Việt Nam, thì chính những ý niệm về tự do, sự khác biệt, và đa nguyên đã bị xem như mối đe doạ cho nhà cầm quyền. Trong một quốc gia độc đảng, những ai biểu tỏ quan điểm xung đột với đảng Cộng sản đều phải đối diện với sách nhiễu, bắt bớ và cầm tù vì tội “xâm phạm an ninh quốc gia”.
Giống như ở Trung quốc, Nhà nước Việt Nam đang sống trong sợ hãi trước sự thức dậy của đời sống tâm linh, mà các thế hệ trẻ ngày càng lưu tâm tới những quyền uy tối cao của tâm linh hay siêu hình, là điều vượt khỏi sự kiểm soát của đảng Cộng sản.
Bất chấp cuộc đàn áp của nhà cầm quyền, các tín đồ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hoà Hảo, Cao Đài, Phật giáo Khmer Krom tiếp tục cuộc đấu tranh của họ cho tự do lương tâm và đòi hỏi một xã hội pháp quyền. Chóng hay chầy nhà cầm quyền Cộng sản phải bó buộc lắng nghe.
Trong những năm gần đây, sau các cuộc đàn áp chính trị, bắt bớ, sách nhiễu, Việt Nam sử dụng pháp luật để giới hạn tự do tôn giáo, Hiến pháp Việt Nam sửa đổi tuy bảo đảm tự do tôn giáo, nhưng lại nói rằng không ai đươc “lợi dụng tôn giáo để xâm phạm quyền lợi nhà nước”. Bộ Luật Hình sự năm 2015 chứa đựng một lô từ ngữ mơ hồ về tội phạm “an ninh quốc gia” – nhiều điều đưa tới án tử hình – tội-phạm-hoá các nhà bất đồng chính kiến chính trị và tôn giáo, với những điều luật siêu thực như “phá hoại đoàn kết quốc gia”, “chia rẽ người tôn giáo với người không tôn giáo”, hay “lợi dụng tự do dân chủ”. Các điều luật này cho Việt Nam lý cớ chứng minh với thế giới, rằng “Không có tù nhân tôn giáo hay chính trị tại Việt Nam mà chỉ có những người vi phạm luật pháp”.
Bước lùi cho tự do tôn giáo tại Việt Nam là “Luật mới Tôn giáo Tín ngưỡng” có hiệu lực từ tháng giêng năm 2018. Luật không mở ra khung bảo vệ tự do tôn giáo, mà áp đặt những giới hạn trong thực hành tôn giáo, và pháp-lý-hoá sự xâm phạm của nhà nước vào nội bộ tôn giáo. Luật mới còn áp đặt cơ chế đăng ký khắc khe mà nhà nước có trọn quyền chấp nhận hay từ khước. Điều lo ngại nhất là cơ chế này đặt các tôn giáo không đăng ký ra ngoài vòng pháp luật. Nghị định hướng dẫn Luật áp đặt tiền phạt nặng cho những ai sinh hoạt tôn giáo không được phép. Từ khi Luật có hiệu lực, các cuộc đàn áp tôn giáo gia tăng, các thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các cộng đồng tôn giáo độc lập khác không chấp nhận sự kiểm soát của nhà nước gặp vô vàn khó khăn, nguy biến.
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ và Cộng đồng Thế giới tác động để thúc đẩy Việt Nam tuân thủ nghĩa vụ quốc tế qua việc tôn trọng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Đặc biệt Việt Nam phải :
- Tức khắc và vô điều kiện trả tự do cho những ai bị bắt bớ tuỳ tiện vì biểu tỏ ôn hoà đức tin tôn giáo hay tín ngưỡng của họ;
- Xem xét lại Luật Tôn giáo Tín ngưỡng và mọi điều luật về tôn giáo, tuân thủ theo tiêu chuẩn quôc tế được bảo đảm qua Điều 18 của Công ước Quốc tế về Các Quyền dân sự và chính trị; giảm thiểu các chướng ngại hành chính làm cản trở các sinh hoạt tôn giáo ôn hoà;
- Bảo đảm việc đăng ký các nhóm tôn giáo là tuỳ ý, không bắt buộc, như Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do tôn giáo khuyến thỉnh, và không dùng cơ chế này như công cụ kiểm soát các hoat động tôn giáo;
- Bảo đảm quyền tự do thực hành tôn giáo cho mọi nhóm tôn giáo, kể cả các tôn giáo không đăng ký như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo hội độc lập Hoà Hảo và Cao Đài, các Giáo hội Tin Lành tại gia, cũng như các tôn giáo của dân tộc thiểu số như người H’mong, người Thượng Tin Lành và Phật giáo Khmer Krom;
- Xem xét lại cách cư xử của nhà cầm quyền đối với các cộng đồng tôn giáo; Nhà cầm quyền không nên xem các tín đồ tôn giáo là mối đe doạ an ninh quốc gia, trái lại, chào đón họ vào xã hội đa nguyên để họ có thể đóng góp cho sự phát triển tâm linh và kinh tế Việt Nam.
Võ Văn Ái
Chủ tịch VCHR
0 Comments
You can be the first one to leave a comment.