“Câu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước, trình bày vấn đề Phật Pháp & Thời luận phát thanh mỗi thứ sáu hàng tuần, do ký giả Triều Thanh phụ trách.
Hôm nay xin mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn Cư sĩ Võ Văn Ái về “Bốn Ân Lớn” chép lại từ cuộc phỏng vấn trong chương trình Đài thứ sáu 27 tháng giêng dương lịch 2016 :
Về Bốn Ân lớn
Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, trong cuộc ưu tư cứu nước bốn mươi năm qua trước hai vấn nạn độc tài toàn trị và ngoại xâm, tôi không thấy sự hiện hữu một đảng chính trị Phật giáo, thì làm sao giải quyết vấn đề chủ quyền đất nước ?
Võ Văn Ái : Không thể đánh đồng một tôn giáo, một phương pháp sống để diệt khổ, để giải thoát giác ngộ như Phật giáo với một đảng chính trị. Các lối sống trong đời ở bất cứ lĩnh vực nào đều biểu trưng cho sự hoàn thiện lĩnh vực ấy. Nhà làm chính trị âu lo việc quản lý quốc gia, xã hội sao cho người dân ấm no, hạnh phúc. Nhà bác học tìm tòi, phát kiến những quy luật vũ trụ để mở mang dân trí, kiến thức con người trước những bí ẩn của trái đất và các hành tinh. Nhà kinh tế chuyên lo việc phát triển cơ cấu kinh doanh để phục vụ loài người trên mặt vật chất. Nhà tu hành chuyên lo về đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, là nhu cầu khai sáng thân tâm con người trước vấn đề sống chết đã có từ thời tiền sử mà hư vô là dấu hỏi nghìn đời đặt ra cho con người.
Ta nên nhớ Đức Phật không là một thượng đế. Ngài là người giác ngộ, người đã thể-hội chân lý và khai phát chân trí, thấy rõ sự sinh diệt của bốn khổ là sinh, lão, bệnh, tử rồi đưa ra Bốn chân lý diệt khổ, gọi là Tứ Diệu đế. Đạo Phật là con đường diệt khổ, giải phóng thân tâm đạt tới giác-ngộ-trí, là trí của Phật.
Triều Thanh : Như vậy đạo Phật xa lánh chính trị, xa lánh cuộc đời. Hiện nay Việt Nam mình đang bị trôi lăn trong nạn độc tài toàn trị, thêm nạn đảng cầm quyền bán đứng biển đảo, lãnh thổ cho Bắc Kinh, người Phật tử chỉ âu lo giải thoát, giác ngộ thôi sao ? Đạo Phật cứu khổ như thế nào đây khi 90 triệu dân bị bức bách, đày ải, thiếu ăn, thiếu mặt, thiếu tự do, nhất là không được tự do sống theo tôn giáo, tín ngưỡng của mình ? Xin ông cho biết ý kiến ông theo đạo Phật về thảm trạng Việt Nam ngày nay ?
Võ Văn Ái : Câu hỏi gay cấn đấy, chẳng khác chi lời luận tội một tôn giáo hiện hữu trên đất nước ta hơn hai nghìn năm lịch sử. Để dễ thâm nhập vấn đề. chúng ta thử lật ngược câu hỏi để tự vấn :
Thế thì những đảng phái chính trị, từ đảng Cộng sản cho đến bao nhiêu đảng Chính trị quốc gia khác, đã làm gì suốt 40 nếu không là 70 năm qua trong lĩnh vực chính trị để cứu nước cứu dân ? Những người làm chính trị đảng phái đã thất bại ngay trên lĩnh vực chính yếu của họ, là chính trị, thì sao lại đổ lỗi lên đầu một đạo giáo ? Một câu hỏi tế nhị cần đặt ra, là vì sao chính trị đã bó tay và thất bại ? Vì sao chính trị không làm lành với tôn giáo để cứu người, cứu nước ?
Xây cất ngôi nhà, nhưng lại quên chọn gạch hay đá tốt làm nền móng, tất có nguy cơ nhà sập. Sự đóng góp của một đạo giáo vào xã hội nhân quần khác với sự đóng góp của một đảng chính trị. Phật giáo không có đảng chính trị là vì thế. Trái lại, điều cơ bản mà đạo Phật đã và đang làm là cung cấp cho xã hội những con người lương thiện, bỏ ác, làm lành. Đó là đá gạch tốt để cho chính trị xây nhà, dựng nước.
Đừng tưởng người Phật tử xa lánh đời, xa lánh chính trị. Hơn hai nghìn năm Phật giáo có mặt và chung dự tại Việt Nam là minh chứng thực hữu, hùng hồn. Chúng ta đã có dịp đề cập tới Năm giới cấm, tức Ngũ giới của người Phật tử theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, qua đó, chứng minh tính chất tích cực phục vụ dân và nước quan trọng như thế nào với Năm Giới cấm. Những cuộc kháng chiến chống xâm lược Bắc phương từ thời Hai Bà Trưng đến các triều đại sau, người Phật tử có đóng góp lớn. Chỉ nói sự thực hiện hằng ngày của người Phật tử để đền đáp Bốn Ân lớn là một đóng góp xã hội và chính trị trong nghĩa rộng.
Triều Thanh : Xin ông giải thích Bốn Ân lớn ấy là gì ? Sao lại có thể có dự phần đóng góp chính trị ?
Võ Văn Ái : Bốn Ân lớn này còn gọi là Tứ Ân. Ân là tiếng Hán Việt đồng nghĩa với chữ Ơn trong quốc ngữ. Theo các kinh Tâm Địa Quán, Chính pháp niệm xứ, Tứ Ân hiếu thuận sao, v.v… có đôi điều sai khác trong tên gọi bốn ân. Nhưng tựu trung vẫn là Ơn cha mẹ, Ơn Thầy bạn, Ơn Quốc gia, và Ơn Chúng sinh, có nơi gọi là Ơn Tam Bảo. Phật dạy hàng đệ tử phải ghi nhớ và báo đáp bốn ơn nặng này trong đời sống của mình.
Ân đối với cha mẹ thật như trời biển, từ sinh đẻ, nuôi nấng, dạy dỗ làm cho con nên người. Kinh Đại phương tiện báo ân cho rằng cha mẹ là nhân phúc tối thắng trong ba cõi. Lòng thương của cha mẹ đối với con cái không gì sánh kịp, có khi vì con mà hy sinh tất cả. Phong trào Người Vượt Biển thập niên 70, 80 là chứng tích của lòng cha mẹ hy sinh cho tương lai con cái. Cho nên con cái có bổn phận báo hiếu cha mẹ bằng nhiều cách. Cung cấp vật thực, sự sống, thuốc men khi cha mẹ già yếu. Luôn tỏ lòng thương mến, kính trọng cha mẹ, gìn giữ gia phong. Người Phật tử còn có bổn phận khuyến thỉnh cha mẹ tu học Phật Pháp, tìm đường giải thoát giác ngộ và ra tay cứu độ quần sinh.
Thứ hai, là Ân đối với Thầy bạn. Cha mẹ sinh ra ta, nhưng thầy bạn lại là người kề cạnh chúng ta, dẫn dắt ta lên đường học vấn, biết điều hay lẽ thật, tránh dữ làm lành. Ân này cũng liên hệ tới ân Tam Bảo đã mở mang trí tuệ và chân lý cho ta, tức báo ân Phật bằng cách cứu độ chúng sinh, báo ân Pháp bằng cách loan truyền, xiển dương Chánh pháp đặc biệt vào các thời tà đạo hoành hành, báo ân Tăng bằng cách bảo vệ đoàn thể các đệ tử Phật, giúp đỡ, khuyến khích sự tu học, giữ giới của chư Tăng…
Triều Thanh : Nói như vậy, nhưng thời đại ngày nay giới Tăng lữ chưa chắc đại biểu cho lời Phật dạy, ông có nghĩ vậy không ? Những biểu hiện gần đây của giới Tăng lữ trong cũng như ngoài nước, khiến ai nấy đều buồn lòng, ngao ngán cho tư cách một số ông Tăng thua xa người tu Phật tại gia. Theo ông Phật tử cũng phải báo ân với những vị Tăng như thế hay không ?
Võ Văn Ái : Hiển nhiên là không. Tôi dùng chữ Tăng trong nghĩa cao cả của đạo Phật. Nghĩa là một con người đã hy sinh hết đời sống thấp hèn, cắt ái từ thân để xuất gia đầu Phật, học Phật, mong làm lợi cho chúng sinh theo lời Phật dạy. Tức một con người giữ gìn giới hạnh, Chư Tăng Đại thừa giữ 250 giới, chư Ni giữ 345 giới, theo Tạng luật Pāli, thì chư Tăng Nam tông giữ 227 giới, chư Ni 311 giới. Vậy Tăng là con người đạo hạnh, hay ít nhất cũng đang nỗ lực và tinh tấn bước trên đường đạo hạnh. Không phải là loại Tăng thời cuộc, Tăng giả danh mà Triều Thanh vừa mô tả.
Thời nào cũng có loại Tăng cạo đầu, mặc áo nâu sồng hay khoác áo vàng không để tu mà để tìm kiếm lợi danh, không hơn không kém những kẻ buôn bán lừa đảo, họ là giới mua thần bán thánh. Thời đại nào không có hạng giả Tăng như thế ? Ngay thời Phật giáo cực thịnh dưới hai triều Lý và Trần, mà hiện trạng Tăng hủ hóa cũng đầy rẫy trong xã hội. Đọc Đại Việt Sử ký Toàn thư, hay nghe lời đề xuất của Đàm Dĩ Mông ta thấy nổi cộm vấn đề triều đình sa thải Tăng, bắt hoàn tục, vì sống không đúng đạo đức một vị Tăng.
Ngay vua Trần Thái Tông, một vì vua và là Phật tử, tác giả các bộ sách cao thâm Phật giáo như Thiền tông chỉ nam tự, Khóa hư lục, Phổ khuyến phát bồ đề tâm… đã phải than lên về hiện trạng các Sư Tăng lấm bụi hồng, tôi xin trích lời vua Trần Thái Tông :
“Khi tới chùa chiền, phòng Tăng điện Phật, gặp gỡ trai gái, cuối mắt đầu mày, ham mê sắc dục, không kiên Hộ Pháp, chẳng sợ Long Thần, trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi.
“Chẳng riêng người tục, cả đến Thầy Tăng, kinh luận tranh giành, cùng nhau công kích, chê các Sư trưởng, nhiếc đến mẹ cha, buông lời đau vật, cất tiếng hại người, không nghĩ từ bi, không theo giới cấm, bàn thiền tựa thánh, trước cảnh như ngu, dẫu ở cửa không, chưa thành vô ngã”.
Gần đây vào những năm 30, 40 thế kỷ trước, tôi đọc thấy trên báo Viên Âm ở Huế, lời của Bác sĩ Lê Đình Thám, vị Đại Cư sĩ Phật giáo, một trong vài ba cột trụ của Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, và cũng là thầy dạy kinh điển, Phật Pháp cho thế hệ Tăng thời ấy, mà cuối thế kỷ vừa qua, các vị mới thọ Sa di năm 1940 thời Bác sĩ Thám, nay vụt trở thành những gương mặt sáng giá, những nhà lãnh đạo kỳ vĩ của Phật giáo Việt Nam khiến thế giới thán phục.
Bác sĩ Thám viết như vầy trong bài “Chỉnh đốn Tăng già”, tôi xin trích :
“Chúng tôi thường thấy lắm kẻ hô hào làm Phật sự mà ở nơi nguồn đã sai lầm, thời những Phật sự họ làm, chỉ là ma sự mà thôi.
“Chúng ta quy y là quy y theo Thập phương Thường trụ Tam Bảo, chớ không phải quy y một ông Thầy (…) Các ông Thầy, nếu phá giới thì còn gì đáng gọi là ông Thầy đâu. (…) Vậy ông Thầy mà được làm ông Thầy là vì trì giới ; nếu ông Thầy không trì giới thì có khác chi một người thế gian, có lẽ lại thua một người thế gian nữa, vì là một người giả dối. (…) Nếu ông Thầy đã thụ giới mà không giữ giới thì chính ông là người phá hoại giới luật, không tin Phật Pháp, không sợ nhơn quả, giả dối báng Phật. Vậy còn nhờ ông thay mặt mình bạch trước Tam Bảo mà làm gì !
“Kinh Luật thường dạy : không nên nói đến lỗi của các bậc Tăng-già ; nhưng đó chỉ là hạng Tăng-già chơn thiệt chớ không phải về hạng Tăng-già giả dối. Không nên nói việc lỗi của Tăng-già, là không nên đem phàm tâm mà phê bình các ông Thầy đủ giới hạnh. Đến như các ông Thầy không giữ giới thì các ông ấy đã tự đặt mình ra khỏi vòng Tăng-già rồi, các ông đâu còn là Tăng-già nữa mà không dám công bố những điều phạm giới. Thiệt ra, công bố những sự phạm giới có chứng cớ của các hạng Tăng-già giả dối là một việc rất hay, có công đức hơn việc làm chùa, đúc tượng nhiều lắm.
“Người đạo Phật nên phản đối những người phá giới bao nhiêu thì lại càng nên hộ trì cung kỉnh cúng dường các Thầy trì giới bấy nhiêu”.
Triều Thanh : Tại sao đạo Phật cao siêu, giáo lý thâm huyền giải thoát như vậy, mà những ông Sư tu hành theo giáo lý này hàng mấy chục năm trời lại có thể hủ hóa, giả dối, kiêu mạn như ta thấy nhan nhản ngày nay ? Ông nghĩ sao về sự trạng này ?
Võ Văn Ái : Đừng đánh lầm người với đạo. Có sự cách biệt rất lớn như trời biển giữa đạo và người theo đạo.
Muốn cầu biết đạo Phật, phải hiểu tâm chúng sinh. Lý do là vì chúng sinh mê muội đạo Phật, chứ không phải đạo Phật mê muội chúng sinh. Hiểu được tự tính giác ngộ thì Phật tức là chúng sinh. Khi tự tính hiểm tà, thì chúng sinh xa lìa Phật.
Học Phật nhưng có hiểu Phật không ? Tu Phật nhưng có trì giới và khai mở trí tuệ Bát Nhã không ? Cho nên giữa cái trong sáng, tinh anh của đạo, khác xa với mê chấp, vọng tưởng, vô minh của người. Đức Phật cũng từng xác định : Theo ta mà không hiểu ta là báng ta.
Nhà khoa học bỏ suốt đời khổ hạnh trong phòng thí nghiệm để khám phá các bí ẩn của thiên nhiên, con người, vũ trụ, đem lại kiến thức khoa học diệt bỏ sự ngu dốt, dị đoan, cuồng tín, hoặc chữa trị các bệnh lý ngày càng tinh xảo.
Nhà tu Phật giáo chẳng khác chi nhà bác học trong phạm vi chém phá vô minh thành trí tuệ giác ngộ. Hãy nhìn hành trạng các tổ sư, thiền sư khổ công tu luyện đạo hạnh tâm linh như thế nào trong các thế kỷ xưa để thấu đạt giác ngộ.
Nếu việc tu đạo, hành đạo mà chỉ thu bé vào chuyện cúng sao giải hạn, lo tiền điện, tiền nước, tiền vay nhà băng xây chùa, thay cho công phu trì giới và hiển lộ Sáu Ba la Mật, thì tương lai truyền thừa chánh pháp trên mặt đất khổ đau, tranh chấp này, chẳng cần là nhà tiên tri cũng biết ngay giáo nghĩa tối thắng của đạo Phật sẽ suy tàn tới đâu.
Triều Thanh : Ông đề cập Tứ Ân, là Bốn Ân lớn trong đời qua Ơn Cha Mẹ, Ơn Thầy bạn, vậy còn hai Ơn kia là gì ?
Võ Văn Ái : Hai Ơn kia, thứ ba là Ơn Quốc vương và thứ tư là Ơn Chúng sinh theo kinh sách. Trước kia dưới thời đại vua chúa, thì hẳn nhiên sự an cư lạc nghiệp, bảo vệ lãnh thổ quốc gia, chống xâm lược… nằm trong tay một ông vua, một dòng họ. Người dân có bổn phận đền đáp bằng sự thi hành nhiệm vụ công dân.
Nhưng này nay, thời vua chúa đã qua, đa số các quốc gia sống theo thể chế dân chủ, cộng hòa, nên ta phải gọi là Ơn Quốc gia thay vì Ơn Quốc vương, nhưng bổn phận người dân thì chẳng khác chi trong việc thi hành các chủ trương, chính sách của Nhà nước để phục vụ lợi ích của nhân dân và đất nước.
Hiển nhiên nhân dân chỉ đền đáp Ơn Quốc gia, khi giới cầm quyền đất nước biết chăm lo đòi sống vật chất và tinh thần cho dân, thể hiện qua no cơm, ấm áo, tự do, hạnh phúc, cũng như bảo vệ chủ quyền dân tộc. Một Nhà nước mải quốc cầu vinh, mặc dân đen thống khổ, thì Nhà nước ấy có ra ơn gì đâu để nhân dân đền đáp, phải không ?
Sự hậu thuẫn và thi hành chủ trương, chính sách Nhà nước của người Phật tử tối ư quan trọng, vì hai lẽ. Lý thuyết thì người đạo Phật sống theo lời Phật dạy. Giáo lý đạo Phật chủ trì sự tương kính, tương sinh bằng lòng từ bi, thì chắc chắn những đóng góp trên cương vị công dân, người Phật tử chỉ đem lại an lạc và lợi ích cứu khổ xã hội chứ không chi khác.
Trên mặt thực tế, thì sau hơn hai nghìn năm đạo Phật có mặt trên đất Việt, số lượng người theo đạo Phật đông hơn cả, nên sự đồng tình của Phật giáo có giá trị ngang bằng với lá phiếu biểu quyết.
Cho nên dù không tham chính bằng hình thức đảng phái, chỉ nói riêng việc trả ơn Quốc gia của người Phật tử đã mang yếu tố quyết định như cái gật đầu hay lắc đầu trước một chính quyền vì dân, cho dân, hay trước một bạo quyền độc tài, đoản hậu.
Ơn cuối cùng là Ơn Chúng sinh. Theo quan điểm Phật giáo, con người trải qua vô lượng vô số kiếp. Tất cả do nhân duyên mà con người là cha mẹ nhau, bằng hữu nhau. Qua vô số kiếp đó, chúng ta đều mang ơn nặng với nhau nên phải báo đáp chúng sinh.
Đó là nói chuyện tiền kiếp xa xôi hàng thế kỷ, hàng a tăng kỳ kiếp. Trước cảnh hiện tiền ngày nay, việc báo ơn chúng sinh là báo ơn nhân loại trên thế giới và đồng bào nơi quốc nội đã ưu ái, bảo bọc cho sự tiến thân hòa hợp của ta.
Xem thế thì người Phật tử sống trong sự trả ơn, bằng sự trả ơn với mọi người, từ cha mẹ, thầy bạn, quốc gia, đến nhân loại, chúng sinh. Một người biết trả ơn, người ấy chỉ làm cho trái đất thêm mỹ miều, huynh đệ. Người ấy phá đổ bi kịch nhân sinh qua câu nói mà ta thường nghe : “Cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán”.
Triều Thanh : Xin ông câu hỏi chót, ông có thể nói ngắn gọn trong một hai câu về chủ trương chính trị của đức Phật ?
Võ Văn Ái : Chuyện ai cũng biết, là đức Phật không làm chính trị. Ở ngôi vị Thái tử, Ngài đã bỏ tất cả quyền lực một triều đình huy hoàng để ra đi tìm đạo. Câu hỏi của Triều Thanh trở nên mâu thuẫn.
Tuy nhiên có thể giải toả câu hỏi, khi biết rằng không làm chính trị, xa lìa chính trị, nhưng đức Phật có thái độ chính trị trong phương hướng cứu chúng sinh. Kinh sách nói đã nhiều, tôi chỉ trích một hai câu Phật nói trong sách Pháp uyển châu lâm :
“Người làm vua một nước, cả nước đều mong đợi ngóng trông, nhà vua nên như cái cầu tế độ cho muôn dân, nhà vua nên như cái cân, dầu thân dầu sơ đều cân nhắc cho đúng, nhà vua nên như mặt trời soi khắp thế gian, nhà vua nên như mặt trăng, chiếu ánh sáng cho loài vật được tươi mát, nhà vua như cha mẹ, nuôi dưỡng thương yêu tòan dân, nhà vua như trời che phủ tất cả, nhà vua như đất bồi dưỡng mọi loài”. Phải chăng đây không là cẩm nang trị nước, ta chỉ cần thay chữ Vua bằng một thể chế Dân chủ ?
Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.
0 Comments
You can be the first one to leave a comment.