TÂM TANG THẦY
PARIS, ngày 27.2.2020 (PTTPGQT & VCHR) – Tiên liệu ngày ra đi, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ huấn thị việc hậu sự ngài tổ chức đơn sơ không quá 3 ngày, sau lễ trà tì đem tro cốt rải xuống biển. Không các hình thức thông thường, lễ bái, điếu văn, trướng liễn… Tâm tang thôi.
Khi Người còn hiện tiền thì tôn kính, gần gũi. Khi Người khuất núi, vì ơn sâu nghĩa nặng nên phải phục tang. Tâm tang là phục tang trong lòng. Từ lòng mà trang trải việc đời. Thời thế, và là thời thế đất Việt hôm nay, không thể làm khác.
Hai chữ Tâm Tang xuất hiện từ tang lễ Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, tháng 7 năm 2008. Do chính Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, lúc ấy là Viện trưởng Viện Hoá Đạo, huấn thị. Vì thời ấy, cũng như thời tang lễ Đức Cố Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu tháng 4 năm 1992, có sự giành tranh tổ chức tang lễ cho bậc cao tăng đến từ các lý do chính trị. Dù rằng, lúc sinh tiền, bậc Cao tăng Thích Huyền Quang bị tù đày, lưu xứ, quản thúc. Tiếng nói ngài cất lên cho Phật giáo, cho tự do tôn giáo, nhân quyền, bị chận bịt, bách hại. Ngài không chỉ gọi kêu cho riêng quyền người, quyền nói, quyền nghĩ, quyền sống ; Đức Cố Tăng Thống Thích Huyền Quang còn yêu sách cho Linh quyền của người chết, lính hay dân ở hai miền Nam Bắc, qua cuộc chiến, qua Cải cách, qua Mậu Thân… Họ đã chết không chút tình nhớ tưởng, niệm cầu, và thương lo gia đình họ.
Nhân quyền vẫn chưa đạt, bao giờ Linh quyền mới hiện ra ?
Ở đâu thiếu nhân quyền, ở đó người không được làm người. Người bị biến thành con vật biểu tình, tiếng nói suốt đời họ chỉ còn trong hai chữ hoan-hô, đả-đảo. Bởi thế các bậc Cao tăng Phật giáo Việt Nam tận hiến suốt đời để cầu an cho người sống, cầu siêu cho người chết.
Chưa nói hết ơn sâu nghĩa nặng bằng tang lễ, thì đưa tang lễ vào lòng làm Tâm Tang.
Tâm tang không là nỗi khuất tất, giấu che trước bạo hành, quyền lực. Tâm Tang thể hiện Vô tướng (Anamitta). Tất cả các pháp đều không có tự tính, bản tính vốn không (Śūnyāta), chẳng có hình tướng, nên gọi Vô tướng. Vô tướng thể hiện Con Đường Bồ Tát, nơi chư Tăng và Phật tử bước vào để hành thế độ sinh, được nhắc nhờ từ bộ Kinh Việt đầu tiên xuất hiện thế kỷ thứ III tây lịch, Lục độ tập kinh.
Di huấn của Đức Cố Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu cho tang lễ năm 1992 ở Huế, cũng căn dặn “tổ chức một cách đơn giản, trang nghiêm, đạo vị, miễn giảm các nghi thức rườm rà ảnh hưởng những đạo giáo thế gian, mà không thể hiện được tinh thần thuần túy của Phật giáo”.
Thế gian bất cần phẩm hạnh, ước vọng người khi họ còn sống, nhưng khi họ qua đời, lại rất sính trống kèn, gắn huân chương, điếu văn trầm bỗng bái tụng – mà tục ngữ phương Tây gọi “dối như một lời điếu văn”.
Lời căn dặn tang lễ của các bậc Cao tăng chẳng theo ý thích, mà hiện tiền như lời thuyết pháp chưa ngưng : Chớ sống với cái bề ngoài huyễn hoá, nịnh bợ, tham luyến, giành giật, vị kỷ. Hãy hướng tới chân tâm vô tướng. Hãy hướng tới chúng sinh để cầu đạo và độ thế.
Vô tướng của Tâm tang, là mang hết di sản tinh thần, ước vọng độ thế, dự án cứu sinh chưa hoàn tất của người vừa khuất vào lòng mình, tâm mình, óc não mình, như một cuộc chuyển hoá ý thức thành sinh thức tuệ giác siệu việt. Tỉ như gìn giữ hương một Đoá Sen trong lòng, rồi bước đi, tặng dữ đến muôn người trên nghìn trùng thiên lý những phẩm hương còn ngát.
Năm ngày qua, anh chị em chúng tôi tại Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Cơ sở Quê Mẹ : Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thọ Tâm Tang Thầy Quảng Độ. Dù không làm thông báo chính thức, thế nhưng bằng hữu quốc tế vốn từ lâu ủng hộ hay đồng hành cùng chúng tôi bảo vệ tiếng nói dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo Việt Nam nói chung, tiếng nói của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng, không tắt, khắp nơi gọi điện thoại về, viết thư chia sẻ… ngày Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ ra đi.
Sau đây là nguồn công luận thế giới tiếc thương, ngưỡng bái Đức Tăng Thống, thông qua lời tưởng mộ của các nhân sĩ, yếu nhân, và đại biểu giới truyền thông báo chí quốc tế qua hai bài viết trên hai nhật báo The New York Times và Washington Post*.
Võ Văn Ái
Paris, ngày 27.2.2020
——————-
* Cơ sở Quê Mẹ & PTTPGQT việt dịch các lời Tưởng mộ hay trang báo từ Anh hay Pháp văn.
——————-
Mairead Corrigan Maguire,
Khôi nguyên Giải Nobel Hoà bình năm 1976
“Xin nhận nơi đây lời phân ưu của tôi trước sự viên tịch của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Tinh thần hoà bình và bất bạo động của Người là niềm cảm hứng cho biết bao kẻ khác. Người sẽ ở trong trí nhớ như Nhân chứng cao sang của lòng yêu thương và tốt dạ.
“Xin gửi niềm Hoà bình đến mọi người”.
Lời Tưởng mộ
Sáng hội Rafto ở thành phố Bergen, Vương quốc Na Uy
“Tôi bị cách ly nhưng tôi không cô độc, vì tôi là thành viên trong đại gia đình Rafto” – lời Ngài Thích Quảng Độ qua Thông điệp năm 2016 gửi Sáng hội Rafto nhân 30 năm kỷ niệm.
Với nỗi đau buồn thâm thiết khi Sáng hội Rafto nhận được tin Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, vị Khôi nguyên Giải Rafto năm 2006, ra đi hôm thứ bảy 22 tháng 2 năm 2020 vào tuổi 93. Là một Tăng sĩ Phật giáo, người bất đồng chính kiến, học giả, và Tăng Thống Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Ngài đã cống hiến suốt đời cho sự thăng tiến dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. (…)
Là Người bảo vệ Nhân quyền, ngài Thích Quảng Độ đã phải trả giá đắt. Ngài đã bị bách hại, cầm tù, và bị tra tấn. Trải qua hơn ba mươi năm quản chế, bị chính quyền theo dõi, kiểm soát gắt gao cho đến giây phút cuối.
Ông Jostein Hole Kobbeltvedt, Giám đốc Điều hành Sáng hội Rafto cho Nhân quyền, vinh danh rằng :
“Cuộc tranh đấu bất bạo động của Ngài Thích Quảng Độ cho nhân quyền, dân chủ, và tự do tôn giáo sẽ mãi mãi là niềm cảm hứng thanh cao cho Sáng hội Rafto và Phật tử tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Nỗi trống trải vắng bóng Ngài từ nay nơi toàn thể Gia đình các Khôi nguyên Giải Rafto, mà Ngài đóng vai trò trọng thể, mặc dù Ngài sống cách xa. Chúng tôi nguyện gìn giữ di sản Ngài sống mãi”.
Ngài Thích Quảng Độ không bao giờ được Nhà cầm quyền Việt Nam cho phép đến Vương quốc Na Uy để nhận Giải Thorolf Rafto Memorial Prize năm 2006. Bà Therese Jebsen của Sáng hội Rafto bị Công an chận bắt và thẩm cung khi bà đến Thanh Minh Thiền Viện [ở Saigon] để trao bằng Tưởng lệ cho Ngài.
Carl Gershman
Chủ tịch Qũy Quốc gia Tài trợ Dân chủ (NED)
“Đại lão hoà thượng Thích Quảng Độ là người được nhân dân yêu chuộng tự do khắp thế giới ngưỡng mộ, chia sẻ mối thống tâm ngày Hoà thượng ra đi. Ngài là biểu tượng cho toàn nhân loại về lòng khoan dung, từ bi và tận hiến cho nhân quyền và nhân phẩm. Ngài đã phải chịu đau khổ cùng cực cho sự dũng cảm và bất khuất để bảo vệ chân lý và sự thật”.
Elliott Abrams
Nguyên Cố vấn An Ninh Quốc gia tại Toà Bạch Ốc, Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Nhân quyền
“Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ là anh hùng của hàng triệu nhân dân trong thế giới vì sự kiên định, ôn hoà, bảo vệ có ý thức cho tự do của nhân dân ngài cũng như cho mục tiêu tự do toàn thế giới. Ngài là một trong hằng triệu nạn nhân của đảng Cộng sản, trả giá bằng những năm tháng khổ đau, khốn khó, và cách ly cho sự kiên trì bảo vệ quyền tự do lương tâm, tư tưởng và tôn giáo. Ít ai trong chúng ta có sự dũng cảm mà Đại lão Hoà thượng là hiện thân, nhưng tất cả chúng ta có thể gợi cảm hứng từ hành trạng đời ngài cho lòng nhân đức và sự tận hiến”.
Katrina Lantos Swett
Chủ tịch Sáng hội Nhân quyền Lantos, Cựu Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới
“Tôi góp lòng với hàng triệu người trong thế giới tiếc thương sự ra đi của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
“Ngài là ánh sáng soi chiếu vào cõi mù tối, người duy trì sự dũng cảm không nao núng và sự chính trực cho tự do tôn giáo, lương tri, tín ngưỡng cho mọi người bất cứ ở đâu. Hành trạng cuộc đời ngài đã là sự tận hiến và dù ngài đã ra đi, ánh sáng và lòng thiện cảm mà chúng ta cưu mang vẫn tiếp tục chiếu sáng. Nhờ Ngài, niềm hy vọng cho tự do, dân chủ và nhân quyền còn sáng mãi tại Việt Nam và khắp nơi”.
Ahmed Shaheed
Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo
“Với nỗi buồn thương, tiếc nuối, tôi được tin Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ viên tịch tại Saigon. Trong nỗi mất mát này, tôi xin chân thành phân ưu với cộng đồng Phật giáo Việt Nam và hết lòng ngưỡng mộ Đức Tăng Thống suốt cuộc đời dài anh dũng dấn thân cho hoà bình và tự do lương tâm”.
Nina Shea
Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo Hudson, Hoa Kỳ
“Tôi rất buồn khi được tin. Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ là tấm gương tranh đấu cho tự do tôn giáo. Dù bị giam cầm và bách hại, Ngài, với lòng tin mãnh liệt và sức đối kháng hào hiệp đã gây niềm ngưỡng mộ quanh thế giới và trong lòng các tôn giáo. Cuộc đời ngài tiếp tục gây cảm hứng cho riêng tôi và tất cả những ai biết ngài. Xin cám ơn nỗ lực không ngưng nghĩ của các bạn [ở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế] cho Đức Tăng Thống. Chân thành phân ưu”.
Chris Smith
Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ
Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Chris Smith, người đã từng chủ trì tại Quốc hội Hoa Kỳ 11 cuộc Điều trần về Nhân quyền tại Việt Nam, phát biểu:
“Tôi vô cùng buồn thương được tin Đức Tăng Thống Thích Quảng Dộ viên tịch cuối tuần qua vào năm 91 tuổi. Ngài là người dũng cảm vô địch cho nhân quyền Việt Nam và là một trong những Người tù vì lương thức bị giam giữ lâu nhất trong thế giới. Tôi từng hân hạnh diện kiến Ngài trong một chuyến viếng thăm Việt Nam. Ngài đã lên tiếng trước sự việc chế độ Cộng sản Việt Nam đàn áp Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, các nhóm tôn giáo khác, và việc giam giữ Ngài bất công hằng bao thập kỷ cho đến ngày Ngài mất. Giấc mơ của Đức Tăng Thống cho một nước Việt Nam mà ở đó bất cứ ai đều có quyền tự do phát biểu chính kiến hay thực hành tín ngưỡng họ mà không bị đàn áp, sẽ sống mãi. Rồi sẽ tới ngày, hy vọng không xa, giấc mộng ấy sẽ thành hiện thực”.
Kristina Arriaga
Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới (USCIRF)
“Sự dũng cảm của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ trước bao bách hại và tính kiên cường trong thời gian bị tù ngục nhắc nhở cho thế giới biết rằng chúng ta sinh ra trong nhân phẩm, với quyền sống theo lòng tin sâu thẳm trong chúng ta. Thế giới trở thành nơi cư ngụ thanh cao khi Ngài sống giữa chúng ta và hy sinh tự do Ngài để tha nhân được hưởng. Nhân dân yêu chuộng tự do khắp thế giới để tang Ngài. Tim tôi như muốn vỡ”.
Daniel J. Kritenbrink
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
“Nhân danh Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi tỏ lời chân thành phân ưu sự ra đi của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
“Ngài Thích Quảng Độ đã là người bảo vệ không mệt mỏi cho tự do tôn giáo và nhân quyền, và ngài luôn tận hiến bằng con đường bất bạo động cho công lý. Những nỗ lực ôn hoà này mang lại cho ngài nhiều giải quốc tế, và ngài cũng đã nhiều lần được đề cử làm ứng viên Giải Nobel Hoà bình.
“Tôi từng hân hạnh gặp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ trong năm 2018, và cảm nhận mạnh mẽ nơi ngài sự từ tâm và kiên định cho mục tiêu tôn giáo và đa nguyên”.
Huân tước David Alton
Giáo sư Đại học, Thượng Nghị sĩ Quốc hội Vương quốc Anh
“Trước sự ra đi của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Tăng Tống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhiều người sẽ gợi lại sự dũng cảm chống đối chế độ độc đoán bịt miệng mọi tiếng nói của Ngài kêu gọi cho dân chủ đa nguyên, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng và nhân quyền. Biết bao tháng năm nhà cầm quyền Cộng sản giam cầm Ngài suốt 45 năm, Ngài vẫn không chịu khuất phục hay chịu im tiếng – đây chính là điều gây cảm hứng cho những ai mất niềm tin trong cuộc chiến đấu cho các quyền tự do cơ bản”.
Olivier Dupuis
Cựu Dân biểu Quốc hội Châu Âu
“Một suy tưởng, một niệm tưởng xin chia sẻ dâng lên Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ. Hôm qua, Tăng Thống Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vừa thượng linh, lên cao, cao thêm bậc nữa.
“Ngài mà độc tài Lê-nin-nít Hà Nội giáng vào ngục tù, trại cải tạo, rồi quản chế bốn mươi năm ròng, di tặng chúng ta tinh thần Đối kháng bất khả tư nghị, trí giác nhọn bén về Chính trị, và từ tâm kiên quyết của Ngài cho Tự do, Pháp quyền, Dân chủ. Thâm tạ Ngài Quảng Độ”.
Václav Malý
Giám mục Thủ đô Prague, Cộng hoà Tiệp
“Tôi chân thành tiếc thương và bi mẫn trước sự ra đi của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Tăng Thống Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngài là người dũng cảm đòi hỏi nhân quyền và sự chung sống hoà bình cho nhân dân trong các cộng đồng tôn giáo khác nhau”.
Người đại diện
Tổ chức Đoàn kết Thiên Chúa giáo Trên Thế giới, Vương quốc Anh
“Tôi rất buồn thương khi nghe tin Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ viên tịch. Sự dũng cảm và dấn thân cho tự do và nhân quyền đã là niềm cảm hứng cho nhiều người. Ngài để lại sự trống vắng trong lòng mọi người. Xin được chia sẻ tâm tư với tất cả những ai đang đau buồn trước sự mất mát này”.
Rajiv Narayan
Giám đốc Chính trị, Uỷ ban Quốc tế Chống Án Tử hình, thủ đô Madrid, Tây Ban Nha
“Tôi mới nghe đài BBC loan tin Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ viên tịch. Tôi hết sức buồn và nay được gợi hứng từ cuộc đấu tranh kỳ vĩ và hoạt động kiên trì cho nhân phẩm, tự do biểu đạt, lập hội, tín ngưỡng, tôn giáo trước sự bách hại hãi hùng.
“Thưa anh Võ Văn Ái và chị Penelope, tâm tư và nguyện cầu của tôi xin gửi đến anh chị cùng các bạn từng hỗ trợ như Therese và Sáng hội Rafto đã chăm lo cho cuộc tranh đấu của Đức Tăng Thống, tin tưởng vào Ngài, tạo cơ hội cho tiếng nói Ngài cất lên thành âm vang quốc tế, nhất là hôm nay đây. Người Ấn độ có tục ngữ bảo rằng, bao lâu lòng nhớ tưởng và phẩm giá của Ngài Quảng Độ còn được gìn giữ, Ngài sẽ còn sống mãi. Và nỗ lực của anh chị còn phải tiếp tục mãi”.
Wilson Ip
Nhà Phân tích Nhân quyền độc lập
“Quá buồn và quá tiếc thương tin Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ không còn nữa. Hiện nay, Ngài đã thoát khỏi trái đất xiềng xích này. Tôi hy vọng Giác linh Ngài là nguồn gợi hứng cho những ai tại Việt Nam và vòng quanh địa cầu tiếp tục theo đuổi cho tự do đích thực. Hãy tiếp tục cuộc chiến đấu”.
Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới (USCIRF)
“Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới (USCIRF) phân ưu trước sự viên tịch của Đức Tăng Thống Thích Qủang Độ, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngài bị quản chế tại Thanh Minh Thiền viện ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2001 đến năm 2018. Sau đó Ngài dời sang cư trú chùa Từ Hiếu, nơi ngài mất hôm tối thứ bảy. USCIRF đã vinh danh Tăng Thống Thích Quảng Độ trong danh sách Dự án Tù nhân Tôn giáo vì Lương thức, Phái đoàn USCIRF đã gặp gỡ Ngài hồi tháng Chín năm 2019.
“Chủ tịch USCIRF, Tony Perkins, tuyên bố rằng : Đây là một mất mát cực kỳ lớn cho dân tộc Việt Nam. USCIRF kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy để cho các thành viên GHPGVNTN tổ chức yên thắm tang lễ tiễn đưa vị lãnh đạo Giáo hội.
“Ủy viên USCIRF, Anurima Bhargava, nói rằng : Tôi hân hạnh được gặp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ nơi chùa ngài mùa thu vừa qua. Với uy nghi trầm tĩnh, hiền dịu, Ngài là người đã trải qua bao thập niên tranh đấu bảo vệ và thăng tiến cho tự do tôn giáo tại Việt Nam”.
Dưới đây là 2 bài báo đăng trên The New York Times và Washington Post :
Thích Quảng Độ, Người Thách thức Vô địch Cho Quyền Con Người,
vừa ra đi năm 91 tuổi
Seth Mydans / New York Times ngày 24 tháng 2 năm 2020
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, [Đệ ngũ] Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là Người thách thức vô địch cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền tại quốc gia ngài đã viên tịch ngày thứ bảy vừa qua. Ngài trụ thế 91 tuổi.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, một cơ quan của Giáo hội, có trụ sở tại Paris, xác nhận tin này. Chẳng có xác nhận nào khác về sự viên tịch. Bà phát ngôn của văn phòng cho biết nhà cầm quyền Việt Nam đã ly cách ngài với mọi thành viên, thị giả cộng tác thường trực của giáo hội ngài. Ngài bị bệnh tiểu đường và bệnh tim từ nhiều năm, bà cho biết.
Qua nhiều thập niên, ngài không ngừng nói đi lập lại sự thách thức về vấn đề tôn giáo và tự do chính trị, khiến chính quyền Cộng sản giận dữ, nên ngài bị quản thúc từ năm 2003. Ba mươi năm cuối cùng vừa qua ngài lâm cảnh tù tội, lưu đày về quê quán, quản thúc, chỉ vì không chịu để cho chính quyền kiểm soát Giáo hội.
Liên tục nhiều năm ngài không ngừng cất tiếng nói và trở thành người lãnh đạo ở tuyến đầu vận động cho tự do tôn giáo tại Việt Nam, nơi chỉ cho phép một tổ chức Phật giáo duy nhất do chính quyền chỉ đạo. Kết hợp nhiều giáo phái, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập năm 1964, nay bị cấm sinh hoạt.
Mục tiêu của Đức Tăng Thống bao trùm đạo và đời, phản ảnh sự quan tâm của giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Một trong những tuyên bố bằng video, Đức Tăng Thống gửi đến LHQ năm 2005, xem như tổng thể của một tuyên ngôn chính trị :
“Thiếu dân chủ đa nguyên, chúng tôi không thể chiến đấu chống nghèo khó và bất công, cũng không thể đem lại sự phát triển thực sự và tiến bộ cho dân tộc chúng tôi. Không có dân chủ đa nguyên, nhân quyền không được bảo đảm, bởi vì muốn bảo vệ nhân quyền, phải có các thiết chế dân chủ và pháp quyền che chở”.
Năm 2001, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ công bố “Lời kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam”, với 8 điểm thực hiện thể chế đa đảng, bầu cử tự do, tự do kinh doanh, và bài trừ “văn hoá ngoại lai đồi truỵ hoặc các ý thức hệ phi dân tộc làm xáo trộn tình nghĩa và đạo lý Việt Nam”.
Ngài ra công hợp nhất các nhà bất đồng chính kiến Bắc và Nam, chấm dứt sự ngăn cách địa lý và ý thức hệ sau bao nhiêu thập niên chia rẽ. Ngài cũng là một học giả được tôn kính với hơn 20 tác phẩm xuất bản, bao gồm thơ, truyện, nghiên cứu và dịch thuật về Phật giáo Việt Nam.
Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ nhận một số Giải Nhân quyền, kể cả Giải Rafto từ Vương quốc Na Uy tôn vinh “Con người dũng cảm của Ngài và sự kiên trì qua ba thập niên chống đối bất bạo động chế độ Cộng sản Việt Nam”.
Năm 1978, Ngài và Ngài Thích Huyền Quang, Tăng Thống GHPGVNTN lúc bấy giờ, được hai Khôi nguyên Giải Nobel Hoà bình năm 1976, người Ái Nhĩ Lan, Betty Williams và Mairead Corrigan Maguire công cử làm ứng viên Giải Nobel Hoà bình.
Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới (USCIRF), thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã nhắc đến Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ năm 2018. Bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch USCIRF lên tiếng rằng : “Tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy tôn trọng quyền tự do đi lại cũng như quyền cư trú bất cứ nơi đâu Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ chọn lựa”.
Ngài Thích Quảng Độ, thế danh Đặng Phúc Tuệ, sinh ngày 27 tháng 11 dương lịch 1928 tại tỉnh Thái Bình miền Bắc Việt Nam. Sau khi thọ đại giới, Pháp hiệu Ngài là Thích Quảng Độ, ngài xuất gia từ năm 14 tuổi. Thích là tên họ dành cho chư Tăng Ni xuất gia.
Đức Tăng Thống cho biết cuộc đời ngài được đánh dấu từ năm 17 tuổi, khi Ngài chứng kiến Toà án Cách mạng Cộng sản hành quyết Hoà thượng Thích Đức Hải, Sư phụ của ngài. “Ngay từ giây phút ấy, tôi nguyện làm hết mọi sự có thể để đánh đổ sự cuồng tín và bất khoan dung, và dâng hiến đời tôi phục vụ công lý theo lời dạy bất bạo động, khoan dung và từ bi của Đức Phật”, ngài đã viết như thế trong bức Thư ngỏ năm 1994 gửi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười lúc ấy.
Ngài viết thêm : “Sau tôi mới nhận ra lời nguyện đơn giản này đã đẩy tôi vào con đường san sát tù ngục, tra tấn, lưu đày và giam cầm suốt bao nhiêu năm trường”.
Đầu thập niên 1950, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ bỏ sáu năm làm nghiên cứu sinh về triết học Phật giáo tại các Đại học ở Ấn Độ và Tích Lan. Hai thập niên 1960 và 1970 ngài làm giáo sư giảng dạy về triết học Đông phương và Phật giáo tại các Đại học ở Việt Nam [Cộng hoà].
Ngài cùng với hàng nghìn Phật tử bị bắt năm 1963 trong cuộc đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng đã được trả tự do mấy tháng sau khi Diệm bị lật đổ và bị thảm sát trong cuộc đảo chính của các tướng lãnh.
Phe Cộng sản thắng trận trong cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1975, hai năm sau ngài Thích Quảng Độ bị biệt giam vì tranh đấu bất bạo động bảo vệ tự do tôn giáo. Đầu thập niên 1980, ngài bị lưu đày mười năm về quê quán vì tội hoạt động tôn giáo và công khai lên tiếng phản đối. Mẹ ngài 84 tuổi cũng bị lưu đày theo ngài, bà thất lộc năm 1985 vì thiếu ăn và thiếu thuốc.
Trong một lần chuyển hướng chính trị, chính quyền Cộng sản năm 1990 mời ngài giữ một chức vụ trong tổ chức Phật giáo của Nhà nước, nhưng ngài từ khước và tiếp tục cuộc chống đối.
Tháng Tư năm 2006, vài năm sau khi bị quản chế lần cuối, ngài Thích Quảng Độ dự đoán sự khải hoàn của lý tưởng thế nhân mà ngài quan niệm :
“Ngài nói : Sẽ đến lúc mà Nhà nước không còn thể bịt miệng người ta mãi mãi qua mọi thời gian được nữa. Đến lúc nào đó người ta sẽ như tức nước vỡ bờ. Lúc ấy, cùng loạt 80 triệu dân cùng lên tiếng đòi hỏi dân chủ. Nhà nước đó không thể lẩn tránh được nữa, cũng phải đối mặt với tình thế đó. Đến lúc như thế, đấy là tình hình Việt Nam có thể thay đổi và dân chủ có thể thực hiện được”.
Seth Mydans, Phóng viên quốc tế và quốc gia của nhật báo New York Times (Nữu Ước Thời báo) và nhật báo đồng hội The International Herald Tribune, từ năm 1983 đến 2012. Ông vẫn tiếp tục cộng tác với tuần báo The Times.
Thích Quảng Độ, Nhà bất đồng chính kiến Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam viên tịch năm 91 tuổi
Washington Post (Theo Associated Press, ngày 25 tháng 2 năm 2020)
Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, vị Tăng sĩ trở thành khuôn mặt tôn giáo bất đồng chính kiến tại Việt Nam trong khi chính quyền Cộng sản bỏ tù ngài hay quản chế hơn 20 năm qua, viên tịch hôm 22 tháng 2 năm 2020. Ngài 91 tuổi.
Ngài là vị lãnh đạo tối cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị cấm đoán, một giáo hội tranh cãi thường trực với chính quyền về vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền.
Ngài bị bệnh tiểu đường nhiều năm, bệnh tim và cao máu, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế có trụ sở ở Paris, là cơ quan phát ngôn của Giáo hội bị cấm đoán, cho biết và công bố tin ngài viên tịch.
Ngài Quảng Độ đã nhận được nhiều Giải cho hoạt động của ngài, kể cả Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto, Giải Hellman/Hammet do tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở ở New York trao tặng các nhà văn vì sự can đảm của họ trước cuộc đàn áp chính trị.
“Dân rất sợ chính quyền” ngài nói với Associated Press trong cuộc phỏng vấn hiếm có năm 2003. “ Chỉ có tôi mới dám nói những gì tôi muốn nói. Vì vậy họ rất sợ tôi”.
Dù rằng Việt Nam đã đổi mới kinh tế, chấp nhận thị trường tự do, nhưng thể chế chính trị vẫn bị chính quyền Cộng sản kiểm soát chặt chẽ.
Ngài Quảng Độ cho biết tự do, dân chủ và nhân quyền “quan trọng hơn sự phát triển kinh tế” vì không có các điều sau này, “chúng tôi chẳng thể nào tiến bộ theo đúng hướng”.
Ngài đã bị quản thúc nhiều năm trường tại thành phố Hồ Chí Minh ở Thanh Minh Thiền viện, tại đây theo giới thân cận cho biết, ngài thiết lập chương trình cho vay ngắn hạn và chiến dịch cứu trợ thiên tai bão lụt chỉ đạo các Ban Đại diện Giáo hội ở các tỉnh.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế cho biết từ năm ngoái Ngài Quảng Độ bị cắt hết mọi liên hệ khi về ở chùa Từ Hiếu, sau khi bị trục xuất khỏi Thanh Minh Thiền Viện với chuyến đi ngắn về Bắc.
“Những kẻ quanh Ngài đã tịch thu điện thoại cầm tay của Ngài và ngăn cấm thị giả của Ngài đến liên lạc”, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris của Giáo hội cho biết tin qua một điện thư.
Phật giáo là tôn giáo lớn nhất, đông tín đồ nhất trong dân số tăng nhanh 98 triệu người, mặc dù cũng có nhiều triệu Thiên Chúa giáo. Chính quyền có vẻ bao dung với các lễ lượt tôn giáo trong những năm vừa qua, nhưng chỉ cho phép một nắm tôn giáo do nhà nước thừa nhận.
Ngài Quảng Độ, thế danh Đặng Phúc Tuệ, sinh tại tỉnh Thái Bình miền Bắc ngày 27 tháng 11 dương lịch 1928. Sự chống kháng các chính quyền độc đoán của Ngài Quảng Độ đã phát xuất từ trước năm 1975, và năm 1975, là năm Cộng sản lật đổ chính quyền Miền Nam do Hoa Kỳ hỗ trợ ở Saigon cũ, nay là thành phố Hồ Chí Minh.
Ngài đã bị cầm tù lần đầu năm 1963 dưới thời chính phủ Công giáo do Ngô Đình Diệm lãnh đạo, và sau khi Việt Nam thống nhất hai miền, Ngài lại chống chính thể Cộng sản.
Sau khi bị bắt năm 1977 vì tội “phá hoại đoàn kết quốc gia” và hoat động “chống phá Cách mạng”, Ngài Quảng Độ bị biệt giam 2 năm tù trong xà lim khoảng một mét trên hai mét (3×6 feet), ngài ngồi nhìn qua lỗ cửa nhỏ bằng bàn tay cho đến ngày nhờ áp lực quốc tế mới được trả tự do, theo lời kể đệ tử ngài.
Năm 1981, chính quyền cho thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản và lưu đày Ngài Quảng Độ về quê quán tỉnh Thái Bình. Theo lời kể của đệ tử, có lúc chính quyền muốn trao ngài chức lãnh đạo giáo hội [nhà nước], nhưng ngài từ chối, và năm 1992 ngài lấy tàu về lại thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1995, Ngài bị kết án 5 năm tù vì tội fax 2 thư cho tổ chức Phật giáo ở hải ngoại tố cáo chính quyền ngăn cấm đoàn cứu trợ của Giáo hội chở thực phẩm, áo quần cứu trợ lũ lụt. Áp lực quốc tế khiến nhà cầm quyền phải trả tự do cho Ngài năm 1998. Nhưng rồi Ngài lại bị quản thúc năm 2001.
Mặc dù Ngài Quảng Độ được tuyên bố tự do hai năm sau, một phúc trình của LHQ năm 2005 do Tổ hành động chống bắt bớ trái phép công bố một nguồn kín cho biết hiện trạng Ngài Quảng Độ sống trong cảnh “tù giam”.
Năm này qua năm khác, Việt Nam phủ nhận các lời tố cáo quản thúc hai nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thích Quảng Độ và Thích Huyền Quang. Hai người này “vẫn sống bình thường” nơi hai tự viện của họ, ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố năm 2005.
0 Comments
You can be the first one to leave a comment.