GENÈVE, ngày 18 tháng 9 năm 2019 – Tại khoá họp lần thứ 42 của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Điện Quốc Liên Genève, nhân danh hai tổ chức Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Hành động Chung Cho Nhân quyền (AEDH) Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch VCHR, tố cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo có hệ thống, cũng như từ khước mọi cuộc đối thoại chân thành và đích thực với Cộng đồng thế giới cũng như các xã hội dân sự trong và ngoài nước.

Trong bài phát biểu, ông Ái nhắc lại lời đáp không mấy nhã nhặn của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Hà Nội, tại cuộc Tổng kiểm điểm UPR Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua, khi Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và một số tổ chức Phi chính phủ quốc tế phê bình tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam. Ông Trung đã kết án các tổ chức Phi chính phủ “thiên kiến và vô trách nhiệm”. Lời tố cáo của ông Trung không phải là vô hại, mà ông nói thẳng tới chính sách thực thụ nhằm miệt thị xã hội dân sự trong cũng như ngoài nước, và dập tắt tự do ngôn luận bất kể cất lên từ đâu. Ông Võ Văn Ái đã nói lên thực trạng cho Hội đồng Nhân quyền LHQ được rõ “Nếu chúng tôi lên tiếng tại Việt Nam, chắc chắn chúng tôi đã bị tống giam vào ngục !”

Kể từ Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XII tháng giêng năm 2016, cuộc đàn áp ngày càng trầm trọng đối với mọi hình thức phát biểu tự do nào, đến nỗi tháng 9 này, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đặt Việt Nam vào hàng thứ 6 trong 10 quốc gia kiểm duyệt tự do ngôn luận kinh khủng nhất trên thế giới. Số lượng tù nhân chính trị và tôn giáo lên tới 130 người và ngày càng gia tăng : bloggeur Lê Văn Sinh vừa bị kết án 5 năm tù hôm 5 tháng 9 vừa qua vì tội “lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi của Nhà nước” (điều 331 trong Bộ Luật Hình sự) chỉ vì đăng tải các lời phê bình nhà cầm quyền trên Facebook.

Ngày nay cuộc đàn áp của Nhà nước đã vượt khỏi biên giới quốc gia. Mấy năm vừa qua, Nhà cầm quyền Hà Nội đã bắc cóc những người ly khai ở ngoài nước, với sự trợ thủ hay không của quốc gia liên hệ. Gần đây nhất là vụ bắt cóc ký giả Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự do hồi tháng giêng đầu năm nay tại Thái Lan, vào lúc ông lập hồ sơ xin tị nạn tại Cao uỷ Tị nạn LHQ ở Bangkok. Tuy chưa biến hành bi kịch, nhưng mang nhiều ý nghĩa, là sự kiện Việt Nam từ khước nhập cảnh hay tống khứ khỏi Việt Nam các nhà hoạt động thuộc các tổ chức Phi chính phủ quốc tế, dù những người này được mời đến Việt Nam, cũng như nhiều lần Hà Nội can thiệp với Bangkok để ngăn cấm các nhà lãnh đạo Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) đến Thái Lan sinh hoạt.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch VCHR, nhận xét rằng : “Nhà cầm quyền Hà Nội chẳng bao giờ đánh giá cao tôn trọng nhân quyền như mối lo ưu tiên, mà chỉ xem như mối đe doạ cho sự sống còn của Đảng Cộng sản. Điều mới mẻ là những năm gần đây, chính quyền khẳng định ngày càng rõ, sự bác bỏ các quyền tự do cơ bản và dân chủ đa nguyên. Tháng 4 năm 2018, trong hàng loạt án tù lên tới 15 năm cấm cố các thành viên Hội Anh Chị Em Dân chủ, qua đó Việt Nam minh bạch hoá, rằng thăng tiến dân chủ đa nguyên đồng nghĩa với hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.

Điều khá trầm trọng, là Việt Nam lộ rõ sự từ khước mọi cuộc đối thoại nghiêm trang trên lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo, hoặc với các xã hội dân sự quốc tế, hoặc với các quốc gia thành viên LHQ. Tại khoá họp Hội đồng Nhân quyền LHQ lần thứ 41 hồi tháng 7 vừa qua, để tổng kết cuộc kiểm điểm UPR, Việt Nam đã bác bỏ những phê phán và khuyến cáo thích đáng của một số lớn quốc gia thành viên LHQ, với lý do giả tạo rằng các phê phán và khuyến cáo này chỉ nhằm “tranh cãi”, “không xác thực” hay “không xứng đáng” so chiếu với quyền tự trị của các dân tộc. Trong khi những khuyến cáo này quan ngại những điểm trọng yếu như “an ninh quốc gia”, tù nhân vì lương thức, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, miễn tội hoặc điều kiện giam giữ tù nhân.

Trên lĩnh vực tôn giáo, thái độ bịt tai bịt mắt của nhà cầm quyền Việt Nam hết sức hiển nhiên và tàn khốc. Hà Nội làm ngơ trước những yêu sách và khuyến cáo của các tôn giáo được tham khảo và Cộng đồng Thế giới. Luật mới về Tôn giáo Tín ngưỡng, có hiệu lực từ tháng giêng 2018, hoàn toàn trái chống với luật pháp nhân quyền quốc tế, được sử dụng làm nền tảng pháp lý cho các cuộc đàn áp mở rộng, nhắm vào các tôn giáo độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tin Lành Tại gia, Phật giáo Hoà Hảo, Cao Đài, hay Phật giáo Khmers Krom.

Thực tế, Luật này chỉ chấp nhận tính cách pháp nhân cho những tôn giáo nào được chính quyền thừa nhận, nhưng đặt ngoài vòng pháp luật các tôn giáo độc lập, vốn là những thành viên năng nổ, nhiều uy thế của xã hội dân sự Việt Nam, từng trải qua bao nhiêu thăng trầm của chiến tranh, cách mạng, bị bách hại, hay thời cuộc điêu linh. Ngày nay những tôn giáo này là nạn nhân của “sách nhiễu, hăm doạ, theo dõi, tịch thu giáo sản, bắt bớ và cầm tù” vì những lý do tuỳ tiện.

Ông Võ Văn Ái kêu gọi Việt Nam phải lắng nghe tiếng nói của các tôn giáo bị bách hại này cũng như tiếng nói các xã hội dân sự để “sớm thiết lập một xã hội công chính tại Việt Nam”.

 

 

Tags

 

0 Comments

You can be the first one to leave a comment.

Leave a Comment