PARIS, ngày 1-12-2017 (PTTPGQT) — Phòng Thông tn Phật giáo Quốc tế vừa nhận để phổ biến Thông bạch yêu cầu báo cáo Phật sự của Viện Hoá Đạo năm 2017, Thông tư báo cáo sinh hoạt Gia Đình Phật tử Việt Nam năm 2017, và bài viết Dòng tâm sự kính bái vọng Giác linh Đức Cố Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác của Hoà thượng Thích Huyền Việt nhân lễ Huý nhật ngài lần thừ 5. Sau đây là 3 văn kiện ấy :
Phật lịch 2561 Số 19.17/ VHĐ/VT
THÔNG BẠCH CUỐI NĂM 2017
Kính gởi :
– Chư Tôn Đức Hội Đồng Lưỡng Viện
– Chư Tôn Đức cùng Chư vị Cư sĩ thành viên Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo
– Quý Ban Đại Diện các Miền và các Tỉnh, Thành trực thuộc GHPGVNTN
– HT Chủ Tịch HĐĐH/GHPGVNTN-HN/HK
– GS Giám Đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế
– NS Giám Đốc Phòng Liên lạc Phật giáo Quốc tế
– Vụ Trưởng GĐPT vụ GĐPTVN.
Trích yếu : v/v BÁO CÁO PHẬT SỰ CUỐI NĂM
__________
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính bạch và kính thưa Chư Liệt Vị.
Hơn 40 năm qua Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) chúng ta đã bị Đảng Cọng Sản và Nhà Nước Việt Nam đặt ra ngoài vòng Pháp luật để tìm mọi cách tiêu diệt, nên mọi hoạt động của Giáo Hội bị khống chế và ngăn cấm vô cùng khắc nghiệt.
Cụ thể nhất là Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ vẫn bị quản chế vô thời hạn trong bốn bức tường Thanh Minh Thiền Viện; Chùa Giác Minh, trú xứ của Hòa Thượng Viện Trưởng Thích Thanh Quang vẫn bị công an thay phiên nhau canh gát chặt chẽ 24/24 kể từ năm 2011 đến nay. Đã 7 năm qua, công an quyết liệt cấm cản không cho bất cứ một Phật tử nào vào chùa lễ bái, cúng dường dù thân nhân của họ ký gởi hương linh tại bổn tự, mục đích là bao vây kinh tế để HT Viện Trưởng và Chư Tăng lâm vào cảnh đói nghèo mà phải gục ngã trước bạo quyền. Thế nhưng 7 năm tang thương ấy Thầy trò vẫn nương tựa vào nhau trong cảnh cơ hàn, bệnh tật để giữ vững pháp lý của GHPGVNTN. Trong khi đó Chư Tôn Hội Đồng Lưỡng Viện vẫn bị theo dõi chặt chẽ trên từng bức đi, trên từng công việc, không có tự do hành đạo và truyền đạo, dù các vận động Quốc Tế hết sức tích cực nhưng chủ nghĩa bất dung Tôn Giáo vẫn không hề thay đổi trên đất nước ngàn năm văn hiến.
Tuy nhiên, bằng mọi nỗ lực, Chư Tôn Đức, Chư vị Cư Sĩ thành viên Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo đã cố gắng thực thi quyền hạn và trách nhiệm của mình trên tinh thần Hiến Chương GHPGVNTN dù bọn tiếm danh Giáo Hội cũng như bọn Dư luận viên không ngừng đánh phá, quyết tâm triệt tiêu tiếng nói của Giáo Hội trên trường Quốc Tế.
Kính thưa Chư Liệt Vị
Giáo Chỉ số 16/TT/GC của Đức Tăng Thống ban hành ngày 17 tháng 01 năm 2016 TẤN PHONG BAN CHỈ ĐẠO VIỆN HÓA ĐẠO VÀ ĐẠI DIỆN CÁC MIỀN nêu rõ :
ĐIỀU II :
– Chiếu Điều 30 Chương Thứ V, Hiến Chương GHPGVNTN, nhiệm kỳ của Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo là hai năm.
– Chiếu Điều 33 Chương Thứ V, Hiến Chương GHPGVNTN : Ở thời Pháp nạn, Giáo hội bị bách hại không thể triệu tập Đại hội theo thể thức quy định của Hiến chương, thì tuỳ phương tiện và hoàn cảnh mà tổ chức để tránh sự dòm ngó gây khó khăn thêm cho Giáo hội. Tuy nhiên không thể huỷ bỏ để dòng sinh hoạt Giáo hội được lưu nhuận và tiếp nối.
– Do hoàn cảnh bách hại hiện nay, nhiệm kỳ của Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo được biểu quyết thông qua tại Đại hội Khoáng đại GHPGVNTN kỳ X ngày 17 tháng 01 năm 2016 là vô thời hạn, cho đến khi có hoàn cảnh thuận tiện. Nhưng Hiến chương vẫn phải áp dụng mỗi hai năm, hoặc khi đặc biệt khẩn yếu, Ban chỉ đạo Viện Hoá Đạo có thể được bổ sung, hoán chuyển để đáp ứng nhu cầu Phật sự.
Như vậy năm nay đã đáo hạn 2 năm, tuy nhiên Đức Tăng Thống chỉ dạy :
1/. Thành phần nhân sự Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo vẫn giữ nguyên, tránh những thay đổi không cần thiết.
2/. Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni hay Cư Sĩ Phật Tử muốn trở lại tham gia GHPGVNTN xin có thư tự nguyện và tuân thủ Hiến Chương Giáo Hội.
Do đó để có một Bản Tổng Kết trình lên Đức Tăng Thống, Chư Tôn Đức Hội Đồng Lưỡng Viện thẩm tường cũng như đồng bào Phật Tử trong và ngoài nước hiểu rõ sinh hoạt của Giáo Hội trong tình hình Quốc Nạn và Pháp Nạn, kính xin Chư Vị gởi về cho Văn Phòng Viện Hóa Đạo kết quả sinh hoạt trong năm 2017 và những dự kiến sinh hoạt trong năm 2018 trong đó nêu rõ những thuận duyên cũng như chướng duyên và những ý kiến xây dựng nhằm đưa Giáo Hội qua một giai kỳ phân hóa trầm trọng bởi vô minh và chấp ngã.
Văn phòng Viện Hóa Đạo thành kính xin nhận được hồi âm trước ngày 31 tháng 12 năm 2017 (14.11.Đinh Dậu)
NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT
Phật lịch 2561, Tu Viện Long Quang,
ngày 25 tháng 11 năm 2017.
TL. HT Viện trưởng Viện Hoá Đạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Tổng Thư ký
(ấn ký)
Nguyên Chánh LÊ CÔNG CẦU
Thông tư Báo cáo sinh hoạt GĐPTVN cuối năm 2017
THÔNG TƯ
BÁO CÁO SINH HOẠT CUỐI NĂM 2017
————————-
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN
Kính gởi :
– Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử các Cấp.
– Ban Chấp Hành các Hội Đồng Huynh Trưởng Cấp Dũng và Cấp Tấn
Kính thưa Quý Huynh Trưởng
Năm 2017 sắp mãn, năm 2018 sắp về với bao nhiêu thao thức của người Huynh Trưởng GĐPT trước vận mạng của Dân Tộc và Đạo Pháp.
Để thực thi Sứ Mệnh đối với Giáo Hội, với Tổ Chức, với tất cả Đàn em thân yêu, Ban Hướng Dẫn Trung Ương căn cứ vào Thông Bạch Cuối Năm của Viện Hóa Đạo ban hành ngày 25.11.2017, thành kính gởi đến Quý Anh Chị các yêu cầu sau :
1/. Các Ủy Viên Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN, các vị Đại Diện Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN tại các Miền, Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử tại các Tỉnh, Thành, thực hiện Báo Cáo Sinh Hoạt Cuối Năm theo những diễn tiến Phật sự tại địa phương.
2/. – Chiếu theo quyết định của Hội Đồng Quản Trị Huynh Trưởng GĐPTVN
– Chiếu theo đề nghị của Ủy Viên Nội Vụ BHD/TR.Ư GĐPTVN.
Yêu cầu Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử tại các Tỉnh, Thành thực hiện việc xếp Cấp Huynh Trưởng PL 2561 đúng theo nguyên tắc đã được quy định trong Nội Quy và Quy Chế Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam :
– Cấp Tập : Hội Đồng Xếp Cấp các Tỉnh, Thành duyệt xét, Ban Hướng Dẫn GĐPT Tỉnh, Thành phê chuẩn, ban hành Quyết Định và tổ chức Lễ Thọ Cấp dưới sự chứng minh của Ban Đại Diện GHPGVNTN tại địa phương.
– Cấp Tín : Hội Đồng Xếp Cấp các Tỉnh, Thành duyệt xét, Ban Hướng Dẫn GĐPT Tỉnh, Thành phê chuẩn, trình BHD/TR.Ư duyệt y và ban hành Quyết Định. Ban Hướng Dẫn Tỉnh, Thành cung thỉnh Ban Đại Diện GHPGVNTN sở tại chứng minh lễ Thọ Cấp.
– Cấp Tấn : Hội Đồng Cấp Tấn địa phương hiệp ý với ban Hướng Dẫn sở tại bình xét, Ban Hướng Dẫn Trung Ương duyệt y, ban hành Quyết Định có phê chuẩn của Viện Hóa Đạo và tổ chức Lễ Thọ Cấp
3/. Yêu cầu và đề nghị :
– Vì tình hình bị theo dõi chặt chẽ về mặt an ninh nên việc liên lạc rất khó khăn do đó không tránh khỏi những thiếu sót, sơ suất về hành chánh, kính mong các Huynh Trưởng hoan hỷ.
– Để khắc phục tình trạng nêu trên kính xin các Ban Hướng Dẫn báo cáo về cho Ban Hướng Dẫn Trung Ương những điều cần bổ túc như các Quyết Định, các Chứng Chỉ, các văn bản Pháp Quy nào chưa nhận được để Ban Hướng Dẫn Trung Ương đáp ứng kịp thời
Ban Hướng Dẫn Trung Ương mong được hồi đáp trước ngày 31.12.2017 tức là ngày 14.11. âm lịch Đinh Dậu.
Kính mong Quý Huynh Trưởng thực thi nghiêm chỉnh Thông Tư nầy
KÍNH CHÀO TINH TẤN
PL 2561. Giác Minh, ngày 26 tháng 11 năm 2017
TRƯỞNG BAN HƯỚNG DẪN TR.Ư.GĐPTVN
(ấn ký)
NGUYÊN CHÁNH LÊ CÔNG CẦU
Dòng Tâm Sự Kính Bái Vọng Giác Linh Ngài
Thành kính đảnh lễ Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng thượng Hộ hạ Giác.
Mới đây mà đã 5 năm, từ ngày Hòa thượng viên tịch : Ngày 5 tháng 12 năm 2012.
Quốc nạn và Pháp nạn vẫn tiếp diễn, ngày càng tệ ! Nội bộ của Giáo Hội chưa dứt tang thương !
Từ khi Ngài Hòa Thượng siêu thăng Phật quốc, con thuyền Giáo hội lênh đênh giữa trùng khơi. Nhờ công đức tích tập nhiều tiền kiếp nên kiếp này Ngài đã bao lần vượt qua những chướng duyên và nghịch cảnh trong quá trình hành đạo góp phần hóa giải cộng nghiệp nghiệt ngã của Dân tộc và Giáo hội, Dân-sự-nạn và Giáo-hội-nạn ngỗn ngang trăm mối ! Con mong ước phải chi Ngài trụ thế lâu hơn để giúp Dân tộc, Giáo hội vượt qua phong ba bão tố ! Nhưng rồi con lại nghĩ, biết đâu “phong ba bão tố” không là nơi thử thách, gạn lọc, trau dồi người Phật tử Việt thêm can cường, dũng lược để giải nghiệp cho mình và cho Dân tộc hồi sinh như ẩn ý trong câu ca dao :
Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm.
Ngài vào đời thực hành Bồ Tát Hạnh cùng với các đời Tăng thống, với chư Tôn đức Tăng Ni, nam nữ Cư sĩ, Huynh trưởng; chư Anh hùng Liệt nữ vô danh hay hiển danh để truyền thừa dòng văn hiến hơn 4000 năm Dựng Nước, Giữ Nước.
Noi gương Ngài, chúng con tiếp bước con đường Ngài đã qua trong công cuộc giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất quốc nội, hải ngoại theo đuổi trong tinh thần “Thế sự vô nan sự, đô lai tâm bất chuyên”, chuyện đời không gì khó, chỉ e mình không nhất tâm.
Đức tu của Ngài Phó Tăng Thống sáng ngời giữa chư Tăng Ni và Phật tử qua mọi thời mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Ngài sống thanh khiết, không vướng mắc danh lợi, quyền thế… Ngài quan tâm đến mọi người trong mọi liên hệ, gặp gỡ. Ngài hành xử không thành kiến với bất cứ ai. Giao tiếp với bất cứ ai Ngài luôn hoan hỷ, nói lời ái ngữ, tán dương. Ngài sống giữa chúng ta hoà hài, bình dị và chân tình.
Nhớ có lần tôi đến tịnh thất thăm Ngài, Ngài hỏi :
– “Huyền Việt lái xe hay ai lái xe đưa Huyền Việt tới đây ? Ngồi chờ, Sư pha trà uống, nhân có người tặng Sư trà ngon. Sư pha để Huyền Việt thưởng thức.”
Thầy trò nhâm nhi thưởng thức, chợt Ngài hỏi :
– “Huyền Việt thấy sao ? Trà có ngon không ?
– Con uống trà không chuyên nghiệp nên không phân biệt ngon dở.
Ngài liền đáp : “Như vậy Huyền Việt còn phải ‘tu’ nữa” !
Ai tinh ý chắc hiểu ngay ý vị hóm hỉnh Ngài vừa châm vào trà : tu là khuyến thỉnh tu hành, mà cũng có nghĩa uống nhiều trà như người tu rượu.
Rồi thầy trò trao đổi chuyện đường xa đường gần, tham vấn chuyện này chuyện kia, kể cả “những chuyện rắc rối, va chạm, bất đồng” giữa các thành viên trong Giáo Hội hay trong huynh đệ Tăng Ni như muốn “méc” chuyện với Ngài cầu mong lời Ngài phân xử, chỉ dạy ! Những lần như vậy, Ngài ngồi nghe rất thanh thản và cảm thông. Cách phân xử của Ngài lấy cảm thông làm đầu, chẳng đổ lỗi hay buộc tội cho ai khác.
Có dịp ngồi ăn cùng bàn với Ngài, thỉnh thoảng Ngài lên tiếng “món này ăn được”, thì quả thực là món ngon, khiến người dâng cúng hoan hỉ theo.
Ngài luôn đem kinh nghiệm và hiểu biết của Ngài chia sẻ cho đệ tử trên bất cứ lĩnh vực nào của đời sống. Ngài thường dạy : “Dù có ai dùng tên mình mà làm lợi lạc cho kẻ khác đều là chuyện đáng vui !”.
Trong lãnh vực ăn uống Ngài dạy : “Tiêu xài cho việc gì thì mình nên tiết kiệm, nhưng gặp khi ăn uống thấy bồi dưỡng tốt cho thân xác, thì chớ nên quá tằng tiện.”. Ai đem “món ngon vật lạ” cúng dường, Ngài đều đem ra phân phát cho các chúng. Ai đến vấn đạo Ngài hoan hỉ lắng nghe rồi ân cần thuyết giảng hóa duyên hàng Phật tử.
Tuổi đời và tuổi đạo của Ngài cao, suốt hơn 60 năm hành hoạt, hóa duyên, từ đạo đến đời, từ giới xuất gia và cư sĩ Việt Nam hay ngoại quốc; từ giới chính khách, vua quan, tổng thống, quân nhân Việt, Miên, Lào, Thái, Miến, Tích Lan, Ngài đều gây tạo cảm tình thân mến.
Ngài thông thạo các thứ tiếng Pali, Anh, Thái, Miên, Lào, Tích Lan cùng với kiến thức thông bác về nội điển lẫn ngoại điển trợ duyên cho sự giao tế, kết thân !
Ai cũng kính ngưỡng hạnh “Lắng Nghe, tâm Từ ái, lời Ái ngữ, sống chơn thật, vị tha” với phước tướng “Giai tăng lợi khẩu” của Ngài.
Ngài cũng thích việc tay chân, làm vườn. Tâm đắc khi tìm được những dụng cụ làm vườn cuốc xẻng vừa tay và thực dụng, mà Ngài giữ gìn như của quý. Nắng mùa hè ở Texas, dù mới cạo tóc, đầu “láng bóng”, Ngài ra vườn cày cuốc không hề đội nón ! Có dạo Ngài trồng nhiều loại ớt quanh Tịnh Thất của Ngài. Ngài nói đùa : “Sư đã tạo được trăm cay nhưng chưa làm được ngàn đắng”
Qua Mỹ có lúc Ngài cũng lái xe khi không có người đưa đón. Đi trên xa lộ, Ngài hay nhắc tài xế : “Không nên chạy gần xe phía trước, xe nào chạy chậm nên qua mặt xe đó. Xe nào chạy đều tốc độ phía trước, đặc biệt loại Truck 18 bánh, Ngài nói : Chạy theo xe đó là chắc ăn vì tài xế xe truck rất chuyên nghiệp xa lộ, nhất là biết rõ nơi nào có “ông kẹ/cảnh sát canh chừng”.
Ngài rất thương gia súc : chó, mèo, gà v.v.. Ngài đến đâu, chùa nào nuôi chó mà có giây xích buộc, Ngài hay khuyên sao không thả nó ra. Dù biết lý do nhưng Ngài cũng buồn.
Ngài sống với “hạnh nhẫn” nên khi gặp phải chuyện bất như ý, Ngài im lặng để sự việc đến và đi !
Mọi sự trong đời sống hàng ngày, Ngài luôn chừng mực, chăm lo, như tụng kinh, tham thiền, tập Yoga, đọc kinh sách, viết sách, dịch thuật, hay tĩnh tâm uống trà v.v..
Ngài rất quan tâm người bên cạnh, khi ở chung phòng với chư Tăng khác, vì Ngài sợ họ mất ngủ. Ngoài giờ tụng kinh Lễ Bái Tam Bảo, Ngài còn tụng những bài kinh Pali mà Ngài tâm đắc, như Kinh Ghi Ri Ma Nan Đa (Girimananda), Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta), Kinh Châu Báu (Ratanasutta), Kinh Vạn Pháp Tổng Trì (Dhammasangini), Kinh Đáo Bỉ Ngạn (Dasaparami), v.v..
Ngài thường chia xẻ với chư Tăng Ni khi đọc trực tiếp những bài kinh Phật bằng Pali đem lại cho chư Tăng cảm giác hỷ lạc, thương Phật và hiểu Phật nhiều hơn !
Ngài sống rất tùy hỷ với môn đồ pháp quyến, Chưa bao giờ Ngài là “nguyên nhân của mối bất hòa” giữa Tăng Ni và Cư sĩ Phật tử chung quanh. Ngài khích lệ và tán thán quý Tăng Ni cáng đáng Phật sự ở các Chùa; quý Tăng Ni và Cư sĩ phục vụ Giáo Hội và Phật sự địa phương. Ngài không kỳ thị pháp môn, giáo lý và tông phái. Hạnh kham nhẫn và không muốn tạo sự cực nhọc cho người khác, Ngài đã thể hiện qua những lần nhập viện điều trị. Mỗi khi y tá hay bác sĩ giúp đỡ và điều trị cho Ngài, dù bệnh tình hành hạ, đau đớn cách mấy, Ngài cũng nén cơn đau, tỏ ra cảm kích và biết ơn sự săn sóc của họ.
Khi nghe hung tin Ngài đã trút hơi thở cuối cùng, hầu hết các bác sĩ và y tá điều trị cho Ngài đã đến tịnh thất để bày tỏ lòng thương tiếc và chia buồn với môn đồ pháp quyến. Có lẽ đây là lần đầu tiên chính họ đích thân chăm sóc và trị liệu cho một tăng sĩ Phật giáo cao niên và đức độ đặc biệt như vậy !
Sống và phục vụ Giáo Hội, Ngài mang tâm sự :
“Chúng ta đã gọi là đồng hội đồng thuyền, khi thuyền ra khơi gặp sóng to gió lớn, nguy hiểm quá, sợ quá, không lẽ chúng ta nói : Cho tôi rời thuyền ra khỏi Giáo hội hay sao ?
“Chỗ nào là chỗ an toàn cho ta ra đi ? Hay chúng ta phải gắn bó cùng nhau đương đầu với sóng gió gìn giữ con thuyền, nếu may mắn thì thuyền cập bến bình an, nếu không thì củng nhau sống chết có nhau. Bỏ Giáo hội mà đi thì đâu phải đồng hội đồng thuyền ?”
Chúng ta biết từ 1975, miền Nam rơi vào tay bạo quyền Cộng sản, Ngài sống ẩn dật tại Sài Gòn, ở Chùa Pháp Quang, chùa Nam Tông. Các năm đầu, Ngài lui tới Chùa Ấn Quang – trụ sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất – để làm việc và gặp gỡ chư Tôn Túc Giáo phẩm trong những ngày tháng nghiệt ngã dưới chế độ bất dung tôn giáo; hoặc đến Chùa Kỳ Viên, trụ sở của Phật Giáo Nguyên Thủy trên đường Phan Đình Phùng – Bàn Cờ ban bố những thời Pháp, rằm và 30, Phật tử về chùa sám hối.
Ngài là thành viên lãnh đạo trong GHPGVNTN trước năm 1975 qua các chức vụ :
Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ
Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp
Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Xã Hội
Phó Giám đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo Quân lực VNCH
Dĩ nhiên Ngài dư biết Ngài đang sống trong tầm ngắm của chế độ Cộng sản !
Đúng vậy. Vào những năm 1979 – 1980, đảng Cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam xuyên qua Mặt Trận Tổ Quốc ra sức vận động thống nhất Phật Giáo để cho ra đời : Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mà chúng ta thường gọi Giáo hội Quốc Doanh !
Nhiều lần Ngài được mời tham dự hội họp, sau cùng họ mời Ngài ra Hà Nội họp. Bấy giờ Ngài biết Ngài sẽ khó sống yên thân dưới chế độ này. Ngài biết Ngài sẽ bị lợi dụng để làm khổ Dân tộc và khổ Giáo hội ! Ngài quyết định vượt biên bằng đường bộ qua Kam-Pu-Chia rồi đến Thái Lan 1981. Ngài sang định cư tại Hoa Kỳ năm 1982. Năm 1983, Ngài cùng 8 vị tôn túc nguyên là thành viên của Hội Đồng Viện Hóa Đạo/GHPGVNTN đứng ra thành lập Hội Đồng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại, Ngài được thỉnh cử vào vai trò Tổng Thư Ký.
Năm 1985, Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam Hải Ngoại thành lập, chư Tăng trong Hội Đồng Chưởng Quản cung thỉnh Ngài vào ngôi vị Tăng Thống.
Tháng 9 năm 1992, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ thành lập, Ngài được thỉnh cử vào vai trò Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành.
Không lâu sau đó, Đức Đệ Tứ Tăng Thống ban hành Giáo chỉ thành lập Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo, Hòa thượng Thích Hộ Giác được thỉnh cử vào vai trò Chủ tịch.
Năm 2008, Đức Đệ Tứ Tăng Thống ban hành Giáo chỉ suy cử Ngài lên ngôi vị Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Với những chức vụ nêu trên do Tăng Ni và tín đồ Phật Giáo Việt Nam trong nước và hải ngoại giao phó, Ngài đã sống tùy hỷ, tùy thuận, đặc biệt tùy hỷ và khâm tuân mọi sự tin tưởng và ủy thác của Hội Đồng Lưỡng Viện dưới sự lãnh đạo của các đời Tăng thống, đệ Tam, đệ Tứ và đệ Ngũ Tăng Thống. Ngài đúng là một nhân tuyển “không thể thiếu” trong quá trình gìn giữ ngôi nhà của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong lúc Đảng và nhà Nước CSVN xuyên qua Mặt Trận Tổ Quốc, là ngoại vi, bàn tay nối dài của họ nhằm đoàn ngũ và chính trị hoá tôn giáo, biến tôn giáo trở thành công cụ của Đảng và Nhà Nước nhằm tước đoạt quyền sống của người dân.
Chuyện đời thăng trầm là lẽ thường, Hạnh phúc hay đau khổ, chiến tranh hay hòa bình là do chúng ta – Con người tạo ra !
Cảm kích thay ! Biết ơn thay những con người vì lợi ích của đại đa số, vì an nguy và hạnh phúc của đại đa số, trong lúc Dân tộc và Đạo pháp gặp cơn nguy khốn, đã dám đứng ra nhận lãnh trọng trách gìn giữ và bảo vệ giá trị truyền thống của Tôn giáo, của Giáo hội, của Dân tộc !
Hòa thượng xứng đáng là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.
Chúng con nguyện noi theo “hình bóng năm xưa” của Ngài, vào đời thực hành Bồ Tát Hạnh, lái thuyền Bát Nhã lướt sóng cứu độ quần sanh.
Thành kính đảnh lễ giác linh Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác – Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.
Khể thủ
Con : Tỳ Kheo Thích Huyền Việt
Chủ tịch Hội đồng Điều hành
GHPGVNTN-HN/HK
0 Comments
You can be the first one to leave a comment.