PARIS, ngà 21.8.2017 (PTTPGQT) – Văn phòng Viện Hoá Đạo vừa chuyển đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế bức Thông bạch Vu Lan P.l. 2561 – 2017 của Hoà thượng Thích Thanh Quang, Viện trưởng Viện Hoá Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, để phổ biến trong và ngoài nước.

Sau đây là toàn văn bức Thômg bạch :

Phật lịch 2561                                                                                             Số 13.17/VHĐ/VT

 

THÔNG BẠCH VU LAN
PHẬT LỊCH 2561- ĐINH DẬU-2017

——————————–
VIỆN TRƯỞNG VIỆN HÓA ĐẠO
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

 

Kính gởi :
Chư Tôn Giáo Phẩm Hội Đồng Lưỡng Viện
Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni
Đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước.

Kính bạch Chư Tôn Đức
Kính thưa Quý liệt vị

Trăng khuyết rồi lại tròn

Xuân qua Hè lại tới

Thấm thoắt một mùa An Cư Kiết Hạ sắp mãn, mùa Vu Lan, Tự Tứ gần kề.

Thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện, tôi xin thành kính dâng lên Chư Tôn Đức lời tán thán hoàn thành Giới Thể, đem Huệ Mạng phục vụ chúng sanh trong tuổi Đạo được trao truyền từ Đức Thế Tôn.

Tôi cũng xin thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện thành kính gởi đến Đồng Bào Phật Tử các giới trong và ngoài nước lời tán thán chân thành, đã thân cận Giới Trường, tạo phước duyên cho 3 tháng An Cư Kiết Hạ của Chư Tăng hoàn thành viên mãn.

Qua lịch sử thăng trầm của Đất Nước, dẫu là Tăng hay tục, đều mang trên vai hai sứ mệnh không thể tách rời là Dân Tộc và Đạo Pháp. Thế nhưng nơi Chính trường hà khắc hiện nay, chúng ta không có tiếng nói, chúng ta không được nói, nơi Đạo pháp gặp cơn luân hiểm, chúng ta bị phong toả và khủng bố. Giáo Hội chúng ta bị thế quyền kỳ thị và đàn áp. Đạo Phật Truyền Thống của Hai Ngàn năm lịch sử bị biến tướng thành những Lễ Hội Mê Tín Dị Đoan phục vụ thế tục và chế độ Bất dung Tôn Giáo

Do đó, không phải chuyện ngẫu nhiên, mà vừa qua, Đài Phát Thanh Phật Giáo Việt Nam cho phát lại Thông Điệp Vu Lan của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang ban hành năm 2002. Thông Điệp ấy gói trọn tinh thần Giáo hội cần phát huy, không riêng cho thời cuộc 15 năm trước, mà cho cả hiện tình đến mai sau.

Vì Đất nước vẫn dẫm chân tại chỗ, Phật Giáo vẫn bị kẹt trên con đường Xã Nghĩa ngoại lai. Mười lăm năm qua và hôm nay vẫn chưa đổi thay, cải thiện, như thời gian ngừng trôi và không gian ngưng chuyển động : Đạo Pháp suy đồi, Dân Chúng lầm than, mất tự do.

Để Phật tử khắp nơi thấm nhuần lời dạy của Ngài, nhằm thực hiện Chữ Hiếu theo tinh thần Phật Giáo, thay vì theo tập quán Trung Hoa mà bao thế hệ.lăn vào. Cư Sĩ Võ Văn Ái đã bình luận bức Thông Điệp Vu Lan của Đức Đệ Tứ Tăng Tăng Thống nhằm thâm nhập yếu chỉ của Ngài.

Thông Điệp và Lời Bình vận hành theo tiếng nói Dân Tộc để vượt thoát Quốc Nạn và Pháp Nạn mà toàn dân đang đối mặt.

Năm ấy, từ nơi lưu đày và quản thúc ở Quảng Ngãi, Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang viết Thông Điệp Vu Lan gởi đến các cấp Giáo Hội, Phật Tử trong và ngoài nước, đưa ra ba nhận định nhân dịp Lễ Hội Vu Lan :

1/. Nhận định của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống về Địa ngục :

Tương tự như cái nhìn thế giới phân tranh lưỡng cực giữa thế kỷ XX của Triết gia Hiện Sinh Jean-Paul Sartre : “Địa ngục đến từ những kẻ khác” — Tha nhân là địa ngục. Đức Cố Tăng Thống Thích Huyền Quang viết :

“Thói thường quan niệm địa ngục ở nơi cõi âm, xa cách với thế giới ta đang sống, nhưng thật sự địa ngục chẳng đâu xa : Ở đâu có khổ đau ở đó có địa ngục. Người Dân Việt phải hiểu rằng : hoàn cảnh đói rách, nghèo khốn, bị đàn áp, bị bức hiếp hiện nay là địa ngục chứ không gì khác hơn”.

Nên Ngài cất lời kêu gọi :

“Rằm tháng bảy Vu Lan là ngày mở cửa địa ngục cứu vớt cô hồn ngạ quỷ đang thét la, đói rách. Trong khi cứu độ cho người chết nơi cõi âm như thường năm vẫn làm qua bao thế kỷ, xin Chư Liệt Vị chớ quên việc cứu độ cho người sống nơi trần gian. Việc cứu người chết có nghi lễ và cúng bái, ai thành tâm đều có thể làm. Song cứu người sống hiện nay cần có tinh thần Từ bi và Vô úy tức phải biết thương người và không sợ hãi”.

2/. Nhận định của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống về Chữ Hiếu với hàng Xuất Gia :

Ngài dạy rằng : Người Xuất Gia có hai điều cần biết về Chữ Hiếu :

Một là Đức tính Vô úy dạy chúng ta biết đem cái chết của mình để thánh hóa cái sống của Phật Pháp

Hai là “Hiếu thuận với cha mẹ, báo hiếu với ông bà, tổ tiên, là nghĩa vụ của mọi người. Nhưng đối với giới Tu sĩ, tức Chư Tăng, Ni không lập gia đình, thì Hiếu là sự truyền thừa Chánh Pháp, và sự sống còn của Dân Tộc, là nơi mình hành Đạo. Đó là sự nối dõi Đạo Hiếu đối với Đức Thế Tôn. Chánh Pháp là Giáo Lý Cứu Khổ mọi loài chúng sinh của Đức Phật, cần phải tiếp tục truyền thừa. Gặp ai ngăn cản, không cho thực hành Giáo Lý ấy, thì đức tính Vô úy dạy chúng ta đem cái chết của mình để thánh hóa cái sống của Phật Pháp. Như thế thì ngoài sự trường tồn của Đạo Phật cộng thêm sự sống còn của Dân Tộc nơi mình sanh ra, nơi mình hành đạo mà người Tu Sĩ phải bảo vệ thay vì tụ thủ bàng quan”.

3/. Nhận định của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống về một Nghi Lễ Mới cho Mùa Vu Lan Báo Hiếu :

Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống cho biết sự khác nhau giữa Chữ Hiếu thông thường với Chữ Hiếu trong Đạo Phật :

“Nước ta vốn bị ảnh hưởng nền văn hóa Trung Quốc nên Chữ Hiếu theo quan điểm Trung Quốc thâm nhập vào mọi tầng lớp nhân dân qua nhiều đời. Chữ Hiếu theo quan điểm Trung Quốc là bảo tồn thân xác do cha mẹ sinh dưỡng và làm rạng danh sự nghiệp để đền đáp ơn sinh thành ấy, tập trung vào hai nhiệm vụ chính yếu : truyền thừa nòi giống và vinh quang gia tộc.

“Song Chữ Hiếu trong Đạo Phật theo Kinh Lục Độ xuất hiện tại Giao Châu từ thế kỷ thứ 3 Tây lịch thì Hiếu là quên mình cứu người, giúp nghèo cứu thiếu, thương mến quần sinh, bởi vì chúng sanh trong vô lượng kiếp đều là cha mẹ, thân thuộc lẫn nhau, có ta là có Cha Mẹ, Tổ Tiên”.

Đối với tình hình Việt Nam, Đức Cố Tăng Thống đánh giá : “Xã hội nước ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng văn hóa và đạo lý trầm trọng : đơn vị gia đình bị xem thường, phá bỏ. Sự hiếu thuận với Cha Mẹ, Tôn Trưởng hiện nay biến thành “ Hiếu Kim” để thờ lạy ông thần tài, làm mất đi những lý tưởng cao đẹp của con người có văn hóa và đạo đức”.

Vì vậy Ngài kêu gọi Một Lễ Nghi Mới để phục hồi Chữ Hiếu trong nỗ lực khơi lại mạch nguồn của nền văn hiến mà Ngài dặn dò qua Thông Điệp Vu Lan năm 2002 rằng :

“Quý Phật tử hãy mở ra truyền thống về Lễ Nghi Hiếu Hạnh, nghiã là sau khi làm lễ Vu Lan ở Chùa, về nhà nên thiết lễ cầu nguyện cho Cha Mẹ hiện tiền cũng như Tổ Tiên quá khứ.

“Làm sao cho từ nay Nghi Lễ nầy trở thành phong tục mới, tập quán mới nhằm giáo dục cho con cháu về Chữ Hiếu đối với Cha Mẹ, Ông Bà, Tổ Tiên”.

“Đây sẽ là cái Tết Hiếu Thuận sau Tết Nguyên Đán và trước Tết Trung Thu của Thiếu Nhi hằng năm. Được như thế thì Chữ Hiếu theo quan điểm của Đạo Phật mới trở thành nét đặc thù của Phật Giáo Việt Nam bao gồm Nhân ái, Nhân từ, Nhân nghĩa để trở thành Nhân Đạo” như lời bình luận Thông điệp nhấn mạnh.

Kính bạch Chư Tôn Đức
Kính thưa Liệt Quý Vị

Sự giao thoa giữa Thông Điệp của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống và Lời Bình của Giáo Sư Giám Đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế đã mở ra cánh cửa an lạc cho tất cả chúng ta trong mùa Vu Lan nầy, khi chúng ra đang khắc khoải chờ mong niềm tình tự Dân Tộc, cùng với sự tái tạo đời sống Tâm Linh nơi xã hội đầy tệ nạn ngày nay.

Thì đây, đạo vẫn thắm, hoa vẫn cười, nếu chúng ta thực hiện đúng ba lời dạy của Ngài trên đây mỗi lần Mùa Vu Lan tới. Chúng ta cùng nắm tay nhau lên đường Cứu khổ theo quan miệm Chữ Hiếu trong Đạo Phật, mà bức Thông Điệp Vu Lan của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang khai thị.

Kính xin Đảnh Lễ các Bậc Tôn Trưởng

Thành kính cầu nguyện Cửu Huyền Thất Tổ, Cha Mẹ Anh Em, Thân Bằng Quyến Thuộc quá khứ, hiện tiền và vị lai.

NAM MÔ ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT MA HA TÁT

Phật Lịch 2561, Tu Viện Long Quang
ngày 18 tháng 8 năm 2017
Viện Trưởng Viện Hoá Đạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(ấn ký)
Tỳ Kheo THÍCH THANH QUANG

 

—————————————————-
– Kính dâng trình Đức Tăng Thống GHPGVNTN kính thẩm tường
– Kính gởi GS Giám Đốc PTTPGQT trong đạo tình và kính xin phổ biến
– Lưu.

 

 

Tags

 

0 Comments

You can be the first one to leave a comment.

Leave a Comment