“Câu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước, trình bày vấn đề Phật Pháp & Thời luận phát thanh mỗi thứ sáu hàng tuần, do ký giả Triều Thanh phụ trách.

Hôm nay xin mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn Cư sĩ Võ Văn Ái về “Năm Thừa trong Phật giáo” chép lại từ cuộc phỏng vấn trong chương trình Đài qua 3 kỳ thứ sáu 5 tháng 2, thứ sáu 12 tháng 2, và thứ sáu tuần này 25-2 dương lịch 2016 :

Về Năm Thừa trong Phật giáo

Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, vấn đề tu học là chính yếu trong đạo Phật, vậy xin ông cho biết làm sao tu học ? Nên đọc những kinh gì, sách gì để có thể hoàn thiện sự tu học cho người Phật tử ?

Võ Văn Ái : Kinh sách thì nhiều vô kể. Chỉ nói Tam Tạng kinh điển đã lên tới vài ba trăm ngàn trang. Các bản kinh chữ Phạn, chữ Pali, chữ Hán, chữ Tây Tạng, v.v… đã được các học giả Tây phương nghiêm chỉnh dịch ra tiếng Anh, Đức, Pháp… Tha hồ mà đọc. Tuy nhiên chọn sách mà tự mình không biết căn cơ thấp cao để thâm nhập kinh điển, chẳng khác chi ham ăn cao lương mỹ vị đưa tới sự bội thực.

Đương nhiên tu học, thì phải đọc kinh sách. Nhưng chủ yếu trong đạo Phật không phải là sự hiểu biết thường tục, mà là hành và thể chứng trong đời sống các lời Phật dạy. Cho nên cần có sự dẫn đắt của một vị thầy chẳng những có khả năng thuyết giảng, mà còn phải chứng đắc.

Triều Thanh : Mấy mươi năm qua, từ khi còn ở trong nước, nay ra hải ngoại, thế hệ chúng tôi từng nghe nhiều vị thuyết giảng rất hay ho, hấp dẫn. Nay với tuổi đời trải nghiệm, lắm khi chúng tôi phải than lên : Nghe vậy nhưng không phải vậy. Làm sao tìm kiếm bậc chân sư ?

Võ Văn Ái : Đây là vấn đề sinh tử trong việc tu hành, tôi không là nhà tiên tri để dám chắc ai chân sư ai không. Tôi nghĩ, khi chúng ta phát Bồ đề tâm, chí thành tu học, ắt có ngày ta gặp chân sư thôi. Nếu gặp mà bị lừa, bị đánh tráo đạo Như Thật, thì cũng là một trải nghiệm cần có để tránh chuyện mù quáng tin theo như số đông nhân loại. Người xưa đi từ núi này tới chùa kia tầm sư học đạo, với chí nguyện bước lên phương trời cao rộng, cuối cùng các vị ấy đều gặp được minh sư hay đắc đạo. Nhìn hình ảnh siêu việt trong lam lũ, tầm thường của ngài Huệ Năng, Tổ thứ sáu của Thiền, ta có một tấm gương soi cho sự tiến thân tu học và tu hành.

Triều Thanh : Từ sau Lục tổ còn ai khác đâu ? Và trong khi người Phật tử bình thường, không được ngời sáng như Lục tổ thì làm sao tu học đây, thưa ông ?

Võ Văn Ái : Sau Lục tổ còn nhiều chứ đâu phải không. Hãy nhìn về quá khứ Việt Nam, Nhật bản, Triều Tiên, vân vân. Duy ta không biết, không thấy. Ở những vị cao thâm đắc pháp, ta thấy vắng bặt sự ồn ào, lớn tiếng, khoe khoang. Họ không đánh trống cho người đến xem. Họ đắc đạo là đắc đạo cho tâm thức họ. Họ không đắc đạo cho người khác, dù rằng khi đắc đạo họ càng ban bố rộng lượng việc cứu sinh. Phật tử là Phật tử cho chính mình, không ai là Phật tử cho kẻ khác, nhất là không để ba hoa hý luận với đời.

Làm sao tu học ? Tâm của con người như hạt ngọc quý, cần trau dồi cho ngọc được trong sáng. Đó là vấn đề tu học. Đức Phật thị hiện thuyết pháp, trao dạy phương pháp và đường về giác ngộ. Nhưng do khả năng trí tuệ hạn hẹp, căn cơ và tư tưởng khác nhau của các hạng người trong xã hội, nên việc tu học Phật chia ra năm bậc, gọi là Năm Thừa để tùy căn cơ mà giáo hóa. Gồm có Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, và Bồ tát thừa . Đây là những bậc cấp bước lên đường giác ngộ.

Nghĩa của chữ thừa là cỗ xe. Cỗ xe đưa người từ nơi này đến nơi khác. Như giáo pháp của Phật giúp người tu học từ thấp tới cao.

Nhân thừa là cỗ xe dành cho loài người bước vào đạo. Phương pháp Phật dạy trong Nhân thừa gồm có Tam quy và Ngũ giới, tức Năm giới cấm.

Cuộc sống của con người nói chung như ngựa chạy lung tung trong rừng hoang, chẳng biết chạy về đâu và để làm gì. Cần sự định trí, nương tựa vào đường lành để phát triển thân tâm, thay vì đọa lạc vào đường dữ. Tam quy là quy y Tam Bảo. Quy y tiếng Phạn là Nam Mô, nghĩa là nương tựa, quay về. Quy y Tam Bảo là nương về Phật, về Pháp Phật, và về hiền thánh tăng. Hiền thánh tăng tiếng Phạn là Sangha, dịch âm gọi là Tăng già. Tăng già là đoàn thể chủ yếu của hai giới xuất gia, tu sĩ nam gọi là tăng, tu sĩ nữ gọi là Ni. Phải có 4 người mới kết hợp thành Tăng già.

Phật là bậc giác ngộ hoàn mãn nên ta nương tựa vào Phật để phát triển đạo hạnh tâm linh của ta. Đức Đại Thế Chí Bồ tát dạy rằng : Nếu chúng sinh tưởng Phật, nhớ Phật, thì hiện tiền hay đời sau sẽ thấy Phật.

Pháp Phật là lời Phật dạy, là chân lý giải thoát và cứu khổ. Hiền thánh tăng là người thừa truyền Pháp Phật. Đó là ba nơi nương tựa để tu học và hiển lộ chân tâm gọi là Tam Quy.

Ngũ giới là Năm giới cấm mà chúng ta đề cập trước đây khi bàn về Năm giới cấm trong truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Người thọ Tam Quy nói lên chí nguyện mình trên đường tầm đạo và tu đạo, cho tự thân và cho chúng sinh. Cho tự thân thì :

Quy y Phật, là không còn theo thiên thần, quỉ vật
Quy y Pháp, là không theo ngoại đạo, tà giáo, và
Quy y Tăng, là không còn theo bạn xấu, ác đảng

Còn mặt tích cực của Tam quy cho chúng sinh, như chúng ta tụng đọc thì :

Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sinh thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng
Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sinh thấu rõ kinh tạng, trí tuệ như biển
Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sinh thống lý đại chúng, hết thảy không ngại.

Triều Thanh : Như ông vừa nói, theo Phật tức không còn tin theo quỉ vật, thiên thần là điều dễ hiểu và đương nhiên. Có ai muốn theo ma quỉ đâu. Còn theo Pháp tức không theo ngoại đạo tà giáo. Ngoại đạo nói đây có phải là các tôn giáo khác Phật giáo, phải không ?

Võ Văn Ái : Đây là sự hiểu lầm của rất nhiều người, kể cả một số Phật tử xem ngoại đạo là các tôn giáo khác. Đạo là con đường đưa tới giải thoát giác ngộ. Đạo Phật không hẹp hòi phân chia như vậy. Các vị Độc giác nhờ quán được lý nhân duyên mà giác ngộ, thì dù không theo đạo Phật cũng không thể gọi là ngoại đạo, dù họ là Phật tử. Ngược lại, những tín đồ Phật giáo không tu theo lời Phật dạy, không sống đúng Chánh pháp qua Bát Chánh đạo để hướng đến giải thoát, giác ngộ và cứu độ chúng sinh, thì có thể gọi những người này là ngoại đạo. Tất cả những phương pháp tu trì, hay sống xa đạo lý chân chánh của Phật đều là ngoại đạo. Còn tà giáo là những lời khuyến dụ tà vạy tất nhiên phản lại đạo lý chân thật.

Bây giờ ta kết thúc về phương pháp tu học dành cho Nhân thừa. Ngoài Tam Quy nói trên, Năm giới cấm ta đã khai triển tính chất đóng góp tích cực giúp xã hội loài người sống trong an lạc và huynh đệ.

Nói tóm, Nhân thừa dựa vào Tam quy, Ngũ giới. Ai giữ được tinh thần của Tam Quy thì sẽ sống an bình trong Chánh niệm. Ai trì Ngũ giới thì tương lai không đọa lạc tam đồ, mà ngay trước mắt còn góp công xây dựng hạnh phúc cho đồng bào và nhân thế.

Tam đồ là ba đường ác đạo, chỉ cho đường lửa (Hỏa đồ), đường dao (Dao đồ), và đường máu (Huyết đồ). Tam đồ là những nơi do các nghiệp ác của thân, khẩu, ý mà dẫn tới địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh.

Vì lòng tham dục là gốc làm cho con người mất nhân cách, nên Phật chế Ngũ giới để đối trị với lòng tham dục. Còn phép Tam quy nhằm un đúc lòng nhân từ và trí phán đoán.

Triều Thanh : Còn phép Thiên thừa ?

Võ Văn Ái : Thiên thừa bao gồm những phép tu dẫn dắt người về cõi trời. Cõi trời không phải là cõi thiên đàng, hay một cõi nào lửng lơ trên mây xanh. Đạo Phật gọi cõi trời là những thế giới có sự sống. Cho nên cõi trời hay địa ngục đều tùy nơi tâm mình phát xuất. Chính sự tu hành khai mở ra muôn nghìn cõi. Biết bao nhiêu người giàu có, nhà cửa cao sang, người hầu kẻ hạ, tiền bạc như nước, nhưng tâm hồn họ chìm đắm trong ưu phiền, khắc khoải như sống cảnh địa ngục.

Ba cõi trời trong kinh sách Phật giáo gọi là : Cõi trời Dục giới, cõi trời Sắc giới, và cõi trời Vô sắc.

Cõi trời Dục giới hay Dục giới thiên, là những thế giới an bình, khí hậu điều hòa, thân thể nhẹ nhàng, ít tật bệnh, sống lâu hơn cõi người. Muốn lên Dục giới thiên thì phải giữ Năm giới cấm, tức Ngũ giới, và tu Thập thiện tức mười điều lành.

Cõi trời Sắc giới hay Sắc giới thiên, là những thế giới đã dứt được lòng tham dục. Muốn lên cõi này phải tu định. Pháp tu định giúp ta thu tâm về một nơi, không còn bị ngoại cảnh chi phối, kéo đeo. Định cho đến khi thoát ly sự ám kỷ của thân và cảnh qua những vọng tưởng phân biệt, đạt tới “Vị đáo định” phát ra tám món cảm xúc và mười món công đức. Lúc đó, thân tâm nhẹ nhàng trong cảnh giới Sơ thiền, tâm xa lánh vật dục, đem lại niềm vui gọi là “Ly sinh hỷ lạc”.

Tiến vào định sâu hơn nữa, tâm sẽ thường định khi đối cảnh, không xao lãng cho sự vui mừng phát sinh từ ảo tưởng. Hết loạn tâm. Như thế mà đạt định Nhị thiền, gọi là “Định sinh hỷ lạc”.

Ở Nhị thiền người tu thấu đạt sự an vui nẩy nở khắp châu thân gọi là “Ly hỉ diệu lạc” của Tam thiền. Tiếp tục định cho đến khi không còn vui hay khổ, sự an vui của Tam thiền không làm tán loạn chân tâm, là lúc đạt tới định Tứ thiền gọi là “Xả niệm thanh tịnh”.

Nói tóm, tu Năm giới cấm / Ngũ giới và Thập thiện / Mười điều lành thì sinh vào Dục giới thiên. Tu bốn món định “Ly sinh hỷ lạc”, “Định sinh hỷ lạc”, “Ly hỉ diệu lạc”, và “Xả niệm thanh tịnh” thì được lên Sắc giới thiên.

Hiển nhiên cảnh giới của Chư Thiên tuy tốt đẹp hơn nhân gian, nhưng vẫn cón nằm trong vòng sinh diệt nơi biển sinh tử luân hồi.

Lần tới chúng ta sẽ nói tiếp Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, và Bồ tát thừa .

Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, như đã đề cập, vấn đề tu học là chính yếu trong đạo Phật, lần trước ông đã bàn về Nhân thừa và Thiên thừa. Hôm nay xin ông trình bày tiếp cho trọn Năm thừa Phật giáo ?

Võ Văn Ái : Như đã nhận xét, giáo pháp đức Phật mênh mông vô kể. Nhưng có thể thu tóm trong Năm thừa để thâm nhập, tu học và sống đạo. Thừa là cỗ xe chở người từ chốn vô minh đến nơi giác ngộ. Lần trước đã bàn về Nhân thừa và Thiên thừa dành cho sự tu học của con người ở cõi Sa bà trái đất, và ở cõi thiên.

Hôm nay ta bàn tiếp Thanh Văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa.

Thanh Văn, tiếng Phạn là Saravaka, là tiếng Phật nói Pháp, chúng sinh nghe, để y theo đó mà tu hành đạt thành chánh quả.

Lúc đức Thích Ca thành đạo dưới gốc Bồ Đề, ngài dùng Pháp nhãn, tức con mắt pháp, thấy tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Nhưng do mê mờ, giải đãi, nên chưa phát lộ được Phật tính. Ngài bỏ ra 21 ngày nói kinh Hoa Nghiêm, trọng tâm giảng về Phật tính, chỉ rõ tự tính chân tâm của chúng sinh làm căn bản xuất phát cho ý chí tu hành chứng đạt Phật tính.

Do căn cơ chúng sinh thấp kém không thể thâm nhập Phật Pháp cao siêu. Vì vậy đức Phật tìm phương tiện thích nghi với căn cơ quần chúng. Ngài lên đường đến Vườn Lộc Uyển ở thành Ba La Nại thuyết giảng phép Tứ Đế cho nhóm ông Kiều Trần Như gồm 5 người.

Triều Thanh : Tứ Đế là gì ? Ý nghĩa ra sao, xin ông giải thích ?

Võ Văn Ái : Tứ đế thường gọi là Tứ Diệu đế, bốn diệu pháp cứu khổ là giáo lý cơ bản của đạo Phật. Gồm có Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.

Khổ đế là các nỗi khổ trong đời, như Phật dạy cho ông Kiều Trần Như trong kinh Nhân quả : “Ông phải biết sống đời là cảnh khổ, sống khổ, đau khổ, già khổ, chết khổ”, tức Sinh Lão Bệnh Tử. Những buồn vui, không như ý, sự vô thường, huyễn hóa, tất cả đều tạo khổ, chẳng ai thoát được. Ta phải xem khổ như sự kiện để thâm hiểu. Đây là phương pháp thấy biết ra sự khổ. Đức Phật bảo con lừa đi quanh cối xay suốt ngày mà không biết đó là khổ, chứ không phải sức lao động đi quanh suốt ngày là khổ. Cái không biết ấy gọi là vô minh, mới chính là khổ.

Thứ hai là Tập đế, tức nguồn gốc của khổ, sinh từ dục vọng, khát ái, cùng những đam mê bất tịnh. Hiểu được như thế thì phương pháp thứ ba là loại bỏ, diệt trừ khổ tận gốc rễ.

Thưa ba là Diệt đế, là phương pháp thực chứng để chấm dứt khổ.

Thứ tư là Đạo đế tức Con Đường đưa tới sự thực chứng Niết Bàn. Niết Bàn không phải là một cõi như cõi thiên đàng. Khi ta nhìn thấy tự thân của sự sự vật vật trong Vô thường, Vô ngã, thì đó là Niết bàn. Nói rõ hơn, Niết bàn là bản thể chân thật của sự vật không bị vọng tưởng phân biệt hay biến kế sở chấp làm cho sai lạc, méo mó.

Chấm dứt khổ thì phải diệt trừ phiền não. Để dứt trừ phiền não phải nương vào một phương pháp diệt khổ qua Bốn Diệu Đế trên đây.

Phương pháp có nhiều, vì nghiệp chúng sinh mỗi người mỗi khác, căn cơ ở bậc nào thì theo phương pháp đối ứng mà thực hành. Cho nên ngoài bốn phương pháp của Bốn Diệu Đế, còn có thêm các phép trợ đạo. Có 7 phép chia ra làm 37 phần, gọi chung là 37 phần trợ đạo. Có dịp ta sẽ bàn tới sau. Trong 7 phép trên, quan trọng là Phép Bát Chánh Đạo.

Nếu Tứ Diệu Đế là giáo lý căn bản của Thanh Văn thừa, thì 12 Nhân duyên là phép tu cho Duyên giác thừa. Phật dạy mười hai nhân duyên để cho chúng sinh thấy rõ nguồn gốc vì sao chúng sinh có sống, có chết, rồi theo phép ấy mà tu hành thoát ly biển khổ sinh tử.

Giác là thấy biết, duyên là nhân duyên. Duyên giác là chứng biết sự sự vật vật dù vô hình hay hữu hình đều nhờ nhân duyên mà sinh ra. Các bậc Duyên giác do hiểu rõ tất cả đều giả, nhờ nhân duyên mà cấu thành, nên tu theo phép hoàn diệt, tức đem về chỗ không có, để trừ nghiệp nhân của chúng sinh. Khi nghiệp nhân chúng sinh chấm dứt, tất nhiên nghiệp quả sinh tử cũng tiêu diệt.

Triều Thanh : Như vậy là chúng ta đã đánh cái nhìn tổng quan về Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh Văn thừa và Duyên giác thừa. Nay xin ông cho biết thêm về Bồ tát thừa ?

Võ Văn Ái : Bồ Tát thừa là phép tu hành của các bậc Bồ tát, mà mục tiêu là tự giác, giác tha, để giác hạnh viên mãn thành Phật quả.

Đường lối tu hành của Thanh văn thừa và Duyên giác thừa dựa vào luật nhân quả sẵn có để tìm ra nguyên nhân của luân hồi, rồi diệt trừ các nguyên nhân ấy thoát khỏi luân hồi. Còn Bồ tát thừa thì nhắm hai mục đích song hành tự giác và giác tha. Giác ngộ bản lai tự tính của mình gọi là tự giác. Làm cho người khác giác ngộ bản lai tự tính của họ gọi là giác tha. Sao cho hai sự nghiệp này viên thành.

Tất cả sự vật có danh, có tướng mà ta nhận biết được đều gọi là pháp, đều thuộc về một giới thì gọi là pháp giới. Bản tính của pháp giới là do pháp duyên khởi lập thành. Một pháp duyên khởi ra các pháp. Các pháp duyên khởi thành một pháp. Ví dụ như hạt bụi là vật thể có hình tướng, nhưng không tự riêng nó mà hiện hữu, hạt bụi có được là nhờ những cái không hình tướng quanh nó.

Sự duyên khởi các pháp nối chuyền vô tận gọi là trùng trùng duyên khởi, tức tính của pháp giới. Dựa vào pháp giới tính này mà các pháp tác động, ảnh hưởng, chi phối, nương tựa chuyển biến không ngừng theo quy luật nhân quả. Cho nên pháp giới tính là cơ sở của nhân quả.

Khi ta nói giác ngộ bản lai tự tính, chính là giác ngộ pháp giới tính của tự tâm. Pháp giới tính là chân như, nhưng lại có khả năng duyên khởi ra mọi sự mọi vật, ra thế giới, chúng sinh trong mười phương.

Phát tâm tu học Bồ tát thừa, là công hạnh tự giác song hành với công hạnh giác tha, một hình thức hiện ra nhiều thân trong các loài để hóa độ chúng sinh. Vì vậy mà các vị Bồ tát phát nguyện phổ độ chúng sinh, như ta thấy qua các lời nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Địa Tạng, v.v…

Có nhiều phương pháp tu hành để thể nhập pháp giới tính.

Triều Thanh : Bao nhiêu phương pháp cả thảy ?

Võ Văn Ái : Có nhiều, nhưng quan trọng là hai phương pháp Nhất tâm tam quánLục Ba la mật.

Tâm là tâm hay biết của chúng ta, tâm này là một pháp, gọi là pháp giới tính. Nhất tâm là quyết chí. Người tu hành theo phương pháp nhất tâm phải tu ba phép quán, là Không quán, Giả quán và trung quán.

Không quán, là quán tất cả sự vật đều bị chi phối của tâm phân biệt, biểu hiện như huyễn, không có tự tính. Không quán giúp ta diệt trừ tất cả sự phân biệt, ảo tưởng, vọng tưởng, đạt tới vô phân biệt.

Giả quán, là quán tất cả sự vật tuy không có tự tính, nhưng do đối đãi mà hiện ra nhiều tướng sai khác. Tuy nhiên cái mà ta thấy sai khác, tự bản tính nó không sai khác. Giả quán là vô phân biệt, hiện ra có phân biệt, cùng lúc quy nạp tất cả những cái có phân biệt trở về với bản tính vô phân biệt. Người tu hành tùy theo sự phân biệt của chúng sinh mà làm Phật sự, tạo công đức, nhưng không rời tính vô phân biệt.

Trung quán, là quán tất cả sự vật dù phân biệt hay không phân biệt, vượt khỏi cái có và cái không, vượt khỏi các quan niệm đối đãi, để đi vào bản tính chân như. Theo duyên nhưng không thay đổi. Không thay đổi mà theo duyên, đạt được bình đẳng tính trí. Nhận ra tất cả sự vật đều bình đẳng. Kể cả Trung đạo hay không trung đạo cũng bình đẳng, phát huy diệu dụng của chân như, nhập một với pháp giới tính. Đây là chân pháp giới của chư Phật và Bồ Tát.

Phương pháp tu học thứ hai là Lục Ba la mật, sáu phép đưa ta đến bờ bên kia, gọi là đáo bỉ ngạn. Bên này bờ là vô minh. Bên kia bờ là trí tuệ tự giác. Sáu phép ấy là : Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, và Bát nhã ba la mật.

    1. Bố thí Ba la mật, là đem những chi mình có giúp cho người. Đem tiền của, vật thực giúp người gọi là tài thí. Đem chánh pháp truyền đạt cho người gọi là Pháp thí. Đem sức lực và ý chí mình che chở cho người gọi là Vô úy thí. Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu, thắp sáng ngọn đuốc trong đêm tối bạo ác mà Phật tử đang luân hiểm, đó là hành động của Vô úy thí. Do bản tính không tham mà Bồ tát tu hạnh bố thí. Không rời bản tính chân như trong lúc bố thí, nên không thấy mình bố thí, không thấy người được bố thí, không thấy cả sự bố thí. Như vậy mới gọi là Bố thí Ba la mật.
    2. Trì giới Ba la mật. Các vị Bồ tát xét bản tính không nhiễm ô, bám víu, nên tu phép trì giới Ba la mật. Có ba nhóm giới. Một là gìn giữ luật nghi, hộ trì thân tâm thanh tịnh, xa rời các nghiệp ác, gọi là Nhiếp luật nghi giới. Hai là, học hạnh và làm tất cả những điều có lợi cho người và các loài hữu tình, đồng thời học và hành các pháp môn thuận theo bản tính thanh tịnh, gọi là Nhiếp thiện pháp giới. Ba là, hóa độ chúng sinh. Tìm hết mọi phương cách đem lại lợi ích, cứu khốn trừ nguy cho mọi loài hữu tình, dẫn dắt họ theo đạo giải thoát giác ngộ là lợi ích lâu dài của chúng sinh, gọi là Nhiêu ích hữu tình. Các vị Bồ tát trì giới nhưng không thấy có mình trì giới, không thấy có giới phải trì, không thấy có chúng sinh được hóa độ. Vì không rời bản tính chân như để trì giới, nên gọi là trì giới Ba la mật.
    3. Nhẫn nhục Ba la mật, đúng phải gọi là nhẫn ba la mật. Bồ tát tu hạnh này là an nhiên chịu các cảnh khổ, chịu đựng sự hãm hại của kẻ thù, luôn bền chí, quyết tâm quan sát chân tính của các pháp. Thuận theo bản tính chân như, các vị Bồ tát không giận ghét, chấp nê. Gặp nghịch cảnh có hại cho mình không sinh lòng giận ghét. Gặp thuận cảnh có lợi cho mình, cũng không sinh lòng tham trước. Trong lúc tu hành nhẫn ba la mật, các vị Bồ tát không hề rời bản tính chân như, nên không thấy có mình tu hành, không nhận thấy phải tu, không có đạo quả phải chứng, nên gọi là nhẫn ba la mật.
    4. Tinh tấn ba la mật, là không lười biếng, phát hiện tâm tính thanh tịnh, tiến mãi trên con đường Bồ đề, nên gọi là tinh tấn ba la mật.
    5. Thiền định ba la mật. Yên lặng và suy nghĩ gọi là thiền định. Các vị Bồ tát tu thiền định nhưng không rời bản tính chân như, nên không thấy có thiền định phải tu, không thấy có đạo quả phải chứng, nên gọi là thiền định ba la mật.
    6. Bát nhã ba la mật. Bát nhã thường dịch là trí tuệ. Do trí tuệ phát lộ này mà thấu triệt bản tính chân như. Trí tuệ là tâm sở để biết đâu chân đâu vọng, đâu thật đâu giả, gồm có văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Văn tuệ là nhờ nghe Pháp Phật mà hiểu biết bản tính thanh tịnh sáng suốt của mình. Tư tuệ là nương theo chánh pháp, tự mình suy xét mà giác ngộ được bản lai tự tính của mình, nên tránh mọi sai lầm của vọng tưởng phân biệt. Tu tuệ là khi trực nhận bản tính chân như, liền tu tập, gột rửa những mê lầm tích tụ từ nhiều kiếp, phát ra diệu dụng của chân như, nhập một với pháp giới tính.

Trí tuệ bát nhã của chư vị Bồ tát phá tan mọi kiến chấp, mê lầm, chấp ngã. Vận dụng bát nhã ba la mật hóa độ chúng sinh bằng bốn đức Từ, Bi, Hỷ, Xả. Từ là yêu mến chúng sinh, ban phát các điều vui cho chúng sinh. Bi là thương xót chúng sinh, cứu chúng sinh ra khỏi mọi khổ nạn. Hỷ là vui mừng gặp gỡ để cứu độ chúng sinh. Xả là nhận rõ các tướng sai khác của sự vật, nhưng biết bản tính không sai khác. Nên tuy làm nhiều Phật sự, nhiều công đức, nhưng vẩn không thấy có ai làm, làm cái gì và cho ai. Vì Bồ tát thấy rõ bản tính chân như, thoát ly mọi sự phân biệt, đối đãi.

Sáu phép ba la mật trên đây, bố thí, trì giới và nhẫn nhục thuộc về phần giới. Thiền định thuộc về phần định. Bát nhã thuộc phần tuệ. Tức Giới, Định, Tuệ.

Muốn tu Bồ tát thừa, trước hết phải phát Bồ đề tâm. Muốn phát Bồ đề tâm thì phải học hỏi Phật Pháp để biết bản lai tự tính. Khi chưa thấu đạt bản tính chân như, chưa thấy mình và chúng sinh vốn đồng thể, tâm Phật và chúng sinh vốn bình đẳng, thì chưa thể phát Bồ nđề tâm.

Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.

 

0 Comments

You can be the first one to leave a comment.

Leave a Comment