Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, lâu nay chúng ta thường nghe một câu than “Sắc sắc Không không” đầy giọng triết lý, khi thấy việc đời đổi thay không theo ý mình mong muốn ? Nào là việc đời thay đổi trắng đen, tình người bạc bẻo, phũ phàng. Có đó rồi không đó. Xin ông cho biết đây có phải là tư tưởng thâm huyền của đạo Phật hay không ?

Võ Văn Ái : Hai chữ Sắc – Không là thuật ngữ Phật giáo rất thâm huyền, uyên áo. Tuy nhiên lối nói mà anh Triều Thanh bảo là đầy giọng triết lý khi than rằng “Sắc sắc Không không – Có đó rồi không đó” là sự biến tướng giáo lý thâm huyền thành chủ nghĩa định mệnh, bó tay, yếm thế. Biểu trưng cho lối hiểu của người học Phật sơ cơ, nếu không nói là bình dân. Lấy điều cao thâm giải thích một chuyện bực mình hay bi quan làm sai lệch chủ trương của đạo Phật.

Nói rằng Sắc sắc Không không, có đó rồi không đó, tức công nhận hai phạm trù không (hữu và vô), làm trái nghĩa với giáo nghĩa Vô thường, Vô ngã, và Duyên khởi hay lý Duyên sinh của đạo Phật. Thực ra sắc và không là hai từ mang ý nghĩa khác nhau. Sắc đứng đầu trong năm nhóm hợp thể hay Ngũ Uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).

Uẩn thứ nhất gọi là sắc uẩn bao gồm tứ đại là đất, nước, lửa, gió, và những gì từ bốn đại này tạo ra như năm căn, là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, hay năm cảnh như hình dáng, âm thanh, mùi vị, sờ mó, ý thức. Nói tóm, tất cả thế giới vật thể, nội tâm hay ngoại giới, đều bao gồm trong sắc uẩn.

Trái lại chữ Không, tiếng Phạn là Śūnyatā, là đỉnh cao của tư tưởng Phật giáo thuộc hệ Bát nhã của Trung quán tông. Nhìn xem vạn vật hay con người trong thế giới hiện tượng, chúng ta thấy chúng đều hỗ tương tồn tại theo lý Duyên khởi nên bản thân chúng là không, trong nghĩa không có gì biệt lập mà có thể tồn tại. Không ở đây mang nghĩa vô tự tính, không có tự tính, gọi là Tính Không, xuất phát từ giáo lý Vô Ngã. Lúa tự nó không thể tồn tại biệt lập, mà còn phải nhờ các duyên chung hợp mà ra, như đất, nước, nắng và thời tiết thì mới hiện hữu như một cây lúa để cho ta gạo. Tính Không chính là sự khai triển lý Duyên khởi, tương duyên tương sinh, yếu tính của đạo Phật.

Triều Thanh : Như ông nói thì hai từ ngữ sắckhông là hai thuật ngữ Phật giáo biểu tỏ những ý nghĩa khác nhau. Sắc chỉ về hình trạng là một trong ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Vậy do đâu mà kết hợp thành câu ta thán “Sắc sắc, Không không” ?

Võ Văn Ái : Đây là sự hiểu lầm tai hại của nhiều người tưởng rằng sắc là hữu hình và không là vô hình, khi họ nhại lại câu kinh trong bản Tâm Kinh mà Phật tử thường tụng đọc hằng ngày. Bản kinh ngắn nhất thuộc hệ thống Bát nhã, nhưng sâu kết ý nghĩa trọng đại của pháp môn Trung quán. Trên dưới 300 chữ. Bản dịch sang tiếng Trung quốc vào thế kỷ thứ II Tây lịch gọi là Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh. Năm 1973, khi dịch từ bản chữ Phạn Prajñāpāramitā Hṛdaya sūtra sang tiếng Việt, tôi gọi là “Kinh Ruột Tuệ giác Siêu việt” với tiểu đề Biện chứng phá mê trừ khổ.

Triều Thanh nhớ hồi ngài Huyền Trang sang Ấn độ thỉnh kinh vào đầu thế kỷ thứ VII, một thân một mình băng qua sa mạc Gobi đầy hiểm nguy chết chóc, ngài đã không ngừng trì tụng Bát nhã tâm kinh này để kiên trì chí nguyện và thoát nạn.

Sắc sắc Không không mà người ta nhại lại để ta thán, đến từ hai câu đầu trong Bát nhã Tâm kinh chữ Tàu thường tụng đọc là :

“Quán-tự-tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách.

“Xá-lợi-tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị”.

Tôi dịch ra tiếng Việt như sau :

“Khi tiến sâu vào nguồn mạch của tuệ giác siêu việt, Kẻ Tỉnh thức Quán-khổ-trừ-nguy nhận chân ra năm hợp thể và thấy suốt tự tánh không của chúng.

“Nầy người con dòng Sari, hình thể là chân không, chân không là hình thể, chân không chẳng khác hình thể, hình thể chẳng khác chân không. Mọi chân không đều hình thể. Cảm xúc, nhận thức, tạo ứng hay ý thức đều như thế cả”.

Triều Thanh : Ông có thể khai triển thêm về Tính Không của Trung quán tông ?

Võ Văn Ái : Đây là đỉnh cao của tinh thần bất nhị, đánh bạt tất cả các tư trào triết học Đông Tây xây dựng trên Nhị nguyên luận.

Tính Không hay tinh thần bất nhị đã được gợi ý trong các thời thuyết pháp của Đức Phật. Sau này được các ngài Long Thọ, Nguyệt Xứng, Phật Hộ, Thanh Biện, Đề Bà hay Thánh Thiên, v.v… khai sáng thành Trung quán tông, cũng gọi là Trung quán luận hay Chính quán luận (tiếng Phạn là Mūlamadhyamaka-kārikā) vào thế kỷ thứ II, thứ III Tây lịch, tạo ra bước ngoặt lớn như cuộc cách mạng trong tư tưởng Phật giáo, đồng thời ảnh hưởng sâu xa đến tất cả các nền triết học và tôn giáo Ấn Độ trên mấy nghìn năm. Trung quán tông, cũng như đạo Phật từ khởi thủy, sử dụng phương pháp phân tích phê phán, chống mọi giáo điều kinh viện. Kinh Tu Bà trong Trung bộ kinh (Majjhima-nikāya), Đức Phật xác định “Ta là người phân tích, ta không là người rao giảng giáo điều”.

Toàn bộ Trung quán tông là sự giải thích lại lý Duyên Khởi. Đức Phật không bao giờ trả lời hoặc không với các câu hỏi. Vì đứng từ hai luận chấp có / không là rơi vào tà kiến, cực đoan, hý luận. Đây chính là giáo lý Trung đạo, không phải một quan điểm thứ ba ngoài hai quan điểm có / không, mà là quan điểm phi lập trường, loại bỏ hai cực đoan. Như sắc uẩn ta đề cập lúc nãy, do mê muội không thấu hiểu được sắc. Không thấu hiểu vì mê chấp vào sắc, từ đó nảy sinh vọng tưởng rằng sắc tồn tại.

Triều Thanh : Không theo quan điểm có, cũng không theo quan điểm không, có thể bị đánh giá là ba phải không, thưa ông ?

Võ Văn Ái : Không đâu. Tôi trích một đoạn kinh, qua đó đạo sĩ Vacchagotta đặt ra nhiều câu hỏi có, không, tự ngã. Nhưng đức Phật im lặng, không trả lời, khiến ông này bỏ đi. Thấy ông Ananda có chiều thắc mắc, đức Phật giải thích thái độ ngài như sau :

“Này Annanda, khi đạo sĩ Vacchagotta hỏi “có tự ngã hay không”. Nếu ta trả lời rằng có, vậy là ta theo số người chủ trương Thường kiến luận. Nhưng nếu ta trả lời “không có ngã” thì ta lại đi theo những người chủ trương Đoạn kiến luận. Này Ananda, khi đạo sĩ Vacchagotta hỏi “có tự ngã hay không” ? Nếu ta trả lời rằng có, thì lời giải đáp của ta có phù hợp với kiến giải cho rằng vạn pháp đều vô thường chăng ? Nếu ta trả lời rằng không, thì Vacchagotta đang bị hoang mang sẽ trở nên hoang mang hơn nữa. Ông ta sẽ nghĩ rằng : Trước đây tôi thực sự có một tự ngã, bây giờ chẳng còn có nữa !”.

Đạo sĩ Vacchagotta lại hỏi : Vậy Cồ Đàm có giáo lý gì riêng của mình không ? Đức Phật trả lời :

“Này Vacchagotta, Như Lai đã xa lìa mọi hý luận. Như Lai biết rõ bản chất của sắc, biết rõ sắc sinh như thế nào, diệt như thế nào…Do đó, Như Lai đã đạt đến giải thoát, xa lìa mọi nhiễm trước. Cho nên mọi ảo tưởng, mọi vọng tưởng hư ngụy về tự ngã hoặc những gì liên quan đến tự ngã đều tan biến, bị hủy diệt”.

Triều Thanh : Xin ông giải thích nghĩa của Thường kiến luận và Đoạn kiến luận ?

Võ Văn Ái : Thường kiến luận, Đoạn kiến luận cũng gọi là Thường kiến, Đoạn kiến là hai kiến chấp sai lầm dưới con mắt của đạo Phật, do không hiểu các pháp đểu không. Thường kiến (Nityadṛṣṭi) là kiến chấp chủ trương thế giới thường còn, bất biến, cái ta của con người vẫn tồn tại sau khi chết.

Đoạn kiến (Ucchedadṛṣṭi) là kiến chấp thế gian và cái ngã cuối cùng đều đoạn diệt. Chủ trương linh hồn bất diệt thuộc về thường kiến. Hư vô chủ nghĩa chủ trương đoạn kiến.

Trở lại với Tính không của Trung quán tông, tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung quán tông xem việc phê phán và đả phá các kiến giải, tà kiến là cách để kiến tạo Trí tuệ siêu việt, chứ không là đối chất, tranh cãi. Nó là một biện chứng pháp vạch trần và phê phán mọi luận điểm của mọi nền triết học, vì nó vượt ngoài mọi kiến giải, khái niệm, và ngôn ngữ. Trung quán tông hay Tính Không mang tính siêu nghiệm và duyệt lại tất cả sự vật để phát lộ cái Thực hữu. Vì cuộc sống trong thế giới hiện tượng chỉ là sự biến thiên của vọng tưởng phân biệt (Vikalpa).

Đạo Phật phê phán các học thuyết khác thông qua biện chứng pháp của Trung quán tông không cốt đưa ra một học thuyết khác. Tính Không của các kiến giải không phải là một kiến giải khác, mà là mở ra Trí tuệ siêu việt.

Triều Thanh : Sự phê phán như ông vừa nói đưa ta về đâu ? Trong khi triết học, khoa học, văn hóa đang mang lại cho ta một đời sống hoan lạc trong tinh thần.

Võ Văn Ái : Hoan lạc nhưng có giải thoát không ? Đặc điểm của các hệ thống triết học Tây phương mang tính tư biện, một trò chơi thuần túy của trí tưởng tượng, không dẫn đến đời sống tâm linh. Triết học biểu trưng cho cái Thiện tối cao, các bộ môn khoa học, văn học nghệ thuật chỉ đáp ứng được nhu cầu vật chất và văn hóa của con người. Nhưng chúng không có khả năng đưa ta đến sự thành tựu tối cao của giác ngộ, và loại trừ sự thống khổ trong đời người như đức Phật đã đề ra phương pháp diệt khổ qua Bốn chân lý Tứ Diệu đế, hay Trung quán tông giúp ta phá bỏ mọi tà kiến, ảo vọng, hí luận để đạt tới giải thoát giác ngộ bằng Trí tuệ Bát nhã.

Ta thống khổ, tinh thần hay vật chất, là vì ý chí ta bị bức bách, ngăn trở làm cho chúng ta bất như ý, không đạt được các ước vọng, tham cầu. Mọi phương tiện của thế tục không giúp ta thoát khổ. Muốn thóat khổ thì phải diệt trừ phiền não. Nên ta phải cầu cứu tới triết học, tư tưởng để giải vây ta ra khỏi vô minh, tức những mê chấp, tham đắm. Đáp án quan trọng nhất chính là biện chứng phá mê trừ khổ của Trung quán tông. Ngài Tịch Thiên, tức Santi Deva, nói rằng : “Để thoát khổ và được hỷ lạc, thì phải chuyên chú tinh thần vào giác ngộ với tín tâm mạnh mẽ”. Tín tâm nói đây là phát Bồ đề tâm chứng cầu Phật quả.

Giải thoát giác ngộ không phải là sự tích lũy công đức, hay tích tập năng lượng, mà là một tiến trình phủ định, quét sạch mọi phiền-não-chướng đang che mờ thực tướng. Giải thoát là sự chấm dứt của nghiệp và phiền não. Do vọng tưởng phân biệt mà sinh ra tham, sân, si. Khi ta nắm bắt được bản tính rỗng không, phi thực của vọng tưởng, thì chúng sẽ bị tiêu diệt. Thống khổ hay phiền não sẽ không còn đeo ta như bóng với hình.

Bản tính rỗng không chính là Tính không, là thần dược giải độc mọi phiền não. Khi thực tướng không bị xem như hữu (ens) hay phi hữu (non-ens) theo nhị nguyên luận, thì vọng tưởng chấm dứt. Nghiệp và phiền não bị diệt, giải thoát tất hiện ra.

Nhìn vào giới trí thức nước ta, thấy rõ đa số họ bám víu vào các ý thức hệ khác nhau rồi tin rằng đó là giải pháp cưu nguy cho bản thân hay cho dân tộc. Hẳn nhiên các ý thức hệ ấy mang đủ cái đẹp, cái thiện hảo của nó với người mê đắm tin vào nó. Nhưng không hẳn ai khác cũng mê đắm như thế. Ý thức hệ của người này không là ý thức hệ của người kia. Rồi khi đem ra thử nghiệm các ý thức hệ ấy, thì hậu quả mang lại là đưa dân tộc Việt Nam đi về đâu suốt 70 năm qua ? Câu trả lời, là máu, lệ, người chết lên hàng triệu, đất nước điêu linh, quê hương bị tàn phá.

Cho nên đề cập tới câu ta thán sắc sắc không không, bỗng dưng không còn là chuyện triết học xa vời, chuyện trời biển cao xa. Mà chính là đi vào trọng tâm sinh tử của đời sống tâm linh 90 triệu người và một dân tộc có văn hiến và cống hiến cho nền văn minh nhân loại.

Nếu ta nhớ lại một đêm vào đầu năm 20 thế kỷ trước, ông Hồ Chí Minh lúc ấy còn tên Nguyễn Ái Quốc, đã khóc ròng khi đọc được luận cương của Lénine chủ trương giải phóng dân tộc châu Á. Ông Hồ xem như bửu bối, đem ra áp dụng làm cuộc xích hóa Việt Nam đưa tới thảm trạng ngày nay. Đây là lựa chọn con đường ý thức hệ tư biện, một nhánh triết học Tây phương mà người trí thức họ Nguyễn tưởng như giải pháp tối hậu để giải phóng cá nhân anh và dân tộc anh. Ai bảo là không đẹp, không lý tưởng ? Nhưng ý thức hệ ấy cũng chỉ là vọng tưởng biến chấp (hay biến kế sở chấp, Vikalpa), mê đắm và tham cầu. Phải chi trong hành trang kiến thức, ông Hồ được học Phật, thấm nhuần Trung quán tông, thì ông đã sớm thấy vọng tưởng ngờ nghệch của trào lưu Mác xít Cộng sản, và đã không mang tội đẩy dân ta vào vòng nô lệ thảm sầu với nỗi khổ đau trầm thống.

Người cộng sản tôn vinh Đạo đức Hồ Chí Minh là diễn tả đúng vai trò của người mù sờ voi. Trong đạo đức của thế gian vẫn còn sự mâu thuẫn hay xung đột giữa cái thiện của người này với cái thiện của người khác. Cái thiện giải phóng dân tộc của ông Hồ Cộng sản khác với cái thiện của nhiều tầng lớp nhân dân hay quần chúng tôn giáo.

Giải quyết sư xung đột này cần quán chiếu Tính Không, mà cũng là biện chứng pháp của Trung quán tông để loại trừ căn rễ của nó là tính đối lập nhị nguyên trong nền triết học phương Tây.

Trung quán tông là lộ đồ cẩm nang giúp ta tránh thoát những vọng chấp, hí luận thế gian, đưa tới Đạo hạnh tâm linh như đỉnh cao của mọi giá trị. Đạo đức vẫn còn là phạm trù trầm luân như đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng Đạo hạnh tâm linh thì không.

Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.

 

0 Comments

You can be the first one to leave a comment.

Leave a Comment