Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, xin ông cho biết các giới cấm dành cho người Phật tử tại gia, có phải đó gọi là Ngũ giới hay Năm giới cấm không ?
Võ Văn Ái : Giới là nền tảng thực tiễn của đạo Phật, xếp chung với Định và Tuệ gọi là Tam học — Giới Định Tuệ. Những ai đã phát nguyện quy y Tam bảo, tức không quy y thiên, thần, quỷ vật, ngoại đạo tà giáo và tổn hữu ác đảng, đều trở thành tín đồ Phật giáo.
Sau khi quy y Tam bảo, có thêm lễ thọ giới. Đối với giới Phật tử tại gia, nam hay nữ, gồm có năm giới cấm. Tuy nhiên năm giới cấm căn bản này cũng dành cho Tứ chúng, tức Tăng, Ni, Nam và Nữ Phật tử. Chứ không riêng cho giới tại gia mà thôi. Số giới cấm cho Tăng, Ni lớn hơn nhiều. Giới Cụ túc dành cho các vị xuất gia, như Tỳ kheo là 250 giới, Tỳ kheo ni là 341 giới. Chữ Cụ túc mang nghĩa những vị gần gũi bên chân đức Phật, tức giới của người xuất gia.
Triều Thanh : Như vậy thì tất cả Phật tử tại gia phải tuân thủ Năm giới cấm ? Xin ông cho biết 5 giới cấm này gồm những gì ?
Võ Văn Ái : Năm giới cấm là bất sát, bất đạo, bất tà dâm, bất vọng ngữ, và bất ẩm tửu. Nghĩa là, không sát sinh, không trộm cướp, không gian dâm, không nói dối, và không uống rượu. Thời đức Phật tại thế, rượu là chất độc làm hao tổn tinh thần. Ngày nay ngoài rượu còn có những độc chất khác hủy hoại tinh thần như thuốc phiện, xì ke, ma túy, v.v…
Bốn giới cấm đầu (sát, đạo, dâm, vọng) thuộc về tánh giới, vì bản chất của sát sinh, trộm cướp, gian dâm và nói dối là các điều ác, người Phật tử phải tuyệt đối không được làm. Còn giới thứ năm cấm uống rượu thuộc về giá giới, vì bản tính uống rượu không là ác. Nó chỉ tạo điều kiện cho người ta gây ra tội ác. Uống rượu, thuốc phiện, xì ke khiến người say sưa, làm hại trí thông minh và sự tu trì. Ngày nay uống rượu để chữa bệnh hay chia vui cùng bằng hữu trong các lễ lượt mà không đưa tới sự say sưa, cuồng loạn, thì vẫn có thể sử dụng không như tánh giới của 4 giới cấm đầu.
Tuy nhiên, tùy theo khả năng của người thọ giới mà phát nguyện giữ toàn thể cả năm giới cấm, hoặc một, hai giới… Thọ giới mà không giữ được thì cũng như không thọ, làm mất lợi ích của việc thọ giới. Người giữ được một giới thì gọi Nhất phần ưu bà tắc (hay ưu bà di) ; giữ được hai giới thì gọi là Nhị phần ưu bà tắc (hay ưu bà di). Còn giữ cả năm giới cấm thì gọi là Toàn phần ưu bà tắc (hay ưu bà di). Hai chữ Ưu bà tắc và Ưu bà di là Hán dịch từ chữ Phạn Upāsaka / Upāsika chỉ cho hai giới nam nữ Phật tử, cũng gọi là Cận sự nam, Cận sự nữ.
Triều Thanh : Như vậy thì Năm giới cấm dành cho toàn thể tín đồ Phật giáo, bất kể quốc gia nào, phải vậy không thưa ông ?
Võ Văn Ái : Đúng vậy, bởi vì năm giới cấm cho hàng tại gia do đức Phật chế định. Từ tiểu thừa đến đại thừa, và bất kể ở quốc gia nào. Hễ là Phật tử thì phải thọ năm giới cấm nếu muốn bỏ ác theo lành, chuyển mình vào con đường thiện hầu tiến tới giác ngộ. Tuy nhiên có một điều ít ai quan tâm, là dù nội dung năm giới không thay đổi, nhưng văn thể diễn đạt năm giới cấm của Phật giáo Việt Nam mà ta biết được từ thế kỷ thứ II, III Tây lịch có sự khác biệt về tinh thần tích cực của người Phật tử Việt Nam thời xa xưa đó.
Triều Thanh : Xin ông giải thích rõ hơn về sự khác biệt ấy trong văn thể diễn đạt năm giới cấm của Phật giáo Việt Nam ?
Võ Văn Ái : Như ta biết bản kinh Việt đầu tiên xuất hiện tại nước ta vào thế kỷ thứ 2 thứ 3 Tây lịch của Ngài Khương Tăng Hội là Lục độ Tập kinh, ở truyện 91 nói về Ngũ giới.
Từ buổi bình minh của lịch sử, người Phật tử Việt Nam lấy giáo lý đạo Phật để xây dựng đất nước và văn hóa. Cho nên chủ trương chính trị của người Phật tử thấm nhuần lòng từ bi cứu độ sinh dân. Ở truyện 91 trong Lục độ Tập kinh tuyên dương : “Lấy năm giáo làm trị chính, không hại dân”. Đem Năm giáo, tức Ngũ giới, áp dụng vào luật tắc đất nước, hiển nhiên xã hội sẽ trở nên khoan hòa, an lạc. Khi không còn giết hại nhau, trộm cắp của nhau, lừa dối nhau, thì xã hội lý tưởng xuất hiện. Năm giới ấy được biểu đạt như sau vào thế kỷ thứ II, III Tây lịch :
Giới thứ nhất, nhân từ không giết người, ơn tới quần sinh
Giới thứ hai, thanh nhường không trộm, quên mình cứu người
Giới thứ ba, tinh khiết không dâm, không phạm các dục
Giới thứ tư, thành tín không dối, lời không hoa sức ; và
Giới thứ năm, giữ hiếu không say, nết không dơ dáy
Văn thể biểu đạt vừa thể hiện giới cấm, vừa đưa ra giải pháp thực hiện trong tiến trình đạo đức hóa tâm lý con người.
Giới cấm thứ nhất, không sát sinh vì lòng đã thuần hậu nhân từ, mà lý tưởng mang trong tâm can là không hại dân, tức thấu rõ lý tương duyên, tương sinh và vô ngã.
Giới cấm thứ hai, không trộm cướp vì thanh nhường, mà cũng vì lý tưởng quên mình cứu người, tức cứu độ quần sinh.
Giới cấm thứ ba, không dâm vì thân tâm mình đã tinh khiết, để giữ sự tinh khiết tất nhiên không phạm các dục là tiền đề cho sự mất tinh khiết.
Giới cấm thứ tư, không nói dối, vì sự sống ôn hòa, đạo đức đặt căn bản trên thành tín, cho nên không nói hai lưỡi, không điêu ngoa như những kẻ vị kỷ hại người. Và
Giới cấm thứ năm, giữ hiếu không say. Đây là tính đặc thù của các xã hội phương Đông lấy chữ hiếu làm đầu, vốn là nền tảng của gia đình. Vì hiếu với cha mẹ, nên giữ tâm không bấn loạn, sợ làm phiền lòng cha mẹ, gia đình. Nết tốt ấy không còn bị lũng đoạn, dơ dáy.
Xem như vậy thì cách giữ giới của người Phật tử Việt Nam từ những thế kỷ đầu lịch sử thấm nhuần giáo lý từ bi, trí tuệ, và vô ngã. Con người liên đới trong tương duyên tương sinh với gia đình, cha mẹ, đồng bào, dân tộc, làm nên một quốc gia không hại dân mà còn bảo vệ dân. Không là một quốc gia sống chết mặc bay như hiện nay dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa.
Do dân là nước nên người Phật tử không lãng quên việc cứu nước và giữ nước. Toát ra từ Năm giới cấm như thế mà cuộc kháng chiến vệ quốc đầu tiên của dân tộc do hai Bà Trưng lãnh đạo, người Phật tử đã oanh liệt tham gia chống xâm lược, trải dài qua các triều đại Đinh, Lê. Lý, Trần, Lê.
Triều Thanh : Nói như vậy có nghĩa là người Phật tử ngày nay không thuần thành giữ giới như ngày xưa. Phải thế không ?
Võ Văn Ái : Tôi không dám kết luận như vậy. Tôi chỉ muốn đưa ra ý nghĩa của Năm giới cấm trong truyền thống Phật giáo Việt Nam. Duy có hai điều mà ta có thể rút ra từ thực tại. Thứ nhất, từ cái khổ vì vật chất, vì bị mất nước hay có nguy cơ mất nước, cho tới khổ vì vô minh, thì người Phật tử ở các thế kỷ xưa sử dụng Năm giới cấm một cách tích cực trong việc trị chính, cứu dân để hoàn mãn giác ngộ. Suốt mười thế kỷ đầu Bắc thuộc đã có hàng trăm cuộc kháng chiến vệ quốc làm cho nước không mất, dân không khổ, đưa tới sự dựng lập quốc gia Việt Nam thời Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh rồi huy hoàng ở thời Lý.
Nhưng ngày nay, tuy thời đại có khác, song nỗi khổ và vô minh thì chẳng khác. Thế nhưng Năm giới cấm trong truyền thống Phật giáo Việt Nam đã mất hiển linh trong việc cứu người và cứu nước. Chúng ta đang chứng kiến sự suy trầm của Phật giáo Việt Nam mà người ta thường gọi là thời mạt pháp. Đối với tôi, mạt pháp không là một thời kỳ, mà là sự ảnh chiếu tâm địa của giới Tăng lữ lên thời đại và thế nhân.
Triều Thanh : Theo ông, cái gì làm ra sự khác biệt trong việc giữ Năm giới cấm thời xưa so với thời nay ?
Võ Văn Ái : Cần hiểu giới là một trong Lục độ Ba la mật, tức sáu phép đưa ta từ bờ sống chết này sang bờ giải thoát bên kia, gồm có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ.
Thiển kiến tôi, giáo lý vô ngã không còn được nằm lòng và thể hiện qua Tứ chúng ở thế kỷ XXI này. Đi đâu, ở đâu, chúng ta cũng vấp phải những đại ngã kếch sù làm đầu mối cho bao nhiêu tranh chấp, giành giật, phân hóa, thù hận. Một nhà báo Mỹ đến Việt Nam nhận xét nền văn hóa hoành hành tại Việt Nam ngày nay là nền văn hóa vị kỷ (Me culture). Chiếc xe con của tôi, job của tôi, nhà của tôi, chùa của tôi, thầy của tôi… Cái gì cũng tôi trong dòng giáo lý vô ngã. Đâu phải ở Việt Nam thôi, hải ngoại cũng vậy. Người ta không còn tha thiết với kẻ khác, tha nhân, đồng bào, đất nước, con người. Mặc dù các đại ngã này vẫn ngày đêm bô bô thuyết giáo về vô ngã, vô thường, từ bi, trí tuệ.
Thiển kiến tôi, có ba nguyên nhân gây ra sự khác biệt xưa với nay. Một là không giữ Năm giới cấm. Hai là giữ Năm giới cấm khi phát nguyện và chỉ lúc phát nguyện mà thôi. Ba là, giữ Năm giới cấm một cách tiêu cực, nhưng không tích cực.
Triều Thanh : Thế nào là giữ Năm giới cấm một cách tích cực ? Và thế nào là tiêu cực ?
Võ Văn Ái : Giữ Năm giới cấm tiêu cực là chỉ trì giới cho riêng bản thân mình, không giữ cho kẻ khác, mặc dù nhờ học Phật nên biết rõ mối liên đới tương duyên tương sinh với mọi người, mọi loài khi phát ngôn “tự giác nhi giác tha giác hạnh viên mãn”, nghĩa là tu trì để giác ngộ cho bản thân mình cùng lúc với việc giác ngộ cho người khác. Yếu nghĩa của Đại thừa giáo.
Tiêu cực vì chỉ thấy có ta, không có người. Ta không sát sinh, ta không trộm cướp, ta không gian dâm, ta không nói láo, ta không say sưa, ma túy. Thế là đủ.
Nhưng sau 40 năm sống dưới chế độ độc tài toàn trị Cộng sản, có thể nào người Phật tử Việt Nam không đánh lên câu hỏi :
Ta không sát sinh, nhưng một ý thức hệ sát sinh, một chế độ sát sinh uy hiếp dân lành thường trực thì sao đây ?
Ta không trộm cướp, nhưng một chế độ, một Nhà nước trộm cắp, cưỡng chiếm đất đai nông dân, ăn cướp tài sản nhân dân, thì sao đây ?
Ta không gian dâm, nhưng một chế độ, một nhà nước công khai tổ chức đường dây bán dâm quốc tế, từ trẻ em tới phụ nữ, thì sao đây ?
Ta không vọng ngữ, nói láo, nhưng một chế độ, một nhà nước nói dối thông qua 700 tờ báo, với hàng nghìn đài phát thanh, truyền hình, thì sao đây ?
Ta không say sưa, ma túy, nhưng một chế độ, một nhà nước đẩy thanh thiếu niên vào cảnh sống ma túy, xì ke thì sao đây ?
Năm câu hỏi đánh lên về một thực trạng có thật, và còn tiếp diễn dài lâu thì người Phật tử Việt Nam phải làm gì ? Không những phải giữ giới cho riêng bản thân mình, mà còn phải tích cực giữ giới cho tha nhân, kẻ khác, đồng bào, loài người. Bằng cách nào ? – Bằng hành động tiến tới sự chấm dứt giết người, hãm hại người ; chấm dứt nhà nước trộm cắp đất đai, tài sản ; chấm dứt những đường dây quốc tế bán dâm phụ nữ và trẻ em ; chấm dứt ý thức hệ dối gạt, lừa đảo ; tạo dựng một xã hội lành mạnh, đạo dức, không xì ke, ma túy.
Như thế mới là tích cực và hoàn hảo giữ Năm giới cấm của người Phật tử.
Triều Thanh : Ý ông là người Phật tử Việt Nam phải dấn thân làm chính trị, phải vậy không ?
Võ Văn Ái : Nghĩ như thế là sai. Trước hết, chính trị là một bộ môn sinh hoạt để quản lý và cải tiến xã hội. Cũng như các bộ môn kinh tế, văn hóa, giáo dục, v.v… Có gì xấu mà phải sợ hay chê bai việc làm chính trị ?
Tuy nhiên, tôi không đặt vấn đề giữ Năm giới cấm là một động thủ chính trị. Theo tôi giữ Năm giới cấm, hay Ngũ giới, là người Phật tử Việt Nam đứng trên cương vị giáo lý đạo Phật để phục vụ cho dân tộc và tín ngưỡng của dân tộc.
Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.
0 Comments
You can be the first one to leave a comment.