PARIS, 21.12.2015, (UBBVQLNVN) — Liền sau khi Hiệp ước Đối tác và Hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, chính trị được ký kết giữa Liên Âu – Việt Nam hôm 17 tháng 12 vừa qua, Quốc hội Châu Âu liền công bố Nghị Quyết thúc giục Liên Âu khẩn cấp “cư xử phù hợp với sự trông chờ đã được hứa hẹn trong việc thực hiện thăng tiến tôn trọng nhân quyền, pháp quyền và quản lý tối hảo” tại Việt Nam.
Tuy Nghị Quyết chào đón sự tăng cường mối liên hệ Liên Âu – Việt Nam (Liên Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Liên Âu và các thành viên quốc gia là các nhà tài trợ hàng đầu cho sự Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) cho Việt Nam), nhưng các đại biểu Quốc hội Châu Âu kêu gọi Liên Âu hãy đảm lãnh vai trò trọng yếu theo dõi các vi phạm nhân quyền và bảo đảm “sự giám sát dân chủ thích đáng” để thực hiện Hiệp ước. Uỷ hội Châu Âu cần “báo cáo tức khắc và đầy đủ” cho các đại biểu Quốc hội Châu Âu biết mọi phát triển để các đại biểu lượng giá xem công cuộc đối tác Liên Âu – Việt Nam có hữu hiệu chăng trong việc thăng tiến dân chủ, tự do, và nhân quyền tại Việt Nam.
Các vị đại biểu Quốc hội Châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước Đối tác và Hợp tác, vì sắp tới đây sẽ ký kết Hiệp ước Tự do Mậu dịch (FTA) Liên Âu – Việt Nam, vốn chứa đựng nhiều sự thắt chặt pháp lý trên lĩnh vực nhân quyền trong Hiệp ước Đối tác và Hợp tác, cho phép Liên Âu quyền sử dụng những “biện pháp thích hợp” khi có những vi phạm.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, phát biểu rằng : “45 điểm khuyến nghị trong Nghị Quyết của Quốc hội Châu Âu cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các vị Đại biểu Quốc hội cho một loạt lạm quyền trên lĩnh vực kinh tế và chính trị. Tự do ngôn luận trực tuyến hay ngoài luồng, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do công đoàn, buôn bán người, lạm quyền đối với phụ nữ và trẻ em, cưỡng chiếm đất đai, thiếu nền tư pháp độc lập và xét xử bất minh, là những điều Nghị Quyết nêu bật. Liên Âu phải tức thì quan tâm đến các khuyến nghị quan trọng này, và bảo đảm Hiệp ước Mậu dịch dẫn tới sự cải tiến nhân quyền tại Việt Nam”.
Nghị Quyết của Quốc hội Châu Âu phản ảnh những điều mà Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) quan tâm nêu rõ qua các bản Phúc trình chung gửi tới Quốc hội Châu Âu. Ví dụ như, tác động tiêu cực của chính sách Đổi mới (mở cửa kinh tế dưới bàn tay kiểm soát độc đoán) đã đưa tới sự ngăn cách giàu nghèo báo động, đưa tới những sự phản chống cưỡng đoạt đất đai nông dân, và sự lạm quyền phổ biến quyền người lao động. Sự kỳ thị phụ nữ và trẻ em tiếp diễn với cơ chế Hộ khẩu “làm ích tắc đời sống gia đình, đặc biệt trẻ em, vì thiếu hộ khẩu nên không được đến trường hay hưởng các dịch vụ xã hội”, bán dâm phụ nữ và trẻ em cho việc khai thác tình dục hay khai thác lao động.
Các Đại biểu Quốc hội Châu Âu tố cáo những vi phạm quyền tự do tư tưởng và ngôn luận, áp lực Việt Nam trả tự do cho tất cả “tù nhân vì lương thức, kể cả các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, nhà báo, bloggers, cũng như các nhà hoạt động chống cưỡng chiếm đất đai, công nhân và các nhà hoạt động môi sinh”, và phải cải cách hệ thống pháp lý về tội phạm, huỷ bỏ hay xét lại Luật Hình sự kết án những hoạt động ôn hoà lấy cớ vì “an ninh quốc gia”, và thiết lập hệ thống pháp lý độc lập về tội phạm.
Trong bối cảnh bầu cử năm 2016 tại Việt Nam, Nghị Quyết kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép mọi công dân có quyền tham dự “bằng cách cho phép lập các đảng đối lập, các xã hội dân sự và tổ chức Phi chính phủ”.
Nghị Quyết của Quốc hội Châu Âu quan tâm đặc biệt đến các vi phạm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, như đã được Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc biệt LHQ phúc trình sau chuyến đi điều tra Việt Nam tháng 7 năm 2014.
Đoạn 24 của Nghị Quyết kêu gọi chấm dứt mọi sự kỳ thị và đàn áp “kể cả sách nhiễu, theo dõi, hăm doạ, bắt bớ, quản thúc, hành hung, và cấm đoán quyền tự do đi lại” đối với những tôn giáo ít người, “đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như Người Thượng Tin Lành và Khmer Krom Phật giáo”.
Nghị Quyết kêu gọi Việt Nam xét lại việc đăng ký tôn giáo, và, kết luận bằng lời tái kêu gọi về “số phận bi thảm của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, nhà bất đồng chính kiến 87 tuổi, hiện bị quản chế tại một ngôi chùa sau hơn 30 năm không xét xử, Nghị Quyết kêu gọi trả tự do cho Ngài”. Đức Tăng Thống là tên tuổi duy nhất được nhắc đến trong 45 điểm Nghị Quyết của Quốc hội Châu Âu.
Tháng 11 vừa qua, 90 nhân vật quốc tế và các xã hội dân sự ký tên trong một bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama, yêu cầu Tổng Thống áp lực Việt Nam trả tự do cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ.
1 Comment
A Di Đà Phật!
Thật là một tin vui. Xin thành tâm cảm tạ tất cả chư liệt vị đã góp công và sức trong những công cuộc tốt đẹp này.