PARIS, ngày 17.10.2014 (PTTPGQT) – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin hân hạnh giới thiệu Bạn đọc Lá Thư Trong Tuần – Tuần thứ Bốn, trình bày về diễn tiến việc tạo mãi Ngôi Chùa Phật Quang, làm cơ sở sinh hoạt cho Văn Phòng II Viện Hoá Đạo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ. Giáo hội đã đặt cọc mua với số tiền 220 nghìn Mỹ kim. Chùa nằm trên đại lộ Beach, cách Bolsa năm phút lái xe. Từ đây đến 6 tuần lễ, Giáo hội phải chồng thêm Một Triệu Mỹ kim để kết thúc việc tạo mãi và có nơi sinh hoạt ngay. Đồng thời loan báo sơ khởi tiền đóng góp tại Đại hội Thường niên ở thành phố Arlington, Texas cuối tuần vừa qua. Xin mời Bạn đọc vào Trang Thư thứ Bốn :
Lá Thư Trong Tuần – Tuần 4 :
TẤT CẢ BẮT ĐẦU TỪ LÒNG THÀNH
Đúng ra thư nầy phải gởi đi vào tuần rồi. Tuy muộn nhưng là một tuần lễ nhiều phấn đấu, đầy hoan hỷ. Đại Hội Thường Niên 2014 của Giáo Hội diễn ra trong không khí hoà ái và đầy trách nhiệm của toàn thể đại biểu từ xa về phó hội. Ban tổ chức địa phương, Chùa Từ Bi Arlington Texas, đã chu toàn trọng trách một cách đáng tán thán. Các tổ chức cộng đồng người Việt trong vùng cũng đến tham dự và cất lên lời kêu gọi thiết tha cho việc kiến tạo ngôi chùa chung của Giáo Hội. Quý đại biểu đóng góp nhiệt tình cả tim óc và tiền bạc. Nếu phải nói ngắn gọn về đại hội năm nay thì có nói là đó là sự quy tụ của những tấm lòng chân thành.
TINH THẦN XÂY DỰNG
Thế giới của chúng ta vốn bất toàn. Phê phán thì dễ. Phê phán mang tính xây dựng thì chuyện không đơn giản. Thói quen chỉ trích thiếu trách nhiệm có thể thay đổi bằng tinh thần xây dựng. Hiện tình Phật giáo Việt Nam rất cần những đóng góp mang tính xây dựng hơn là đập đổ. Có một lần về Utah chúng tôi có nghe một Phật tử phê bình đài Phát Thanh Phật giáo của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế. Vị đó nói với thái độ chỉ trích là Đài Phát Thanh và Queme.net không đăng tải những sinh hoạt Phật sự đó đây của các ngôi chùa mà chỉ đăng những tin tức tranh đấu. Hôm sau chúng tôi bay về San Jose lại nghe một Phật tử khác nói rằng tội nghiệp GS Ái và chị Ỷ Lan bôn ba để duy trì đài phát thanh. Hai vị đó là cư sĩ không có cơ sở chùa chiền lại kiên trì gìn giữ tiếng nói của Giáo Hội cho sự vận động cho dân chủ, nhân quyền gần hai mươi năm qua không phải là chuyện dễ. Lắng nghe những ý kiến chúng tôi hiểu được thiện chí của cả hai vị. Đôi khi đòi hỏi, trách móc cũng là sự trân trọng. Nhưng phải nói rằng với sự chân thành chúng ta dễ dàng nhận ra giá trị của những đóng góp và góp ý với thái độ xây dựng.
NỖI ĐAU CỦA SỰ CHẤP NHẬN
Chính sự chân thành cho chúng ta những nghị lực và nhẫn nại đáng quý. Giữa những khó khăn, phiền luỵ người ta thường trách móc nhau. Thậm chí có thể dùng đến ngôn ngữ nặng nề nhất. Nhưng nếu chúng ta thật sự thương đạo, thương Giáo Hội thì cần thái độ tự chế. Kinh Jataka thuộc Tiểu Bộ Kinh kể câu chuyện một phụ nữ đi đường bồng con dừng lại tại một giếng nước ven làng. Trong lúc đang lấy nước thì một người đàn bà khác chụp lấy đứa bé và bảo rằng đây là con của mình. Người đàn bà có dã tâm cướp đoạt hài nhi rất xuất sắc trong việc đóng vai một bà mẹ thật đến đỗi người trong làng không phân được ai chính là mẹ của đứa bé. Cuối cùng người ta đưa cả hai người phụ nữ và đứa bé đến gặp một vị niên trưởng trong làng vốn được biết là một bậc thiện trí. Sau khi lắng nghe hai bên vị nầy đưa một đề nghị là để có thể tìm ra chân tướng thì phải xem ai dám liều mình giành giựt cho được đứa con. Sau cuộc tranh sức diễn ra thì vị niên trưởng phán quyết chính người thua cuộc là mẹ thật của đứa bé vì không nở làm con đau thậm chí mất mạng. Cái đẹp của câu chuyện đó là trong cuộc sống nầy không phải chỉ có hơn thua mà còn có tấm lòng thật sự. Chính ý thức đó cho chúng ta nghị lực vượt lên trên những tự ái cá nhân để gìn giữ cái thiêng liêng nhất, cái quan trọng nhất cần bảo dưỡng.
XIN ĐỪNG CÔ PHỤ NHỮNG TẤM LÒNG THÀNH
Loài người thường sống với nghịch lý. Thường bận tâm những người mình ghét và hờ hững với người thật sự tốt với mình. Một thi sĩ viết câu nầy : Ngó lên còn Phật mĩm cười, nhìn trong bốn biển bao người anh em. Một câu hỏi chúng tôi thường nhận được từ nhiều người là liệu có chạy đủ số tiền mua chùa khi thời hạn tới ? Chúng tôi hoàn toàn hiểu và trân trọng những lo lắng đó. Phải chi tất cả những vị nầy có mặt trong đại hội thường niên thì sẽ bớt lo vì thấy được sự quyết tâm của Phật tử trong việc tạo lập ngôi chùa chung. Đó là một Phật tử cao niên đến từ vùng đất lạnh Calgary, Canada mang theo một tấm chi phiếu cúng dường với cử chỉ nắm tay thật chặt bảo rằng thấy giáo hội tạo ngôi chùa chung mừng quá. Đó là Phật tử bảo rằng ai tu cũng có hạnh riêng và hạnh của tôi là hạnh đi xin tiền, xin tiền cho Giáo Hội. Đó là một vị trưởng lão gởi tiền về cúng dường mà còn nhắn nếu giờ chót “kẹt quá” thì phải cho hay để gởi thêm. Đó là một huynh trưởng mắt rưng ngấn lệ nói rằng nếu Đức Tăng Thống có mặt ở đây Ngài sẽ vui lắm. Đó là những bàn tay đưa lên và tiếp tục đưa lên để góp phần xây chùa dùng thì giờ đã trễ và bụng thì rất đói. Chúng ta không nên quá bận lòng với những người chống đối, bất đồng. Chính những tấm lòng cao đẹp cho chúng ta ý nghĩa nhiệm mầu của cuộc sống và sức mạnh để đi tới.
CON SỐ CỦA TUẦN NẦY
Nhiều vị đọc thư hằng tuần điện thoại về nôn nóng muốn biết sự vận động tới đâu rồi. Tuần nầy xin có hai con số. Chỉ riêng trong đại hội thường niên số tiền cúng dường và cho mượn là 143,500.00 US. Một con số rất đáng hoan hỷ. Tính đến nay tổng cộng đã có 470 ngàn. Phải, chúng ta còn đoạn đường dài để đi. Cuối tuần nầy bắc và nam Cali tổ chức gây quỹ.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những tấm lòng chân thành vì đạo, vì đời sớm có được trọn niềm hoan hỷ khi thấy rằng ngôi chùa chung được thành tựu và là kết tinh của nhiều bày tay của Phật tử bốn phương.
Anaheim 16/10/2014
Tỳ kheo Thích Giác Đẳng
1 Comment
Chỉ trong vòng hơn 3 tuần mà chúng ta đã vận đông trên 450.000 USD. Còn đến 6 tuần nữa chúng ta có quyền hy vọng moi Phật sự sẽ thập phần viên mãn.