Kính thưa anh Minh Huy,

Tôi nghĩ trong tình huống hiện nay, không bên nào là hoàn toàn không có lỗi, không ít thì nhiều. Nhưng quan niệm là những người không đồng ý với mình là viết mướn hay đi theo một quỹ đạo để “cướp cạn ăn theo” thì quả là anh không thông cảm được với tâm trạng bất bình của nhiều Phật tử. Vì nhiều điều anh viết có tính cách sai lạc mà tôi phải lên tiếng, mong anh tha thứ. Hình như anh cũng là giáo sư đang hành nghề ở Dallas ? Vậy chắc anh cũng hiểu khi tôi thưa với anh là nếu như hôm nay mình là khoa trưởng mà ngày mai trường đại học muốn thay bằng người khác thì mình cũng phải chấp nhận. Đó là trách nhiệm phải tuân hành thượng cấp, có phải không anh ? Tôi với anh không thể đem một cuốn audio thâu từ trước để mà cố thủ tại vị được. Chúng ta không thể chọn lựa cái mệnh lệnh nào mình thích, mà bất tuân cái nào mình không phục.

Nói về Giáo Chỉ 20, tôi có đồng ý là lời lẽ có khắc khe, buộc thầy Giác Đẳng phải “chịu trách nhiệm trước pháp luật,” nhưng cũng không thể nói là đã dứt khoát kết tội. Sở hữu của chùa Phật Quang như anh xác định “ở trong sổ bộ của tiểu bang Texas từ mùa hè 2014, và trong hồ sơ nhà đất của quận Cam từ mùa đông cùng năm đã cho phép UBCV là sở hữu chủ của ngôi chùa.” Chính vì sở hữu chủ của chùa là UBCV và không nhường được cho một cá nhân nào mà những ai cho là các anh cướp chùa là sai. Cũng vì vậy mà hàm ý của anh cho là tác giả Giáo Chỉ 20 muốn “cưỡng chế” hay cướp chùa cũng không đúng vì luật pháp không cho phép tài sản của UBCV – GHPGVNTN trở thành của Nguyễn Minh Huy hay Võ Văn Ái.

Tài sản và nợ nần chỉ là hai mặt của một đồng tiền, hai phương diện của tài chánh của UBCV – GHPGVNTN. Những lập luận về tài sản của UBCV cũng áp dụng cho nợ của nó, dù muốn dù không cũng không thể chuyển nhượng cho thầy Giác Đẳng hay một cá nhân nào khác. Cái nợ đó là nợ của UBCV chứ không phải nợ của thầy Giác Đẳng, cũng như chùa Phật Quang là tài sản của UBCV chứ không phải của thầy, một điều mà chúng ta đồng ý. Quản trị tài sản và nợ, như anh đã nhấn mạnh trong đại hội, là trách nhiệm của Hội Đồng Quản Trị. (Cái Hội Đồng Quản Trị đó đúng ra gồm có ba người, ông Trần Đình Minh, bà Penelope Faulkner, và HT Thích Huyền Việt, thay thế cho TT Thích Giác Đẳng đã từ chức.) Tôi đồng ý là nếu đã từ chức thì không còn tư cách pháp nhân để chịu trách nhiệm về các món nợ, đó là cái hiểu lầm của Đức Tăng Thống, người không am tường luật pháp đăng bạ ở Mỹ. Còn anh thì khác, là người có được cố vấn của luật gia, biết được luật pháp Mỹ chứ không phải là “luật Vi Xi và luật Paris,” lại đi làm trái, biện hộ và củng cố cho sự tại vị của thầy Giác Đẳng, và bám víu vào đó để làm “căn nguyên cho sự hỗn loạn ngày hôm nay,” thì có phải chăng sự hỗn loạn đó là tự tạo ? Đó chính là phân nữa sự thật. Hơn nữa, nếu đã tuyên bố là bất tuân, thì sợ chi một phần của một giáo chỉ vốn bất khả thi mà anh quan ngại ?

Dùng cái ví dụ tiệm phở của anh, tôi xin phép được thêm chi tiết để nó sát nghĩa hơn. Người con thứ đứng ra mượn tiền dùng tên của người cha để mở tiệm phở, nhưng nhất định không cho người cha xem sổ sách. Người cha đòi xem không được thì tuyên bố, nợ của ai mượn thì con phải chịu trách nhiệm. Lời tuyên bố một phần chắc là giận con, một phần chắc là lo cho cơ ngơi sự nghiệp của gia đình và của ông bà để lại. Con bảo là nợ $800,000 nhưng lỡ nợ hơn nữa thì làm sao cha trả cho hết ? Người anh thì thương em, nhỏ nhẹ bảo em, có bao nhiêu em cứ bàn giao, anh sẽ chịu trách nhiệm với cha. Nhưng tôi thích ví dụ của anh, vì có gì đi nữa thì cũng là cha con anh em trong gia đình. Giận con thì nói là từ con, nhưng con mình hối lỗi thì vòng tay người cha vẫn rộng mở. Xin anh cũng nghĩ cho điều đó.

Trong suốt Đại Hội, tôi rất vui mừng khi được nghe anh nói về trách nhiệm. Tôi quan niệm một cách mộc mạc là tinh thần trách nhiệm là giá trị cao quí nhất trong mọi xử sự ở đời. Tôi tin rằng muốn đất nước được hùng cường, dân tộc được phú thịnh, mỗi chúng ta phải làm tròn bổn phận của một người dân. Trong tinh thần đó, tôi xin có một vài điều góp ý. Trách nhiệm trên căn bản vốn không lệ thuộc vào các yếu tố ngoại vi. Những người có trách nhiệm là những người không cần những lý lẽ như “bức màng lửa” hay “siêu tăng thống” để biện minh cho việc mình làm hay không làm. Người có trách nhiệm sẽ trình bày như sau, “chúng tôi nói là sẽ cho thành viên biểu quyết số mạng của chùa trong khi chúng tôi tìm cách bán chùa là chúng tôi sai. Chúng tôi bán chùa vì chúng tôi thấy không có biện pháp nào khả dĩ, nhưng chúng tôi rất lấy làm hối hận vì bán đi chùa của bá tánh mà không hỏi ý bá tánh.” Chỉ đơn giản vậy thôi, Phật tử chúng tôi đủ sức thông minh và lòng tha thứ cho những lỗi lầm, khi phát sinh từ những tấm lòng chân thật.

Trách nhiệm đầu tiên của HDQT vốn không phải là vị quốc an dân, cũng không phải vì một cá nhân, mà là với những thành viên của mình. Trong Lá Thư Tuần 11, thầy Giác Đẳng có viết dưới phần Lời Mời Gọi Chân Thành Đối Với Những Tấm Lòng Chân Thành, “xin thay mặt Giáo hội chân thành mời thỉnh 2000 cá nhân đã góp phần kiến tạo chùa Phật Quang trở thành những thành viên danh dự khởi đầu. Đã đến lúc những người thật tâm tha thiết với tiền đồ giáo hội được lắng nghe, được tham dự những quyết định trọng đại và được biết rõ đường hướng hoạt động của Giáo hội.” Trong các hình ảnh của Đại Hội, tôi đếm đi đếm lại không quá 60, 70 người tham dự. Những người này được “mặc nhiên công nhận là thành viên đầu tiên của UBCV.” Vậy thì đa số 2000 “thành viên danh dự khởi đầu” chúng tôi thì sao ? Không lẽ đã bị mất chùa rồi còn bị khai trừ ? Hay là vì quí anh cần có một tỷ lệ 10% của tổng số thành viên để có được một đại hội thường niên hợp lệ ? Nguyên tắc về quorum này có ghi rõ trong luật pháp đăng bạ ở Texas. Trong trường hợp chưa đủ tỷ lệ thành viên tham dự, trách nhiệm duy nhất của người Chủ Tịch là phải tuyên bố bế mạc đại hội ngay từ đầu. Có phải để giải quyết vấn nạn này, quí anh loại bỏ cái đại đa số 2000 “tấm lòng chân thành,” những “thành viên danh dự” chúng tôi ?

Ngay cả trách nhiệm của quí anh đối với người mà quí anh kính trọng cũng không hoàn tất. Khi tôi đến đưa giấy tờ cho thầy Giác Đẳng, tôi còn nhớ thầy vui mừng bảo tôi là thầy có được sự giúp đỡ chuyên môn của quí anh và vấn đề tài chánh sẽ được công bố nay mai. Nhân vô thập toàn, trách nhiệm của quí anh là khuyên thầy chấp nhận một ít thất thoát, nhất là trong hoàn cảnh của một tu sĩ không có ngân quỹ hoạt động. Những lời khuyên trái ngược của quí anh đã đưa một người lãnh đạo trẻ của Giáo Hội đến chổ bị thanh trừng, trách nhiệm đó một phần lớn là ở quí anh. Chẳng hạn, dựng lên chuyện kiện tụng để chia rẽ và biện minh cho chuyện bán chùa là sai. Thầy Huyền Việt ngay từ đầu cho đến buổi tối 9/29 mà tôi gọi để thưa với thầy về việc chùa bị bán, vẫn không muốn chuyện kiện tụng. Có thể sau này vì muốn bảo toàn cho Giáo Hội và trả lại công lý cho Phật tử mà thầy phải đi vào lối đó mà thôi. Còn bảo là bán chùa vì sợ kiện, mà tại sao sợ kiện, thì bởi vì biết là mình sẽ bán chùa. Suy diễn vòng tròn như vậy thì chỉ đưa mình và người vào chỗ mù mịt. Thêm nữa, quí anh bảo là sợ quan tòa niêm phong chùa. Xin nhắc anh quan tòa vẫn có thể và có quyền niêm phong tất cả các ngân quỹ của UBCV, kể cả cái trust, không nhất thiết phải là bất động sản.

Giáo Hội đã may mắn được một người lãnh đạo trẻ tuổi đầy năng lực. Tôi ngạc nhiên khi quí anh không khuyên thầy Giác Đẳng chờ đợi một vài năm. Thầy thua Đức Tăng Thống gần 40 tuổi, thua Giáo Sư Ái gần 30 tuổi, tôi không thông cảm được sự hấp tấp. Hay là thời khoá biểu riêng của quí anh không cho phép ? Hay là vì bức tường lửa của Giáo Sư Ái và Huynh Trưởng Cầu như các anh than phiền, một bức tường hữu hiệu hơn bức tường thép của cộng sản ? Một bức tường mà ĐH Nguyễn Thanh Châu vừa vượt qua không bị cháy ? Xin hỏi anh, anh Châu là người đáng tin tưởng, tại sao anh không nhờ ảnh chuyển hộ hồ sơ tài chánh cho Đức Tăng Thống ? Một hồ sơ mà anh rõ ràng là đang có vì anh biết được ai là người “cho mượn vài chục ngàn trở lên,” cho đến ai là người “bố thí vài chục, vài trăm, hoặc không bỏ ra xu nào.” Nếu Đức Tăng Thống nhận hết hồ sơ này của anh cộng vào hồ sơ đăng bạ và sở hữu chùa mà tôi đã dâng thầy Giác Đẳng, thì biết đâu Đức Tăng Thống sẽ không tin tưởng thầy Giác Đẳng trở lại ? Nếu không cũng đâu có mất mát gì đâu ?

Sau trách nhiệm đối với thành viên là trách nhiệm đối với thượng cấp, là Đức Tăng Thống và Hội Đồng Lưỡng Viện. Quí anh bỏ nhiều thời gian lên án GS Võ Văn Ái về việc GS chuyên quyền. Nếu chấp nhận những bằng chứng có tính cách gián tiếp (circumstantial evidences) đó, cũng không lý do gì để lật đỗ Đức Tăng Thống. Trong khi quảng cáo cho một Giáo Hội Không Võ Văn Ái, quí anh loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đức Tăng Thống và đăng quang cho những người khác. Thế thì chuyên quyền hay hơn hay soán vị hay hơn ? Dùng cái tích Tam Quốc mà Luật Sư Steven Dieu rất ưa thích, ít ra Lưu Bị cũng đợi cho đến khi Hán Hiến Đế chết đi mới xưng đế, có phải không ?

Tôi ngồi nghe lại cái Khoáng Đại III vì tưởng mình nghe lầm. Tôi xin phép bắt chước anh suy diễn một chút để cho dễ hiểu. Lý luận của quí anh là như thế này, chùa Phật Quang có nhiều bệnh quá, trước sau cũng phải chết, thành thử chúng tôi cho nó chết trước, nhưng không cho gia quyến biết, lỡ mà gia quyến chúng biết, chúng nó kiện thì sao. Mà con bệnh nếu còn sống thì phải tốn tiền chữa bệnh, hết biết bao nhiêu nhiêu khê, chi bằng chết đi thì cái đám gia quyến này chẳng có gì để mà kiện, tức là chúng ta đã đi trước gia quyến một bước. Còn thì gia quyến còn cãi lộn với nhau, cho nó chết đi thì chẳng còn chi để cãi. Tôi cầu mong là anh không bao giờ có người bác sĩ như vậy !

Trách nhiệm còn lại của quí anh là thanh lý nợ nần. Nếu quí anh nghĩ đến trách nhiệm đối với các thành viên cho mượn tiền thì quí anh sẽ làm như sau. Thứ nhất, công bố hồ sơ danh sách ân nhân cho mượn mà anh đã có trong tay, số tiền cho mượn và khi nào phải trả. Thứ hai, đã có ngân quỹ $300,000 (tiền $200,000 trả trước cộng với tiền $100,000 cho ?), sắp lên $400,000 (cộng tiền trả tháng 11), thì các món nợ ngắn hạn đã phải được trả xong. Thứ ba, đáng ra không cho phép công ty mua chùa trả tiền góp mà phải mượn tiền để trả hết, vì thực ra đó đâu có phải tiền của quí anh mà quí anh có quyền cho mượn trả góp, có phải không ? Nếu như công ty này có khả năng thì họ sẽ mượn được tiền ở nơi khác. Còn nếu như họ thiếu khả năng tài chánh thì quí anh không nên bán chùa cho họ và cho họ nợ. Lập luận như vậy có sai không ? Thứ tư, quí anh cũng có trách nhiệm để bảo đảm số tiền dùng để trả góp là hợp pháp.

Tôi thì trước sau vẫn nghĩ những người có địa vị, bằng cấp và sự nghiệp như quí anh mà làm chuyện chiếm đoạt tài sản là chuyện vô lý. Trong bản thảo Nội Qui (mà tôi vẫn thường chỉ trích) cũng cho thấy rõ điều đó. Nhưng khi mà quí anh đi xa hơn để dùng danh nghĩa GHPGVNTN mà không được chấp thuận tức là tiếm danh, không có một cái gì có thể biện minh được. Thông thường một người có trách nhiệm nếu không chấp nhận cơ cấu và hiến chương của một tổ chức, người đó sẽ rời tổ chức và có thể thành lập hoặc tham gia một tổ chức khác. Nếu làm khác đi thì không thể gọi là hữu trách được.

Đi suốt lịch sử dân tộc, ông cha ta đã có nhiều lời kêu gọi dấn thân, tôi chưa nghe thấy một tổ chức được thành hình với cái động lực là để bài trừ một cá nhân với lời kêu “Không Võ Văn Ái.” Đáng tiếc là Phật tử chúng tôi không căm thù ai được lâu. Trái lại, cái tên của người mà quí anh không thích từ nay sẽ gắn liền với quí anh, Giáo Hội Không Võ Văn Ái, bởi vì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất truyền thừa vẫn dưới sự lãnh đạo của Đức Tăng Thống. Nếu là vì Giáo Sư Võ Văn Ái mà quí anh ra đi, thì cũng xin quí anh suy nghĩ lại, vì thật ra đã và vẫn còn có nhiều biện pháp khác. Quí anh là những người có rất nhiều khả năng, như việc bán xong chùa vỏn vẹn trong vòng ba tuần làm minh chứng. Chính vì quí anh không nỗ lực tìm một biện pháp khả thi mà những người như tôi phải đặt câu hỏi về mục tiêu thực sự của quí anh. Sau Giáo Sư Võ Văn Ái, Cư Sĩ Ỷ Lan, Huynh Trưởng Lê Công Cầu, Hòa Thượng Thích Huyền Việt rồi sẽ tới ai, phải chăng bất cứ ai ngăn cản bước tiến của quí anh cũng đều là pháp nạn và phải giải trừ ?

Tóm lại, GHKVVA là một giáo hội không có Đức Tăng Thống, không theo Hiến Chương, không được hướng dẫn bởi Nội Qui, không chấp nhận dân chủ, không tôn trọng thành viên và không tuân hành pháp luật. Đó là nguyên do của nhiều bất mãn, chứ không phải gì khác. Mối quan ngại của quí anh thật ra không phải là chúng tôi, mà là chính mình. Ngày nào quí anh chấp nhận minh bạch sổ sách và chuyển giao hành chính là ngày đó sóng gió sẽ tan đi, vì sẽ không ai có căn cơ để làm gì quí anh. Cũng xin chân thành biết ơn quí anh, vì có những cố gắng dù sai lạc của quí anh, chúng tôi hiểu rõ hơn là GHPGVNTN cần tu chính để thức thời và hoàn thiện, nhưng trong trong sáng, thông cảm, bao dung, và kính trọng.

Thành kính,

Minh Phúc

 

* Tiêu đề do PTTPGQT đặt cho bức thư của Bác sĩ Minh Phúc Trần Quốc Hưng gửi ông Minh Huy.

 

1 Comment

  1. Diệu Âm says:

    A Mi Đà Phật

    Diệu Âm xin có thiển ý như sau:

    #1. “Tư cách pháp nhân…”

    Có lẽ vì GH mẹ không nhận được báo cáo khi yêu cầu TT trình bày về tài chánh, nên mới xảy ra cớ sự này. Thật ra, TT sẽ chẳng bị gì nếu TT không làm gì sai. Nếu xử lý tiền bạc có vấn đề thí dụ như chi tiêu không đúng hoặc không rõ ràng minh bạch, tạo ra sự thất thoát trong thời gian TT nắm phần tài chánh VP2VHĐ, thì trách nhiệm đó thuộc về TT cũng dễ hiểu thôi. Theo tôi nghĩ đây là ý của ĐTT HT Thích Quảng Độ để giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng, không có gì là không đúng. Xin qúy vị phải hiểu như vậy! Vấn đề tài chánh ở đây bao gồm sự tạo mãi Chùa Phật Quang, 2 vụ cứu trợ Philipine & Nepal v.v… “Tư cách pháp nhân…” là ý như vậy, chứ nợ Chùa Phật Quang là nợ của GHPGVNTN-HĐLV-VP2VHĐ, chứ đâu phải là nợ của riêng TT hay bất cứ cá nhân nào và dĩ nhiên ĐTT không bao giờ có ý nghĩ bắt TT phải gánh nợ Chùa Phật Quang như một số quý vị hình như đã không hiểu đúng nghĩa của câu đó. Ngoài ra, có thể nới rộng pháp lý ra tới phạm vi giấy tờ đăng bạ GHPGVNTN – The United Buddhist Church of Vietnam (UBCV) và Chùa Phật Quang.

    #2. Một khi TT đã tự ý đưa Thư Từ Chức mong được chấp thuận càng sớm càng tốt và Đức Tăng Thống đã chấp thuận ngày 8/8/2015 thì kể từ ngày đó TT đã không còn trách nhiệm gì với GHPGVNTN ngoại trừ việc bàn giao lại tất cả cho HT Thích Huyền Việt (người đã được ĐTT ủy nhiệm) bao gồm tài chánh, sổ sách, pháp lý v.v… TT chỉ phải gánh chịu “Tư cách pháp nhân…” nếu có như được nêu ra ở phần trên #1.

    #3. Một khi đã được chấp thuận từ chức, thì cái băng thu audio giữa ĐTT & TT đã hết hiệu lực kể từ ngày đó! Vì sao? Vì khi TT đã TỰ Ý xin đựợc từ chức mọi chức vụ trong GHPGVNTN, thì đương nhiên tất cả những trọng trách liên quan đến những chức vụ đó TT cũng TỰ Ý xin không đảm nhiệm luôn. Do vậy, chẳng còn gì để bàn luận thêm về cái nội dung băng ghi âm audio đó cả.

    Phải chi mọi việc sau ngày 8/8/2015 xảy ra như những gì TT đã hứa trong Thư Từ Chức thì hay biết mấy. Dù gì đi nữa, Phật tử chúng con cũng vẫn mong TT suy nghĩ lại và thực hiện những lời hứa ấy. Tuy hơi muộn, nhưng vẫn còn kịp.

    Kính!

Leave a Reply to Diệu Âm