Xin mời quý thính giả Đài Phật giáo Việt Nam nghe Câu Chuyện Cuối Tuần của Triều Thanh với ông Võ Văn Ái về hai chữ Tăng Đoàn.

Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, gần đây bỗng xuất hiện một tổ chức Phật giáo mới có tên là Tăng Đoàn, xin ông cho biết ý nghĩa của hai chữ Tăng Đoàn ?

Võ Văn Ái : Tăng Đoàn không là chuyện mới, vì Tăng đoàn hình thành dưới thời Đức Phật tại thế cách đây trên 2500 năm. Tiếng Phạn gọi là Sangha, Tàu dịch Tăng già, nên Phật giáo nước ta cũng dùng hai chữ Tăng đoàn hay Tăng già để chỉ cộng đồng nam nữ tu sĩ Phật giáo. Tức các vị đã xuất gia đầu Phật và thọ đại giới, nam tu sĩ là chư Tăng, và nữ tu sĩ, gọi là chư Ni. Khi có từ 4 vị Tăng trở lên gọi là Tăng già hay Tăng đoàn.

Triều Thanh : Như vậy Tăng đoàn, khi thì gọi Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất, khi thì gọi Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), vừa xuất hiện mấy tháng qua có ý nghĩa gì ? Khác nhau như thế nào với Tăng Đoàn thời Đức Phật ?

Võ Văn Ái : Nói về đoàn thể xuất gia gọi là Tăng Đoàn thời Đức Phật hay thời nay chẳng có gì khác nhau. Nhưng chủ trương của những người thành lập hai danh xưng vừa nêu trên đây thì lại đi ngược với Tăng Đoàn do Đức Phật thiết lập.

Triều Thanh : Cùng là chư Tăng cả, sao lại đi ngược với nội dung và tinh thần Tăng Đoàn do Đức Phật thiết lập vậy ?

Võ Văn Ái : Tăng Đoàn do Đức Phật thành lập bao gồm một cộng đồng tu sĩ sống theo mục tiêu tu học để giải thoát, giác ngộ, và hoằng hoá độ sinh. Về đời sống người Tăng sĩ thì ba nguyên tắc cơ bản là sống trong sự thanh bần, độc thân và bất sát. Vì thanh bần, không có của cải, tài sản, nên thuở Phật còn tại thế, chư Tăng đi xin ăn (khất thực). Vì độc thân nên không có gia đình, toàn tâm dốc vào sự tu học để giác ngộ. Vì bất sát nên không làm hại bất cứ ai theo tinh thần bất bạo động của Phật giáo.

Cuộc sống của chư Tăng thể hiện qua sáu món hoà kính, gọi là Lục hoà, tức nguyên tắc dân chủ tuyệt đối từ vật thể cho đến tinh thần của Tăng già.

Cái gọi là « Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất », hay mới đây đổi lại thành « Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất » do ba vị Thích Thiện Hạnh, Thích Viên Định và Thích Viên Lý thiết lập theo sự đốc thúc của HT. Chánh Lạc đi ngược với truyền thống Tăng già ở chỗ nhóm Tăng sĩ này ly khai GHPGVNTN dưới quyền lãnh đạo của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, phá bỏ nguyên tắc cơ bản Lục Hoà của đời sống người Tăng sĩ, đồng thời có khuynh hướng phản Phật giáo đi theo đường lối chính trị của thời thế .

Triều Thanh : Vì sao bốn vị Hoà thượng Thiện Hạnh, Viên Định, Viên Lý và Chánh Lạc ly khai Giáo hội để thành lập tổ chức Tăng Đoàn vậy thưa ông ?

Võ Văn Ái : Vì ham chức tước và vì âm mưu biến tướng GHPGVNTN, phản bội lại công đức gìn giữ pháp lý của Giáo hội suốt 39 năm qua của hai Ngài Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ.

Triều Thanh : Ủa, bốn vị Hoà thượng này đều có chức cao, thì còn ham thêm chức gì cao hơn nữa ?

Võ Văn Ái : Người ta bảo túi tham không đáy. Càng tham chức và có chức thì lại càng mong thêm chức. Nhưng ở đây bốn ông Hoà thượng này bị mất chức, cho nên họ lồng lộn đòi hỏi chức. Đòi hỏi không được, thì họ ly khai Giáo hội, lập tổ chức mới để tự phong chức tước theo ước muốn, tự chia nhau các chức mà phẩm hạnh và khả năng họ không cho phép.

Triều Thanh : Xin ông nói rõ hơn về sự mất chức của các vị này ?

Võ Văn Ái : Hoà thượng Chánh Lạc mắc phải 2 trong 4 trọng giới của người Tăng sĩ là Dâm và Vọng. Hoà thượng Viên Định tự chuyên trong vai trò Viện trưởng Viện Hoá Đạo của mình đi lệch hướng và lập trường của GHPGVNTN. Bất chấp sự điều hành tập thể của Giáo hội, có lúc Hoà thượng tự quyền đưa một đảng viên một đảng chính trị vào làm Trưởng phòng Báo chí Viện Hoá Đạo, rồi kết hợp với HT Viên Lý ở nước ngoài âm mưu xoá bỏ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế. May mà âm mưu này bị khám phá nhờ sự sáng suốt và cảnh giác của các ngài trong Viện Hoá Đạo kịp thời chận đứng. Mặt khác, Hoà thượng Thích Viên Lý còn liên hệ, cộng tác với các vị sư trong Giáo hội của Nhà nước Cộng sản làm lũng đoạn Giáo hội ở hải ngoại. Hãy nhìn vào hoạt động của Giáo hội hải ngoại dưới quyền điều hành của hai HT Chánh Lạc và Viên Lý kể từ Đại hội IX năm 2011 trở về sau chỉ là những nỗ lực thủ tiêu tranh đấu để biến tướng GHPGVNTN phục vụ cho các thế lực của thời thế.

Chúng ta thấy rằng các chính phủ tại các nước văn minh, vị bộ trưởng nào không chu toàn nhiệm vụ của mình liền bị thủ tướng hay tổng thống cất chức để thay thế bằng người có khả năng là chuyện bình thường, là điều thường xuyên thấy tại các nước Âu Mỹ. Chẳng ai vì vậy mà gây rối hay gây ồn ào khi bị giải nhiệm như các vị hoà thượng này. Điều này cho thấy căn bản đạo đức học và trình độ tu chứng của họ rất yếu kém. Họ chỉ học để thuyết pháp làm tiền, nhưng không tu để sửa mình làm nhân cách lớn. Dù việc làm của họ ngày nay chỉ có tính cách cá nhân thôi, nhưng lại gây thiệt hại cho uy tín và đường hướng của Giáo hội nói riêng và Phật giáo nói chung.

Triều Thanh : Xin ông giải thích những điều gây thiệt hại cho uy tín và đường hướng của Giáo hội nói riêng và Phật giáo nói chung ?

Võ Văn Ái : Đường hướng của Giáo hội là phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN dưới chế độ độc tài Cộng sản, đồng thời vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền, và dân chủ. Các vị Thiện Hạnh, Viên Định, Viên Lý, Chánh Lạc thì đi ngược lại đường lối này. Chúng ta chỉ cần nhìn rõ sự kiện khủng bố của nhà cầm quyền Cộng sản hồi đầu tháng giêng dương lịch vừa qua, chống đối, đàn áp, ngăn cấm lễ Hiệp kỵ tại chùa Long Quang Huế của Viện Hoá Đạo. Trong khi ấy các hoạt động do Hoà thượng Thiện Hạnh và Viên Định cầm đầu tại Bình Định, nào là nhiễu tháp, nào là công khai thành lập Tăng Đoàn với hàng chục vị Tăng sĩ trẻ, nhưng chẳng bị công an làm khó dễ một chút nào, thì chúng ta có thể hiểu ngay nội dung chính trị của Tăng Đoàn.

Khi ta biết rằng cái gọi là « Giáo hội Phật giáo Việt Nam » do Đảng và Nhà nước dựng lên làm công cụ chính trị năm 1981 chỉ là danh xưng che mắt Phật tử, thực tế được gọi là « Tăng Đoàn Phật giáo Việt Nam »  – Viet Nam Buddhist Sangha trong các văn kiện ngoại giao hay đối ngoại của nhà cầm quyền Hà Nội.

Như vậy là nhà cầm quyền Cộng sản tái hồi Dụ số 10 dưới thời Pháp thuộc để xem Phật giáo chỉ là một hiệp hội nằm trong các hiệp hội của Mặt trận Tổ quốc, chứ không là một Giáo hội, một tôn giáo.

Biết bao xương máu của chư Tăng Ni và Phật tử đã đổ trong cuộc vận động cho tự do tôn giáo năm 1963, đưa tới sự huỷ bỏ Dụ số 10 bất công và phi dân tộc. Thì nay, các vị Thiện Hạnh, Viên Định, Viên Lý, Chánh Lạc lại theo gương nhà nước Cộng sản để giải thể danh xưng GHPGVNTN xuống thành một Tăng Đoàn. Từ đây tới việc sáp nhập vào Tăng Đoàn Phật giáo Việt Nam của Đảng và Nhà nước chẳng còn bao xa.

Triều Thanh : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.

 

 

 

0 Comments

You can be the first one to leave a comment.

Leave a Comment