WASHINGTON DC, ngày 12.9.2016 (UBBVQLNVN) – Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam với sự bảo trợ của Trung tâm Tự do Tôn giáo Hudson Institute sẽ tổ chức cuộc Hội luận mang chủ đề “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam : Mối an ninh quan trọng cho khu vực và toàn cầu” từ 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều ngày thứ hai 12 tháng 9 tại Hudson Institute – Stern Policy Center – 1201 Pennsylvania Avenue, N.W., Suite 400 – Washington DC 20004.

2016-0912a

Cuộc hội luận mở đầu với Diễn văn Khai mạc của ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam. Tiếp theo, là Phần I cuộc Hội luận, dưới sự điều hợp cùng tham luận của Bà Nina Shea, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo Hudson Institute, bài tham luận của Ông Elliott Abrams, nguyên Thứ Trưởng Ngoại giao Hoa kỳ đặc trách  Nhân quyền, nguyên Cố Vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, và bài tham luận của Bà Kristina Arriaga de Bucholz, Ủy viên Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới.

Phần II cuộc Hội luận bắt đầu từ 2 giờ chiều đến 4 giờ chiều, do bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam điều hợp, với 4 bài tham luận của :

Ông Võ Trần Nhật, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, với đề tài “Các tôn giáo không được thừa nhận tại Việt Nam : Trường hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” ;

Sara Colm, Nghiên cứu gia độc lập, cựu Chuyên gia Đông Nam Á của Tổ chức Human Rights Wacth, với đề tài “Đàn áp có hệ thống : Các Giáo hội độc lập Người Thượng ở Tây Nguyên”;

Ông Tong C. Vang, Giám đốc Hiệu thính Đông Nam Á cho Công lý và Nhân quyền, với đề tài “Hạn chế và đàn áp : Trường hợp dân tộc Hmong ở Việt Nam”;

Đại đức Kim Muol, cựu tù nhân chính trị, và Ông Prak Sereivuth, Liên đoàn Khmer Kampuchea-Krom, nói chung đề tài “Phật giáo Khmer Krom – Tôn giáo và Văn hóa bị hăm dọa”.

Chúng tôi sẽ tường thuật đầy đủ trong Thông cáo báo chí sắp tới các bài tham luận được trình bày tại cuộc Hội luận. Sau đây là bản dịch từ Anh văn Diễn văn Khai mạc của ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam :

 

Kính thưa quý vị Quan khách,
Thưa các Bạn,
Kính chào chư Tôn đức, và quý Đồng bào, Đồng hương,

Tôi vô cùng hân hạnh chào mừng quý liệt vị đến tham dự cuộc Hội luận hy hữu hôm nay. Với tôi, quả thực là một sự kiện hy hữu. Trước hết, hy hữu thay cho cuộc Hội luận được diễn ra trong một hội trường trang trọng thuộc tổ chức bảo trợ, là Trung tâm Tự do Tôn giáo Hudson Institute, với sự hậu thuẫn của Bà Giám đốc Nina Shea.

Thứ hai, hy hữu vì chúng ta có sự hiện diện thuyết trình của những nhà ngoại giao, học giả nổi danh, như ông Elliott Abrams, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Nhân quyền, nguyên Cố vấn Hội đồng An Ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, bà Kristina Arriaga de Bucholz, Ủy viên Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới, và bà Nina Shea. Chúng tôi còn có các vị chuyên gia hay những nạn nhân thuộc các cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam tham luận. Và còn có quý liệt vị đến tham dự, thật là hy hữu. Rất nhiều người trong quý vị đã phải di chuyển từ rất xa, từ Canada, California, Texas, kể cả Hawaii, đến đây hôm nay. Rất đông đã phải tự mình bỏ tiền túi cho chuyến hành trình, và trong nhiều trường hợp mà tôi biết, đã phải hy sinh rất lớn. Tôi thật vô cùng cảm xúc cho nghĩa cử đoàn kết này, và tôi xin ngỏ lời thành kính cám ơn tất cả chư liệt vị.

Sự hiện hữu của hai thuyết trình viên mang lại cho lòng tôi một ý nghĩa thâm sâu, vì chúng tôi từng gặp nhau thường xuyên trên bước đường tranh đấu cho dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Đó là ông Elliott Abrams và bà Nina Shea.

Năm 1985, Elliott Abrams là Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Nhân quyền. Năm ấy, là năm thứ 10 ngày Saigon thất thủ. Trong khi nhà cầm quyền Cộng sản tổ chức ăn mừng tại Việt Nam, thì tôi chọn cách kỷ niệm của riêng tôi, bằng cách đến LHQ ở New York đưa một hồ sơ 500 trang kiện Hà Nôi vi phạm nghiêm trọng nhân quyền trên mọi lĩnh vực của đời sống, kèm theo bản đồ Trại Cải tạo lần đầu tiên được vẽ ra nơi giam giữ hai triệu tù nhân. Thứ trưởng Elliott Abrams đã hậu thuẫn chúng tôi trong công trình này, vào lúc mà báo chí, truyền thông Hoa Kỳ chưa chịu chấp nhận hiện trạng chiến tranh còn tiếp diễn tại Việt Nam. Quả thật vậy, mười năm sau cuộc rút quân của Hoa Kỳ, người Cộng sản Bắc Việt vẫn tiếp diễn cuộc chiến chống nhân dân Việt Nam.

Với bà Nina Shea tôi được gặp lần đầu thập niên 90. Thời đó, bà là Giám đốc Puebla Institute tại Hoa Thịnh Đốn. Từ đầu thập niên 90, đối với giới truyền thông, báo chí, phê phán Trung Cộng hay Việt Nam Cộng sản là thái độ chính trị không đứng đắn (politically incorrect)! Nhưng Nina là một trong số người hiếm hoi thu tập tài liệu và tố cáo cuộc đàn áp tự do tôn giáo có hệ thống tại hai nước Á châu này. Nina là người Công giáo, nhưng trong hành hoạt bà luôn mang tinh thần tôn giáo toàn cầu (ecumenical), nên bà không ngừng tung các chiến dịch để bảo vệ tự do tôn giáo cho tất cả mọi người. Tôi là người theo đạo Phật, và tôi vô cùng cảm xúc khi đọc các bài Nina viết bênh vực Phật giáo Việt Nam. Tôi xin trích một câu nhận định của bà : “Một Niềm Tin mà hằng thập kỷ, nếu không là hằng thế kỷ, vẫn không bị các chính sách đàn áp làm cho tiêu diệt”.

Cả hai người, Elliott và Nina, đóng vai trò quan trọng, sinh động, đẩy vấn đề tự do tôn giáo trở nên một cấu thành trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Tự do tôn giáo trên Thế giới vào năm 1998. Gợi hứng từ đạo luật này, Quốc hội Châu Âu đã thông qua “Chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến tự do tôn giáo trên thế giới”, và gần đây đã chỉ định một Phái viên đặc mệnh Tự do tôn giáo đến các quốc gia có liên hệ ngoại giao với Liên Âu.

Tuy thế, vào lúc các quốc gia dùng chính sách dân chủ chính đạo để thăng tiến tự do tôn giáo, thì Việt Nam sử dụng các đạo luật để ngăn chn thay vì bảo vệ tự do tôn giáo.

Sắp tới đây, Việt Nam sẽ thông qua Luật Tôn giáo hay Tín ngưỡng nhằm pháp-lý-hóa công tác xâm phạm nội bộ tôn giáo của nhà nước bằng cơ chế đăng ký hà khắc để kiểm soát. Các tổ chức tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Người Thượng Tin Lành, hay Phật giáo Khmer Krom không thể, hoặc không muốn đăng ký, sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Cơ chế đăng ký hoàn toàn trái chống với những nguyên tắc của tự do tôn giáo, vì ông Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do tôn giáo, tuyên bố sau chuyến đi điều tra Việt Nam năm 2014, rằng : “Cơ chế đăng ký có thể là một đề nghị của Nhà nước, nhưng không thể là sự cưỡng bách pháp lý”.

Tự do tôn giáo cũng như nhân quyền là hoạt kính (vec-tơ) cho sự an ninh toàn cầu hay trong khu vực, đồng thời cũng là chủ đề của cuộc Hội luận hôm nay.

Tôi tin rằng – và tôi muốn kết thúc mấy lời nhận xét khai mạc của tôi về ý nghĩ mà tôi cưu mang từ bốn mươi năm qua. Đó là, Quyền Tự do tôn giáo vốn đã bị hiểu lầm rộng rãi. Thật sai lầm khi nghĩ rằng quyền tự do này giành cho những ai tin vào Thượng đế. Thực ra, định nghĩa về tự do tôn giáo của LHQ bao quát hơn nhiều, vì nó bao hàm cho bất cứ ai trên trái đất. Tự do tư tưởng, Tự do lương tâm, Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, là MẸ CỦA TẤT CẢ TỰ DO – vì nó là nòng cốt cho cá tính của bất cứ ai. Nó là khuôn mẫu cho mọi hình thái tư tưởng và hành động của chúng ta, dù bạn là ai, bạn cư xử như thế nào trong xã hội.

Hôm nay ở đây, chúng ta sẽ nghiên cứu mọi phương tiện để thăng tiến và bảo vệ tự do tôn giáo, nhằm phát triển nền văn hóa dân sinh về tính khoan dung và lòng từ bi, hầu đặt nền móng cho hòa bình bền vững trong vùng Á châu cũng như trên thế giới.

Với tham vọng này, một lần nữa tôi xin chân thành cám ơn quý liệt vị, và xin mời bà Nina Shea điều khiển phần I cuộc hội luận hôm nay.

 

0 Comments

You can be the first one to leave a comment.

Leave a Comment