PARIS, ngày 20.5.2016 (PTTPGQT) – Phật Đản 2640, Phật lịch 2560, đã được Văn Phòng II Viện Hóa Đạo và GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ tổ chức trọng thể tại Hội trường Chùa Liên Hoa, ở thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, trong 2 ngày thứ bảy 14 và chủ nhật 15 tháng 5 vừa qua.

Ngày thứ bảy, dành cho Đại hội Bầu cử Ban Chấp Hành Liên Đoàn Cựu Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, cùng sinh hoạt văn hóa Mùa Phật Đản, với cuộc “Ra Mắt Sách” của Nhà Văn Nhà Nghiên cứu Thi Vũ Võ Văn Ái, giới thiệu 2 cuốn sách Nguyễn Trãi, Sinh thức và Hành động,Gọi Thầm Giữa Paris, rồi kết thúc với Đêm Văn Nghệ Quê hương.

Chùa Liên Hoa vừa hoàn tất việc xây cất Hội trường rộng 20 nghìn mét vuông, làm nơi tổ chức Đại lễ Phật Đản hôm sáng chủ nhật 15 tháng 5.

Hội trường Chùa Liên Hoa vừa xây cất xong trước ngày Phật Đản

Hội trường Chùa Liên Hoa vừa xây cất xong trước ngày Phật Đản

Sau tiểu bang California, thì thành phố Houston, tiểu bang Texas, là nơi quy tụ đông đảo thứ hai của người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ.

Từ sáng sớm, trên 1500 chư Tăng Ni, và đồng bào Phật tử đã vân tập và tề tựu đông đảo đón mừng Ngày Khánh Đản Đức Thế Tôn, cử hành qua hai truyền thống Bắc tông và Nam tông.

Hội trường Chùa Liên Hoa ngày Phật Đản

Hội trường Chùa Liên Hoa ngày Phật Đản

Sau lễ chào quốc kỳ Hoa Kỳ, Việt Nam và Phật giáo kỳ, Thượng tọa Thích Trí Quảng, Trưởng ban Tổ chức, đọc Diễn văn khai mạc, chào đón và cám ơn sự có mặt của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử, các vị lãnh đạo các tôn giáo và quan khách. Tiếp theo, toàn thể hội trường đã cung kính đứng dậy, lắng đọng tâm tư, nghe Thông điệp Phật Đản 2640, Phật lịch 2560, do Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế thu băng tiếng nói của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền Viện.

TT Thích Trí Quảng, Trưởng ban Tổ chức, đọc Diễn văn khai mạc

TT Thích Trí Quảng, Trưởng ban Tổ chức, đọc Diễn văn khai mạc

Trên 20 năm qua, kể từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) Hải ngoại tại Hoa Kỳ ra đời, chưa có lễ Phật Đản nào được nhà đương cục địa phưong quan tâm, qua sự hiện diện năm nay của ông Sylvester Turner, Thị trưởng thành phố Houston. Ông vui mừng chào đón Phật Đản ngay nơi thành phố ông quản trị với một cộng đồng đông đảo Người Việt. Trong một đoạn phát biểu ông nói :

Ông Thị trưởng thành phố Houston, Sylvester Turner, phát biểu, cạnh bên là Nghị viên Thành phố Stephen Lê

Ông Thị trưởng thành phố Houston, Sylvester Turner, phát biểu, cạnh bên là Nghị viên Thành phố Stephen Lê

“Tôi hãnh diện là Thị trưởng thành phố Houston. Một trong những Cộng đồng người Việt lớn nhất ở Hoa Kỳ cũng ở tại Houston. Tôi xin cám ơn GHPGVNTN. Phật giáo là một tôn giáo quan trọng cho cộng đồng chúng tôi. Thành phố vĩ đại Houston, nhờ sự có mặt của quý vị Phật tử, càng trở nên tuyệt vời”.

Ông Thị trưởng và Nghị viên Stephen Lê trao bằng Tưởng lệ cho Hòa thượng Viện chủ chùa Liên Hoa Thích Huyền Việt

Ông Thị trưởng và Nghị viên Stephen Lê trao bằng Tưởng lệ cho Hòa thượng Viện chủ chùa Liên Hoa Thích Huyền Việt

Tiếp lời Thị trưởng, ông Stephen Lê, người Mỹ gốc Việt, hiện là Nghị viên khu vực F của thành phố cũng nói đôi lời tán thán và hứa nguyện rằng :

“Stephen Lê nhận chức Nghị viên hơn 4 tháng nay. Hôm nay nhân Ngày Phật Đản tại Chùa Liên Hoa, Stephen Lê tự nguyện với mình, dưới sự chứng minh của chư Tăng Ni, sẽ cố gắng rửa sạch cái tâm của mình, hướng về Phật, để làm trọn với chức vụ Nghị viên, cũng như là người gốc Việt của mình. Rửa mặt rửa mày Cộng đồng, làm cho Cộng càng ngày càng dấn thân nhiều hơn”.

Hòa thượng Thích Huyền Việt, Viện chủ chùa Liên Hoa, và Xử lý Thường vụ Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, giới thiệu Thượng tọa Rahula người Tích Lan ban thời pháp về Tứ Diệu Đế, và Hòa thượng chuyển dịch sang tiếng Việt. Đại ý, Hòa thượng cho biết :

Thượng tọa Rahula và Hòa thượng Thích Huyền Việt trong thời Thuyết pháp

Thượng tọa Rahula và Hòa thượng Thích Huyền Việt trong thời Thuyết pháp

“Thượng tọa Rahula đã dùng tiếng Anh một cách đơn giản để nói về một giáo lý căn bản của đạo Phật. Đó là giáo lý Tứ Diệu Đế. Chúng ta biết rằng, đơn giản trong tiếng Việt là Khổ, Tập, Diệt và Đạo. Khổ có mặt, nguyên nhân của Khổ, Khổ có thể chấm dứt và con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau.

“Chúng ta gọi Tứ Diệu Đế là Bốn Sự Thật thâm sâu, mà được Đức Phật giác ngộ đã khám phá và để lại cho chúng ta. Nói về Khổ thì tất cả khía cạnh nào, lĩnh vực nào mà chúng ta cảm thấy chau mày, chúng ta cảm thấy bất an, chúng ta không hài lòng, chúng ta cảm thấy đau khổ. Kinh nghiệm đó trong đời sống chúng ta không ai không kinh nghiệm, từ già cho đến trẻ, từ đông cho đến tây, từ nam cho đến bắc vậy. Cái khổ đó tất cả các tôn giáo đều chia sẻ quan niệm đó, nhưng cách diễn tả khác nhau thôi.

“Nguyên nhân của sự khổ là vô minh. Vô minh là sự tối dốt. Tại sao tối dốt ? Cái tâm hồn của mình bị chiếm bởi tham, bởi sân, bởi si, tà kiến, ngã mạn, ích kỷ, bỏn xẻn, v.v…Tất cả những thói hư tật xấu đều nói lên khía cạnh của Vô minh. Đã vậy mà còn muốn, ham muốn nhiều. Do vậy, đó là nguyên nhân của cái Khổ. Cái khổ đó có thể chấm dứt được. Đức Phật chỉ cho thế gian, cho chúng ta, cái cách chấm dứt Khổ.

“Kinh Pháp Cú có nói rằng : Tâm dẫn đầu, Tâm làm chủ, Tâm tạo tác. Nó nói cái tâm xấu ác, khổ đau sẽ theo mình như bánh xe lăn theo chân của con vật kéo xe. Ngược lại nếu cái tâm thiện thì hạnh phúc sẽ theo mình như bóng theo hình.

“Chư Tăng và huynh đệ chúng tôi chia sẻ Mùa Phật Đản năm nay. Kính chúc toàn thể chư tôn đức Tăng Ni và toàn thể chư liệt vị có mặt và thân bằng quyến hữu sức khỏe, bình an, tiến tu đạo nghiệp trong viên thành đạo quả”.

Cư sĩ Võ Văn Ái, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Truyền Thông Viện Hóa Đạo, kiêm Phát ngôn nhân Giáo hội, trình bày ý nghĩa bức Thông điệp Phật Đản năm nay của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ (xin xem bài nói “Thâm nhập yếu chỉ Thông điệp Phật Đản của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ” đăng trong Thông cáo Báo chí dưới đây).

Mở đầu, Cư sĩ cho biết Đại lễ Phật Đản năm nay có nhiều dấu ấn đặc biệt. Trước tiên là sự kiện lịch sử, khi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama ban Thông điệp Phật Đản gửi đến toàn thể Phật tử trên khắp năm châu. Nói là lịch sử, vì lần đầu tiên Tòa Bạch Ốc ban hành Thông điệp Phật Đản.

Ý nghĩa thứ hai là sự hiện diện của ông Thị trưởng Thành phố Houston.

Cư sĩ Võ Văn Ái nói về Yếu chỉ Thông điệp Phật Đản năm nay của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ

Cư sĩ Võ Văn Ái nói về Yếu chỉ Thông điệp Phật Đản năm nay của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ

Do những lời rêu rao trong dư luận của những kẻ ác tâm, bảo rằng Giáo hội đã thất kiện trong vụ truy tố vị Sư bán lén chùa Phật Quang của Giáo hội, biển lận công qũy, lại tiếm danh GHPGVNTN, nên đông đảo chư Tăng Ni và đồng bào Phật tử tha thiết muốn biết rõ hư thực. Ban Tổ chức đã mời Tổ hợp Luật sư The Tammy Trần Law Firm đến trình bày diễn tiến việc Pháp lý Hoa Kỳ đang xử lý.

Thay mặt Tổ hợp, Luật Sư Trần Thị Minh Tâm đã hoan hỉ giải thích diễn tiến pháp lý này, khiến hội trường không ngừng vỗ tay tán thưởng và biết ơn sự giúp đỡ tận tình, không đòi hỏi Giáo hội trả thù lao mọi kinh phí tòa án. Do lòng kính ngưỡng Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, và vì tinh thần công lý khi thấy Giáo hội bị lâm nạn mà Tổ hợp Luật sư ra tay nghĩa hiệp. Nội dung thông báo quan trọng được Luật sư Trần Thị Minh Tâm cho biết như sau :

Luật sư Trần Thị Minh Tâm giải thích diễn tiến pháp lý trong vụ tiếm danh GHPGVNTN của Sư Giác Đẳng

Luật sư Trần Thị Minh Tâm giải thích diễn tiến pháp lý trong vụ tiếm danh GHPGVNTN của Sư Giác Đẳng

“Trước hết, cho tôi xin quý vị cho tôi được gởi lời hướng về để cảm tạ Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Dù Ngài không hiện diện hôm nay với chúng ta, nhưng lòng chúng con lúc nào cũng hướng về Ngài. Ngài đã hy sinh cả một cuộc đời cho Tổ quốc Việt Nam, và cho dân tộc của chúng ta (vỗ tay). Chúng ta xin được trọng kính Hòa thượng Xử lý Thường vụ Văn Phòng II Viện Hòa Đạo, ngài Thích Huyền Việt. Chúng ta xin được trọng kính tất cả các chư Tăng Ni. Và chúng tôi cũng xin gởi lời cảm tạ Giáo sư Võ Văn Ái và Nữ sĩ Ỷ Lan. Trong những ngày làm việc cực khổ trong vụ án, chúng tôi mới thấy rằng anh chị đã hy sinh rất nhiều cho dân tộc, đã hy sinh rất nhiều cho Phật Pháp, và tôi nói thật với quý vị, đó là hai người Thầy dạy cho chúng tôi, là vì chúng tôi không biết gì hết về Phật Pháp, tôi không biết gì hết lịch sử của Phật giáo, của Gíao hội Phật giáo Thống nhất, nếu không có hai anh chị.

Vụ kiện này sẽ không thể nào mà làm được nếu không có sự giúp đỡ của hai anh chị dạy dỗ cho chúng tôi (vỗ tay).

Có nhiều người nói rằng chắc vụ án này chắc đã chìm xuồng ? – Không có chìm xuồng ! The fun has just begun ! (Trò diễn mới bắt đầu mà thôi). (vỗ tay).

Thưa quý vị, Tổ hợp Luật sư Tammy Trần, tức là The Tammy Tran Attorney at Law, chúng tôi đã được vinh hạnh dạy bảo bởi người Anh yêu quý của chúng tôi để tiếp tay với GHPGVNTN. Tổ hợp chúng tôi từ tháng 10 năm 2015 đã nộp đơn kiện Giáo hội địa phương, từ đây về sau tôi gọi UBCV Texas, để phân biệt với Giáo hôi Mẹ UBCV ở Việt Nam. (vỗ tay). Đơn kiện một số các bị can. Trong vụ kiện này thì Giáo hội Mẹ đã cáo buộc tất cả các bị can với tội danh sau đây :

Thứ nhất, là UBCV Texas và các bị đơn đã bị cáo buộc là thu nhận tiền và làm lợi cho các bị đơn một cách không xứng đáng.

Thứ hai, là UBCV Texas và các bị đơn bị cáo buộc là gian lận, tức là fraud, là vi phạm trong vai trò người được ủy thác.

Do đó, UBCV Texas và các bị đơn bị cáo buộc về tội MẠO DANH, đã TIẾM DANH của GHPGVNTN (vỗ tay). Một Giáo hội mà đã thành lập từ 1964 với sự tranh đấu của tất cả các chư Tăng Ni và Phật tử để có được ngày hôm nay (vỗ tay). Và điều đó chúng tôi không gọi là Cáo buộc, chúng tôi gọi đó là SỰ THẬT.

Nói tóm tắt, và ngắn và gọn, để cắt nghĩa cho quý ngài, là chúng tôi nhận được một cái gọi là Control Order. Cái Control Order tức là Tòa biểu như vầy, cho phép và cho biết ngày nào là phiên xử. Thì ngày xử sẽ là ngày 30 tháng giêng năm 2017 (vỗ tay).

Tuy nhiên, tôi mong rằng với sự cầu nguyện của chư Tăng, cả triệu Phật tử khắp thế giới, chúng ta sẽ theo gương của Ngài Thích Quảng độ để làm vẻ vang Phật giáo Việt Nam và vẻ vang cho dân tộc chúng ta (vỗ tay rất lâu).

Buổi lễ Phật Đản đã hoàn mãn trong sự mừng vui, hoan lạc của toàn thể Phật tử ở thành phố Houston, hay các đại biểu ở xa như Los Angeles, San Jose, Sacramento, Stockton, Oregon, Portland, Atlanta, Florida, Washington DC, v.v…về tham dự.

Hòa thượng Thích Huyền Việt trao bằng tưởng lệ và tri ân Tổ hợp Luật sư The Tammy Tran Law Firm

Hòa thượng Thích Huyền Việt trao bằng tưởng lệ và tri ân Tổ hợp Luật sư The Tammy Tran Law Firm

Đại lễ kết thúc với việc trình diện Tân Ban Chấp hành Liên Đoàn Cựu Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, và Lễ Mộc dục / Tắm Phật.

 

Đông đảo Phật tử tiến gần lễ đài Tắm Phật

Đông đảo Phật tử tiến gần lễ đài Tắm Phật

Được biết dưới sự Chứng minh của Chư Tôn Đức, và sự giúp sức tận tình của Ban Hướng Dẫn Trung ương GĐPTVN tại Hoa Kỳ, Đại hội đã thành công tốt đẹp trong niềm hoan hỷ, tin yêu của tất cả Anh Chị Em trong Liên Đoàn Cựu Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ với Tân Ban Chấp hành gồm có :

Liên Đoàn Trưởng. HTr. Nguyên Thưởng Trương Như Thiết
Liên Đoàn Phó Nội vụ : HTr. Tâm Thành Cao Kiến Cơ
Liên Đoàn Phó Ngoại vụ : HTr. Nguyên Đình Nguyễn Đình Hoè
Thư ký : HTr. Tâm Phúc Nguyễn Phúc
Thủ quỹ : HTr. Nguyên Giác Nguyễn Mạnh Hải.

Tân Ban Chấp hành Liên Đoàn Cựu Huynh trưởng & Đoàn sinh GĐPTVN tại Hoa kỳ

Tân Ban Chấp hành Liên Đoàn Cựu Huynh trưởng & Đoàn sinh GĐPTVN tại Hoa kỳ

ACE Huynh trưởng GĐPT chụp hình lưu niệm

ACE Huynh trưởng GĐPT chụp hình lưu niệm

Văn Nghệ Mừng Phật Đản kết thúc đến chiều tối một Ngày Khánh Đản đầy niềm hân hoan và hy vọng.

Thượng tọa Thích Trí Tịnh, Nữ sĩ Ỷ Lan và Huynh trưởng Nhật Liên Dũng điều khiển chương trình Đại lễ Phật Đản qua hai thứ tiếng Việt và Anh. Các Đạo hữu Trần Hiến, Anh Trinh, Giáng Hà điều khiển chương trình Văn Nghệ Mừng Phật Đản.

 

THÂM NHẬP

Yếu chỉ Thông điệp Phật Đản 2640 (2016)
của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ

Toàn văn bức Thông điệp nói lên tính thống nhất đường hướng và lập trường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, từ khi danh xưng này ra đời tại Đại hội Phật giáo toàn quốc tổ chức tại chùa Xá lợi ở Saigon, từ ngày 30-12-1963 đến 4-1-1964. Dụ số 10 dưới thời bán thuộc địa Pháp đặt sinh hoạt Phật giáo dưới hình thức hội đoàn, làm mất tính cách tôn giáo có 2000 năm lịch sử trên đất Việt, xuất hiện thành giáo hội từ thời Đinh (thế kỷ X Tây lịch) khi chức Tăng Thống được định hình.

Có thiểu số người nói rằng truyền thống Phật giáo không có tổ chức, không có giáo hội, với hậu ý ai muốn chi làm nấy, bất kể tôn ti trật tự, nhất là tôn ti đạo hạnh. Song họ quên rằng Tăng đoàn được đức Phật thiết lập đã là hình thái tập thể của một giáo hội — sự hội tập tôn giáo. Đành rằng, mấy thế kỷ thăng trầm trước đây, sinh hoạt Phật giáo thể hiện qua các sơn môn, hoạt động riêng lẻ dưới sự trông coi, dạy dỗ của một vị tổ, vị thầy qua các chùa viện nằm trong núi non. Đó là hệ quả của những thời đại nhiễu nhương, chiến tranh, tranh chấp, quyền bính triều đình hay chế độ không thiện cảm với Phật giáo. Từ sự xa cách, biệt lập vì thời cuộc ấy, Phật giáo không có tiếng nói và chính kiến để phát ngôn cho khối quần chúng đông đảo Phật tử trước thời cuộc sinh tử và nạn sứ quân phân hoá xã hội.

May thay Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam bùng khởi từ thập niên 20 thế kỷ XX trước, gieo rắc giáo lý từ bi và hoà bình cho quần chúng, đồng lúc mời gọi kết hợp các sơn môn về một mối, thành tổ chức quy mô và hệ thống trên các lĩnh vực giáo lý, giáo dục, văn hoá và xã hội. Chỉ từ 1951, rồi 1964 trở đi, Phật giáo mới có Tiếng Nói đại biểu Tứ chúng và mọi tầng lớp xã hội ở thời cận đại và hiện đại, từ quốc nội ra tới năm châu.

Từ “Tổng hội Phật giáo Việt Nam” ra đời ngày 6-5-1951 tại Huế, thống nhất Phật giáo toàn quốc Bắc Nam Trung qua sáu tập thể Tăng già và Cư sĩ, đến đầu năm 1964 lấy lại danh xưng tôn giáo “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”, là bước tiến hồi sinh lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam sau năm thế kỷ chìm lặng. Điều phải nói, sự thống nhất cơ bản năm 1964, là cuộc thống nhất hi hữu chưa hề có đâu trên thế giới : Thống nhất Giáo lý đạo Phật giữa hai truyền thống Phật giáo Bắc tông và Nam tông, vốn bị phân cách và biệt lập trong sinh hoạt suốt 25 thế kỷ.

Qua bức Thông điệp Phật Đản năm nay, tính Thống nhất gợi lên từ ba lời phát biểu của ba Ngài Tăng Thống vào các thời điểm nguy kịch nhất của lịch sử dân tộc : Đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết năm 1969 và 1970 ; Đức Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu năm 1991; và năm nay 2016, Đức Đương kim Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ.

Đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết nói lên tâm tư người dân Việt nói chung, và Phật giáo đồ nói riêng, trong cuộc chiến tranh thừa sai và xâm lăng tàn bạo phát khởi từ Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa : “Đích thực từ trước tới nay, dân chúng Việt Nam chưa bao giờ được nói tiếng nói chân thành của mình, được thể hiện nguyện vọng chính đáng của mình. Chúng ta, người Việt yêu nước thương nòi nhất định không để cho bất cứ ai lợi dụng danh nghĩa của Dân chúng, mưu đồ quyền hành danh lợi và thực hiện chủ trương xâm lăng nữa”.

Không chỉ nhận định suông, Ngài đưa ra giải pháp Hoá Giải của người Phật tử Việt Nam :

“Lịch sử đã chứng minh, dân tộc Việt Nam có sức hóa giải bền bỉ, phi thường. Sức hóa giải đó là bản chất của dân tộc mà cũng chính là bản chất của Phật giáo. Vì Phật giáo xây dựng trên tinh thần Trí Tuệ, Từ Bi và Hùng lực. Việt Nam vượt qua được giai đoạn bị đồng hóa là nhờ ở đức bao dung, sự đãi lọc và lòng kiên trì phát triển. (…) Trong cuộc xung đột ý thức hệ của nhân loại hiện nay, Việt Nam bị chọn làm nơi thử thách, để biến thành cuộc chiến tranh khốc liệt. Khi chiến tranh chấm dứt, chưa phải là cuộc xung đột ý thúc hệ đã kết thúc ; trái lại, nó còn quyết liệt hơn bao giờ hết. Nếu không có một sức mạnh HÓA GIẢI”.

Tiên liệu của Ngài nay đã thành sự thật.

41 năm sau chiến tranh chấm dứt, cuộc xung đột ý thức hệ vẫn tiếp diễn với chủ trương của Đảng và Nhà nước Cộng sản, đẩy nhân dân tới bờ vực thẳm nghèo khó, đất nước ngày càng có nguy cơ bị Hán hoá như mười thế kỷ đầu Tây lịch.

Tiếng nói của Đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết không nói riêng cho Phật giáo hay Phật giáo đồ. Ngài nói lên tiếng nói bi thống của toàn thể dân Việt bị lăng nhục, bị hành hạ, thảm sát, bị biến thân làm nô lệ trước những cuộc chiến tranh xâm lược qua trường kỳ lịch sử.

Ba thập niên 70, 80, 90, đất nước đen tối như thế nào ? Hẳn chưa ai quên. Một Nhà Ngục lớn chưa từng có trong 2000 măm lịch sử Việt qua hệ thống trả thù của Trại Tập trung Cải tạo, lưu đày nhân dân Miền Nam vào các vùng Kinh Tế Mới nơi rừng sâu nước độc, đánh Tư sản để vô sản hoá dân tộc. Tất cả cho mục tiêu thiết lập chế độ Công an trị với chủ trương nô lệ hoá thần trí Việt Nam do Đảng và Nhà nước thực hiện bằng ý thức hệ ngoại lai độc địa.

Đức Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu, người am hiểu từ kinh nghiệm bản thân về chế độ Cộng sản, đã dùng trí tuệ bát nhã quán chiếu, và áp dụng Nhân minh học Phật giáo để tìm phương liệu chữa trị cho cơn bệnh trầm kha của thời đại.

Ngài thừa biết, không có trí tuệ, không có người được trí tuệ đào luyện, không có người được trí tuệ đào luyện ra tay hành động, thì bi kịch trầm thống của thời đại sẽ kéo dài theo thời gian, làm mất đi giải pháp cứu khốn trừ nguy của người Phật giáo. Ngài Thích Đôn Hậu thấy ra vấn đề, mà tiền lệ đã một lần xẩy ra nơi quê hương Đức Phật khiến cho Phật giáo bị xua đuổi khỏi lãnh thổ Ấn Độ từ thế kỷ XII Tây lịch.

Hai lý do khiến Phật giáo suy tàn tại Ấn độ. Một là sự xâm lăng của tín ngưỡng ngoại lai Hồi giáo, và hai, là Phật giáo đã tự đào thải qua sự đánh mất nguồn lực tâm linh của mình, biểu hiện qua sự lười biếng, thoái hoá đến mức không thể nào tồi tệ hơn của giới tăng lữ kể từ ngày Đức Phật Niết Bàn mười lăm thế kỷ trước.

Ngày nay, sự trùng hợp lịch sử đang diễn ra trên đất nước Việt Nam với chủ trương của Đảng và Nhà nước biến tướng Phật giáo thành đạo mê tín dị đoan. Biến tướng giáo lý cứu khổ, giác ngộ của đạo Phật thành tín ngưỡng phiếm thần, thờ lạy ông thần Đảng và thần Kim tiền, gây ra hiện trạng suy thoái phẩm hạnh ở một số tăng sĩ, làm lung lay tín tâm người Phật tử.

Cho nên, Đức Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu răn bảo một giải pháp chữa trị từ gốc, là kiện toàn, hoàn thiện đạo hạnh giới Tăng Ni. Ngài bảo :

“Trong lịch sử truyền bá Phật giáo Việt Nam cũng như thế giới, có lúc bi thảm đầy tủi nhục, nhưng có lúc cũng vẻ vang rất đáng tự hào. Lúc bi thảm là lúc bản thể của Tăng bị lu mờ, nội bộ của Tăng bị phân hoá và thành phần của Tăng có nhiều quan điểm dị biệt, giới hạnh suy hoá và hiểu biết đạo lý một cách cục bộ, phiến diện. Trái lại lúc vẻ vang, là lúc nội bộ chúng Tăng hoà hiệp, biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư, những ngã chấp tầm thường để tiến xa trên con đường tịnh hạnh, lấy giác ngộ giải thoát làm cứu cánh, lấy bản nguyện độ sinh làm sự nghiệp”.

Những món lợi dưỡng trần thế, cùng sự đãi ngộ của thế quyền là miếng mồi phá đổ thành vách đạo hạnh của một số chư Tăng, biểu hiện qua sự hủ hoá, phản đạo, chỉ điểm và bán rẻ lẫn nhau mà cho là vinh quang. Thứ ý thức vong tính này trào sôi những chi hung ác, giảo hoạt nhất, làm xiêu đổ đạo tâm, tuy vẫn khoác bên ngoài tấm áo “chính đạo”.

Câu răn của Ngài Đôn Hậu là muốn sửa bóng thì phải chỉnh hình. Cần có một “Nội bộ chúng Tăng hoà hiệp, biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư, những ngã chấp tầm thường để tiến xa trên con đường tịnh hạnh, lấy giác ngộ giải thoát làm cứu cánh, lấy bản nguyện độ sinh làm sự nghiệp”.

Chứ không là thứ : “Nội bộ của Tăng bị phân hoá và thành phần của Tăng có nhiều quan điểm dị biệt, giới hạnh suy hoá và hiểu biết đạo lý một cách cục bộ, phiến diện”.

Ngày nay qua bức Thông điệp Phật Đản 2640 (2016), Đức Đương kim Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, tập đại thành đường hướng và lập trường trước sau như một của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, để người Phật tử Việt Nam không quên. Đồng thời nhắc nhở hiện trạng bi thảm của thế giới, nơi người Phật tử có bổn phận biến mình làm “Nguồn ban phát an lạc và hoà điệu cho tha nhân”. Ngài bảo rằng :

“Thế giới đang trầm luân với thiên tai sinh thái, và nhân tai bạo hành, khủng bố, tham giành quyền lực độc tôn. Sự có mặt của người Phật tử, bất cứ ở đâu, phải là nguồn ban phát an lạc và hoà điệu cho tha nhân, là điều nhân loại trông chờ tha thiết kể từ cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt đến nay”.

Kể từ chiến tranh lạnh trên thế giới chấm dứt, cuộc khủng hoảng tư tưởng và tinh thần của thế hệ trẻ trên năm châu ngày càng trầm trọng vì niềm tin và tình nhân loại bị đánh mất. Do đó, ngày Phật Đản vân tập về đây, hay bất cứ ở đâu trên trái đất này, người Phật tử hãy chí thành làm theo lời dạy của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ :

“Hãy rước Phật vào lòng để cho mọi phiền não đoạn diệt, và chào đón Phật Đản như Mùa Gặt Mới của Giác ngộ”.

Paris, ngày 6-5-2016
Nguyên Thái Võ Văn Ái

 

 

 

 

0 Comments

You can be the first one to leave a comment.

Leave a Comment