PARIS, ngày 3.5.2016 (Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam) — Hôm qua, ngày 2-5, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã phát hành ngay bản Thông cáo báo chí bằng tiếng Anh bình luận Bản Phúc trình thường niên năm 2016 của Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới (USCIRF, US Commission on International Religious Freedom) đề nghị đặt Việt Nam vào danh sách CPC. Sau đây là bản Việt dịch sự lên tiếng ấy :
Bản Phúc trình thường niên năm 2016 đề nghị đặt 17 quốc gia trên thế giới vào Danh sách (CPC). 10 quốc gia đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt vào danh sách CPC là : Miến Điện, Trung quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Saudi Arabia, Sudan, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan. Uỷ hội yêu cầu đưa thêm vào 7 quốc gia khác đàn áp nghiêm trọng tôn giáo như : Cộng hoà Trung Phi, Egypt, Iraq, Nigeria, Pakistan, Syria, và Việt Nam. Kể từ năm 2001, đây là năm thứ 16 Uỷ hội tiếp tục đặt Việt Nam vào danh sách CPC.
Trước đây, vào năm 2004 và 2005, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đặt Việt Nam vào Danh sách CPC, nhưng rồi rút ra năm 2006 để giúp Việt Nam gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới vào lúc Tổng thống Bush đến Hà Nội tham dự Hội nghị APEC.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, đưa ra lời bình luận : “Phúc trình của Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới phát hiện một cách thích đáng rằng, tự do tôn giáo tại Việt Nam thuộc vấn đề kiểm soát chính trị. Các tổ chức tôn giáo của Nhà nước có nhiều tự do hơn các cộng đồng tôn giáo độc lập, các nhóm tôn giáo xin đăng ký ít bị sách nhiễu hơn các tôn giáo không được thừa nhận. Nói rõ ra, chính quyền và Đảng Cộng sản không quan tâm thăng tiến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, mà chỉ nhắm kiện toàn sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước đối với các tôn giáo”.
Theo bản Phúc trình của Uỷ hội Hoa Kỳ dù có một số tiến bộ đối với một số nhóm tôn giáo trong một vài địa phương, nhưng “mặt khác, chính quyền tiếp tục mạnh tay quản lý tôn giáo, tiếp tục không những hạn chế và kỳ thị, mà còn sách nhiễu, giam cầm, và bạo hành với các tín đồ tôn giáo”.
Phúc trình cho thấy sự xúc phạm các cộng đồng tôn giáo, kể cả các tổ chức độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Phật giáo Khmer-Krom, Cao Đài, Công giáo, những người Hmong theo đạo Tin Lành, Người Thượng, Mennonites, Hoà Hảo, Pháp luân công và tín đồ theo Dương Văn Minh. Đặc biệt, Uỷ hội Hoa Kỳ nhận thấy rằng “các tổ chức tôn giáo không muốn đăng ký với chính quyền có nguy cơ bị nhà cầm quyền đàn áp mạnh mẽ hơn”.
Bản phúc trình nhận xét rằng, một số xúc phạm do các viên chức địa phương không hiểu rõ chính sách tôn giáo của chính quyền, nhưng cũng do “chính quyền trung ương dung dưỡng sự thực hiện các chính sách mâu thuẫn và bất nhất” ở các cấp địa phương. Căn cứ vào các cuộc tiếp xúc hồi tháng 8 năm ngoái 2015, Uỷ hội Hoa Kỳ kết luận rằng “ở một mức độ nào đó, chính quyền trung ương đồng loã hoặc dửng dưng trước sự lăng nhục tôn giáo của chính quyền địa phương”.
Theo bản Phúc trình cho biết, thì Phật giáo được đa số 94 triệu nhân dân Việt Nam tin theo, “những ai độc lập với tổ chức Tăng già Phật giáo Việt Nam của Nhà nước thường là mục tiêu bị chính quyền xúc phạm. Kể cả hàng gíao phẩm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, như trường hợp Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, hiện bị quản chế, và Huynh trưởng Lê Công Cầu, lãnh đạo Gia Đình Phật tử Việt Nam. Tháng Tư năm 2015, ông Lê Công Cầu đã bị câu lưu và tra hỏi suốt 3 ngày, những tháng sau đó bị ngăn cấm di chuyển [vào Saigon] gặp gỡ phái đoàn Hoa Kỳ và Cộng hoà Liên bang Đức”.
Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới (USCIRF, US Commission on International Religious Freedom) là một cơ quan độc lập với Bộ Ngoại Giao. Được Quốc hội Hoa Kỳ thành lập, làm đơn vị tham vấn độc lập, cho lưỡng đảng chính phủ Hoa Kỳ. Cơ quan này giám sát tự do tôn giáo trên toàn thế giới và khuyến nghị chính sách cho Tổng Thống, Ngoại Trưởng, và Quốc hội. Các khuyến cáo của USCIFR dựa vào các thủ tục bắt buộc và các tiêu chuẩn trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cùng các văn bản quốc tế khác. Ra đời ngay sau khi Quốc hội Hoa Kỳ ban hành Sắc luật 1998 bảo vệ tự do tôn giáo trên thế giới.
0 Comments
You can be the first one to leave a comment.