Gia đình chúng tôi không gọi các thầy là thượng toạ hay đại đức mà chỉ dùng một tiếng duy nhất : Thầy. Thầy đối với tôi thật đơn giản, đó là người đã rủ bỏ tất cả những phiền nhiễu của thế gian, cắt tóc để đi vào một thế giới an lạc thanh thoát.

Từ lúc năm tuổi  tôi đã được ba má đưa vào Gia đình Phật tử. Mỗi sáng chủ nhật, xe xích lô đậu trước cửa nhà “xúc” 4 anh em tôi đi chùa. Nói xúc vì chúng tôi không ai là người tự nguyện cả. Anh thứ hai luôn luôn bị anh cả trói gô lại vất lên xe. Ba đứa còn lại là gái nên không phản ứng mạnh như con trai nhưng cũng không vui gì.

Đến chùa dĩ nhiên chúng tôi được gặp bạn bè trong Gia đình Phật tử, các anh chị huynh trưởng. Sau nghi lễ tụng kinh của Gia đình Phật tử, với những bài hát “Trầm hương đốt”, “Sen trắng”, kinh sám hối ngắn, những lời nguyện của các đoàn sinh, thiếu niên, thiếu nữ, oanh vũ … chúng tôi ra sân vui đùa trong tinh thần … học. Nào là  học hát, học Phật pháp, truyện cổ Phật giáo, gút, dấu đi đường, trò chơi lớn … Trong tất cả các sinh hoạt, tôi vẫn thích lâu lâu có thầy đến thuyết pháp. Tuổi nhỏ đắm chìm trong những câu chuyện tưởng như thần tiên nhưng ẩn chứa những lời giáo dục, trong vô hình, làm kim chỉ nam cho những đứa trẻ 4,5 tuổi như tôi lớn lên thẳng đứng, tương tợ như bài hát mầm măng mà hàng chủ nhật tôi vẫn thường hát : “Đàn em là những mầm măng, lớn lên, đang lớn đang khôn nhưng mềm, nhờ bao hàng trúc che chở bên mình đàn em được sống êm đềm …”

Tuổi thơ của tôi trải qua như vậy, với trường học, với chùa chiền và không hiểu vì sao ba má bắt mình đi Gia đình Phật tử ! Sau này biết được đó là lúc Gia đình Phật tử mới hình thành, ba tôi là một trong những người ủng hộ sự thành lập tổ chức Gia đình Phật tử.

Lớn dần, lên chùa, nghe các chú kêu chúng tôi là con ông Vincent. Đã học Mauger nên biết ông Vincent, tìm hiểu thì biết ba tôi dạy cho các chú Pháp văn, cũng dùng quyển sách Mauger để dạy,  nên họ gọi ba tôi là ông Vincent, nhân vật chính trong quyển Mauger, như vậy gọi chúng tôi là con ông Vincent cũng không quá đáng.

Chúng tôi vẫn gọi là thầy và các chú, không Thượng toạ, Đại đức gì cả, tiếng thầy thật thân thương, gần gũi, đơn giản như 3 y, 1 bình bát của các sa môn cửa Phật mang theo họ suốt cuộc đời tu hành. Các thầy lớn tuổi, ba má tôi kêu bằng ôn, chúng tôi cũng kêu bằng ôn : Ôn Tây Thiên, Ôn Viên Thông, Ôn Tịnh Khiết, Ôn Đôn Hậu … nhiều ôn quá tôi không kể xiết. Với các ôn tôi chỉ biết tên mà không biết mặt vì gia đình tôi dọn vào Nha trang lúc tôi mới 4 tuổi. Và bổn sư của tôi là ôn Đôn Hậu, tôi cũng chẳng biết mặt, vì ba má tôi quy y cho tôi khi tôi vừa lọt lòng.

Mỗi buổi sáng, ba má tôi thức dậy rất sớm, ngồi nói chuyện bên cái réchaud lửa xanh chập chờn, trên réchaud, ấm nước luôn phun khói. Tôi, đứa con duy nhất trong nhà thức dậy sớm, ngồi bên cạnh nghe ba má nói chuyện, nhấp trà ba pha cho,  ngóng chuyện ba má nói, đủ các chuyện trên trời dưới đất, mùi tường vi thơm ngát từ chén trà phảng phất làm ngây ngất đứa trẻ là tôi. Những hoa tường vi khô được ba tôi ướp vào trà, do các sư bà gởi biếu, có khi do sư bà Diệu Không, biết ba tôi thích tường vi, sư bà hái hoa, phơi khô, gói ghém lại, gởi từ Huế vào Nha trang biếu ba tôi. Tôi uống không phải chỉ là hương tường vi mà uống luôn cả tấm lòng sư bà gói ghém trong đó. Có khi thì được thưởng thức hương tường vi của sư bà Ni trường Nha trang. Tuổi nhỏ của tôi tẩm đầy hương tường vi của các sư bà cùng trà ngon ba má dạy cho uống.

Tôi biết ba tôi hàng ngày đạp xe lên chùa để dạy các chú, xuống ni trường để dạy các ni cô nhưng cái biết chỉ có vậy.

Có một ngày, tò mò hỏi má : Mạ ơi, sao ba cứ cả ngày đi hết chùa này đến chùa nọ vậy ?

Má tôi cười nói : Đó là duyên nghiệp con à.

Rồi má tôi nói thêm : Ba là thầy tu không cạo đầu nên chùa là nhà của ba.

Sau này dần dần tôi biết ra, ba tôi học cùng khoá với các thầy thuộc chữ Trí : Trí Tịnh, Trí Thủ, Trí Quang, Trí Nghiễm (Thiện Minh)… Má tôi nói khoá này có 20 học viên, 18 người là tu sĩ, 2 người là cư sĩ, một trong hai người này là ba tôi. Hèn gì mà thầy Trí Nghiễm hay đến nhà tôi, hoá ra họ là bạn đồng môn đồng khoá.

Ra trường thầy Trí Tịnh xếp hạng nhất, thầy Trí Quang xếp hạng nhì. Chỉ tu sĩ mới tham dự đàn mãn khoá gì đó (tôi quên mất rồi chỉ nhớ vào đàn, thầy Trí Quang dẫn đầu, thầy Trí Tịnh chót nhưng khi ráp vòng, quay lại thầy Trí Tịnh thành đứng đầu, thầy Trí Quang thứ hai. Xin bỏ lỗi cho nếu có sai sót vì chuyện đã 50-60 năm, nhớ quên lẫn lộn, và đây cũng chính là lý do tôi viết bài này, vì ba tôi đã nằm xuống, nếu tôi không viết, ai còn biết những việc này ?)

Năm 21 tuổi ba tôi từ Hà Nội về lại quê nhà, từ đó ông đắm mình vào thế giới của đạo Phật, dẫn đến việc ông lăn mình vào Phật sự, hiến trọn cuộc đời mình cho sự chấn hưng Phật giáo. Vợ con chỉ đứng hàng thứ hai.

Má tôi âm thầm đứng sau lưng ủng hộ. Tuy còn nhỏ nhưng tôi thấy được sự phi thường của má tôi. Điều làm tôi suốt đời không quên về sự cứng rắn nhưng mềm mại của má tôi là vào một ngày của năm 63. Trước đó bùng nổ vụ Phật đản. Lửa lan vào Saigon. Trong bữa ăn ba tôi chép miệng : Lửa đã lan vào Saigon rồi, tham gia vào thì biết chắc là chết, không tham gia thì không lẽ bỏ bạn bè chết ?

Má tôi bỏ đũa đứng dậy nói với ba tôi rằng, nếu ba tôi bỏ bạn bè là bất nghĩa, người khinh ông đầu tiên chính là má tôi. Nếu ba tôi có chuyện gì, má tôi sẽ thay ba nuôi con.

Tối hôm đó, má tôi xếp áo quần ba tôi vào va li, âm thầm đưa ông đi, vào Saigon bắt tay với bạn bè cho tròn nghĩa. Thế là ba tôi đi vào vùng giông bão.

Trước cách mạng 1-11-1963 khoảng nửa tháng (sau vụ xúc chùa), ba tôi bị công an đến tận nhà bắt. Má tôi hỏi khắp nơi nhưng không ai biết chỗ nào ra lệnh bắt, ba ngày sau ông bị giải vào Saigon (sau này biết được lệnh bắt từ văn phòng ông Nhu). Nhờ 7 lần ba tôi bị Pháp bắt, má đã quen nên nhanh chân mua vé máy bay đi cùng chuyến bay với ba tôi mới có dịp để nói chuyện và trấn an ông. Chỉ 10 ngày trong tù thôi mà ba tôi bị đánh tơi tả, lần cuối. họ đổ 20 thùng nước xà phòng vào mũi ba tôi (ba tôi bị cột chặt trên một cái ghế dài học trò, dựng ngược đầu xuống đất !!!). Khi họ nghe ba tôi phều phào nói, Ba chết rồi các con ơi, họ mới mở trói đưa ba tôi vào một căn phòng, có một sĩ quan ngồi đó, ông này vất trước mặt ba tôi 4 bản khai, nói với ba tôi, ông nhất định không khai nhưng bạn ông đã khai cho ông hết rồi. Ba tôi đọc hết 4 bản khai, lẳng lặng trả lại không nói gì.

Ba tôi bị đánh thừa sống thiếu chết vì … không khai. Ông bị đánh như vậy mà ông nói còn thua một người : Thầy Quảng Độ.

Hầu như những điều tôi biết đều do má tôi nói. Riêng về việc này thì ba tôi lâu lâu lại kể cho tôi nghe, vừa kể ông vừa làm điệu bộ, khuôn mặt ông đầy vẻ thán phục.

Chuyện rằng : Trong tù, có một ngày ông đi nhà vệ sinh, trên đường đi, ông gặp thầy Quảng Độ đi ngược chiều lại, từ nhà vệ sinh ra, thầy không đi mà lết. Mỗi người đều có người kèm 2 bên nên chỉ  đưa ánh mắt chào nhau (để tỏ không quen nhau), ba tôi nói, con biết không, ba bị đánh nhưng còn đi được, thầy Quảng Độ không đi được mà phải lết. Khi nào nói đến ngang đây ông cũng ngồi xuống, 2 tay chống đất, chân lê theo thân hình đang nhờ hai tay đỡ. Mặt ba tôi những lúc ấy sáng lên ánh mắt thán phục, nói tiếp, bên cư sĩ, ba là người bị đánh nặng nhất, bên tu sĩ, thầy Quảng Độ bị đánh nặng nhất, đánh đến lết nhưng nhất quyết không khai, không phản bội bạn bè.

Đến nhà vệ sinh, nhìn vào phòng vệ sinh, rồi nhìn lại thầy Quảng Độ, nước mắt ông rưng rưng, lòng cảm thương không xiết. Phân và nước tiểu tràn ra sàn. Với giáng điệu của thầy làm sao vào ? Nếu vào mà phải lết như vậy thì tất cả những dơ bẩn đã dính vào áo cà sa của thầy hết rồi !!! Thương cảm lẫn thán phục vị sư không khuất phục trước cường quyền, bạo lực, trước đòn roi tra khảo.

Niềm cảm phục ba tôi mang từ ngày đó cho đến lúc nhắm mắt, truyền qua tôi, đứa con hay ngóng chuyện ba má nói với nhau mỗi sáng bên ngọn lửa réchaud xanh lập loè. Đó là lý do mà ngày hôm nay tôi không do dự đi theo dưới bóng thầy Quảng Độ. Một người thà chịu đánh đến lết chứ không phản bội.

Ba tôi vẫn thường nói 2 người mà ông tâm phục khẩu phục là thầy Huyền Quang và thầy Quảng Độ. Ông nói thầy Huyền Quang là một vị chân tu, giỏi đạo, rành đời, rất khẳng khái.

Với Phật giáo, đức Tăng Thống phải là người chân tu, giỏi đạo, rành đời. Khi tôi hỏi má tôi tại sao lại đưa ôn Tịnh Khiết lên làm Tăng thống, mà không đưa ôn khác lên chức vị  này, má tôi nói, các ôn khác rất đạo đức, là bậc chân tu, nhưng không ứng phó được với đời, ôn Tịnh Khiết được tôn lên làm Tăng thống vì ôn là bậc chân tu mà lại rất rành việc đời.

Việc trước tiên của một Tăng thống phải là đạo : bậc chân tu (thế mà có nhiều vị, tu chẳng có, đời cũng không, chỉ khác người thường ở cái đầu không … tóc mà cứ ôm giấc mơ Tăng thống khiến sinh … loạn !!!), sau đó là phải biết ứng phó việc đời. Đạo, đời phải song hành : “Tuy nằm trong đời để giúp đời, nhưng đạo không nhiễm mùi xú-uế của đời. Tuy nằm trong đạo, được đạo xông ướp hương thơm của đạo, nhưng đời vẫn giữ y nguyên sức-sống năng-động đa dạng của mình. Có như thế thì đạo mới không trở nên khô cằn như lá úa cành khô, và đời mới trở nên tươi vui đáng sống” (Phật pháp tinh yếu của Cao Hữu Đính). Tăng thống là vị thấm nhuần được Trung đạo của Phật.

Ba tôi nói với tôi, theo ông, trong giới tu sĩ Phật giáo (cùng thời hay sau ông), ông tôn thầy Huyền Quang là đệ nhất chống cộng, thầy Quảng Độ là đệ nhất anh hùng.

Tôi biết ba tôi nhắm mắt làm lơ nhiều chuyện chỉ vì muốn đạo Phật được chấn hưng. Thế thôi. Với các thầy ông vẫn một lòng một dạ, dù con cái lớn lên chống đối dữ dội.

Và như thầy Trí Quang đã giới thiệu ba tôi với các Phật tử  khi thấy họ ngạc nhiên nhìn ba tôi nằm cùng phòng với thầy sau ngày 1-11-1963 (ba tôi được đưa từ trại giam ra, họ bỏ ông xuống bên hông chùa Xá lợi, vì gia đình ở Nha trang nên ba tôi ở tạm với thầy Trí Quang, bạn thân của ông, cũng là người đem đến cho ông nhiều muộn phiền nhất), thầy Trí Quang cười đùa : Đây cũng là một vị tu hành, bị tù lâu ngày nên tóc mọc dài ra !!!

Các thầy và ba tôi, dù thế nào, vẫn mãi mãi là bạn đồng hành.

Hương Cau
07-06-2015

 

 

0 Comments

You can be the first one to leave a comment.

Leave a Comment