NGHĨ VỀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM
VÀ NHỮNG NGỘ NHẬN CHÍNH TRỊ CỦA NÓ

Nhân đọc 8 câu hỏi của Gs. McKenzie,
cô Chu Thúy Phượng và cô Lâm Thanh Loan trên báo Văn Nghệ Tiền Phong số 48 — xin xem 8 câu hỏi này ở cuối bài

Tiểu luận của Nguyên Thái


PARIS, ngày 22.4.2014 (PTTPGQT) – Ghi chú : Sau 3 tháng ở Mã Lai trong một trại tiếp cư người vượt biển, cố Hoà thượng Thích Mãn Giác (hồi đó còn là Thượng toạ) đến Pháp, và đã tổ chức cuộc thuyết trình công cộng tại nhà Maubert Mutualité ở Paris quận 5 vào tháng 11 năm 1977. Chúng tôi không được tham dự nên không biết rõ nội dung cuộc nói chuyện. Tuy nhiên liền sau đó trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong số 48 phát hành bên Mỹ, đăng “Tám câu hỏi Thượng toạ Thích Mãn Giác của Gs McKenzie, cô Chu Thúy Phượng và cô Lâm Thanh Loan”.

Theo điều tra của chúng tôi thì Gs McKenzie và hai cô Chu Thuý Phượng, Lâm Thanh Loan chỉ là nặc danh của một người, và người Việt này sinh sống tại Paris có tên TQĐ bỉnh bút cho tờ Văn Nghệ Tiền Phong thời bấy giờ.

Mãi không thấy Thượng toạ Mãn Giác hay giới Phật tử nào hồi đáp, để trống sân khấu hoang mang cho quần chúng. Tác giả Nguyên Thái của Tạp chí Quê Mẹ phát hành tại Paris đã viết bài hồi đáp đăng trên số 21 & 22 phát hành ngày Quốc Kháng 30 Tháng Tư năm 1978.

Nhận thấy những câu hỏi đặt ra lúc ấy, hướng câu hỏi muốn nhắm tới, mà mục đích tấn công, vu hãm khá rõ ràng để hạ bệ Phật giáo Việt Nam, đặc biệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà họ gọi xách mé như ngôn ngữ của Cộng sản Hà Nội “Giáo hội Ấn Quang”, và hồi đáp của tác gia Nguyên Thái, vẫn còn là thời sự hôm nay. Nên dù bài viết còn có thể khai triển thêm nhiều dữ liệu, chúng tôi vẫn cho đăng lại bài ấy để giữ nguyên tính thời sự nhằm rộng đường dư luận, đồng lúc nhắm tới hai mục tiêu. Một là, vạch rõ những bài viết vô lối và vô luân của bọn vô loại “Dư Luận Viên”, “Đặc tình tôn giáo”, “Agitprop” ngày càng tung đầy trên mạng Internet hai, ba năm qua ; hai là, mong cầu những ai còn lưu tâm tới tiền đồ Việt Nam, đặt lại vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu khách quan, khoa học, khi viết về những biến chuyển chính trị của thời cuộc lôi kéo cả tôn giáo vào vòng xoáy. Thay vì kế thừa lối viết vu chụp trắng trợn, tuyên truyền đấu đá một chiều như thời thế giới còn lưỡng cực phân tranh.

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế


XIN TÁN THÁN :

Khởi tâm, vì cảm kích sự chú ý tới Phật giáo Việt Nam của Giáo Sư McKenzie, cô Chu Thúy Phượng và cô Lâm Thanh Loan, ở thời điểm mà số lớn các nhà báo đã quên đứt vấn đề Việt Nam. Sau nữa, cũng vì 8 câu hỏi chờ hoài không lời đáp, đã xoáy vào lòng Bạn Đọc mối hoang mang, nghi ngờ, nếu không nói là kinh hãi về Phong trào Phật Giáo. Phong trào quần chúng lớn rộng này từ bao nhiêu năm qua đã kiên trì tranh đấu, bị hy sinh, bị lợi dụng, bị dùng cho những viễn đồ bè nhóm, cá nhân và thiển cận, dù vậy vẫn giữ vững sinh phong bất khuất của người Phật tử qua mọi thăng trầm thời cuộc. Ý kiến chúng tôi sẽ khởi từ phong trào quần chúng Phật tử cấp dưới bị quên lãng đó. Vì chúng tôi tin, và ngày càng thấy rõ, căn bản của tinh thần Phật giáo Việt Nam cùng sự truyền thừa của nó đã cậy nhờ ý thức và tiến thủ của tầng lớp Phật tử đông đảo trong và ngoài nước đang đứng ở tuyến đầu đau khổ của thế mệnh nhân sinh và dân tộc này.

TRƯỚC KHI TRẢ LỜI 8 CÂU HỎI,
XIN CÓ CÂU HỎI ĐẶT VỚI CÂU HỎI :

Mấu chốt của vấn đề không nằm trong 8 câu hỏi hay 8 câu trả lời. Quan trọng nhất, và là căn bản, nằm ở thể cách đặt câu hỏi.

Thể cách đặt câu hỏi của ba vị chặt chẽ theo dòng luận lý nhị nguyên. Chúng hoàn toàn thỏa đáng và rõ ràng khi người đối thoại cùng ở chung hệ thống lý luận Tây phương như ba vị, hoặc ý thức hệ cộng sản hoặc ý thức hệ tư bản. Ở trường hợp này, chúng ta sẽ có những lời đáp hay không minh bạch, rồi kéo theo những giải thích chạy rông.

Đằng này, đối với Phật giáo, 8 câu hỏi trên đã hàm chứa 8 câu trả lời có sẵn. Người được hỏi chỉ được phép xác định xác tín của người hỏi. Hỏi không vì muốn được thông tin, tìm hiểu, muốn được học hỏi. Hỏi vì đã biết. Đương nhiên chỉ biết câu mình hỏi và câu trả lời theo ý mình. Như tiếng gọi và tiếng dội trong thung lũng. Nhưng không nắm vững được thực tại mình quan sát, ở đây là Phật giáo Việt Nam. Vậy muốn biết rõ thực tại này, phải rời ngay sân khấu biểu tượng nó, đối mặt với nó, nhìn nó trừng trừng. Và để cho lối hỏi — nhưng-đã-trả-lời — im bặt đi, đòi hỏi chúng ta phải nắm vững tư tưởng Phật giáo trong thể cách hỏi và trả lời trước một nhân sinh biến động, mà Phật giáo đang chuyển hóa.

CÁCH HỎI VÀ CÁCH TRẢ LỜI CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM :

Trước tiên, cần tìm hiểu nền tảng của tư tưởng Phật giáo và thể cách trả lời của nó qua hai bộ kinh Lăng GiàKim Cang.

Kinh Lăng Già (Lankāvatārasūtra) phát triển từ Tổ Đạt Ma và theo dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền vào Việt Nam năm 580 sau Tây lịch. Trong khi đó Kinh Kim Cang (Vajracchedikā prajñāpāramitāsūtra) khởi sắc từ Lục Tổ Huệ Năng và du nhập qua dòng Thiền Thảo Đường năm 1069.

Kinh Lăng Già, tuy nhấn mạnh về ngũ pháp, tam tự tánh, bát thức và nhị vô ngã, nhưng trọng tâm khai triển chữ TRÍ (Trí bát nhã, Prajñā) và chữ BI (lòng thương, Kāruna) trong tiến trình Giác Ngộ của Đại thừa giáo. Chỉ cần đọc bài tán của Bồ tát Đại Huệ là nắm vững yếu tính kinh này.

Kinh Kim Cang phổ biến sâu rộng và ảnh hưởng lớn tâm thức Phật giáo Việt Nam. Tất cả những bộ óc kỳ vĩ nhất của Phật tử Việt Nam đều được thấm nhuần kinh này. Ta có thể đơn cử bốn ví dụ điển hình : Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Quảng Đức — bốn thời đại, bốn con người, một sinh thức. Kinh Kim Cang đặt vấn đề trụ tâm (ưng vô sở trú như sinh kỳ tâm) làm cuộc đại giải thoát cho con Người và Thế Giới. Trụ Tâm trong kinh Kim Cang phá hủy mọi nguyên tắc, luân lý phân biện, để đi vào nguyên tính của thực tại, làm nền cho hệ tư tưởng Trung quán tông xuất hiện uy dũng trên trận trường triết lý, xoá tan mọi tà thuyết trên thế giới huyễn ảo.

Chính sự huy hoàng của dân tộc dưới hai triều Lý – Trần đã được nuôi dưỡng bằng Kinh Kim Cang. Ở bất cứ thời điểm nào, khi xã hội rối ren, khôn đốn, khi tư tưởng tàn suy, văn hóa khủng hoảng, thì kinh Kim Cang hiện ra và sáng chói như thần dược trị liệu. Nhìn lại tư tưởng sử Trung Quốc hay Việt Nam, chúng ta sẽ nhận ra điều đó. Lúc Khổng Giáo sa đọa vì bọn hủ nho, khiến văn hóa Trung Hoa suy tàn, thì Huệ Năng (638 – 753) với kinh Kim Cang xuất hiện, gây lại một phong trào văn học và tư tưởng phồn thịnh cho nhân dân Trung quốc thời Đường. Và khi Phật giáo mớm Văn dựng Nước bằng tư tưởng Kim Cang, thì tập đoàn phong kiến Trung Hoa thoái trào ở Việt Nam.

Ta càng tin điều này, khi biết rằng Phật nói kinh Kim Cang vào buổi xế trưa. Xế trưa biểu trưng cho lúc mặt trời đi xuống, buổi hoàng hôn tàn mạt của những ý thức hệ tương tranh.

Ngày nay, ý thức hệ Cộng sản đang trên đà đi xuống. Phật-giáo Việt Nam, với sự chứng Ngộ của Kinh Lăng Già, và trụ Tâm của Kinh Kim Cang sẽ làm sáng lên một Mặt Nhật giữa buổi hoàng hôn của những hệ ý thức đổ vỡ và tàn suy — hệ ý thức Cộng sản và hệ ý thức Tư bản.

Cách đặt câu hỏi hay trả lời của Phật-giáo, do đó, là thể cách giải quyết, giải nguy, giải thoát nhân sinh, chứ không là sự hỏi đáp của hý luận bâng quơ lúc trà dư tửu hậu. Nó không còn là sự phân biện trống trơn, hay thú vui đấu lý, dẫn tới những tranh chấp, chia rẽ, xâu xé rất kịch trường. Dụ về mũi tên trong kinh Phật là thể cách đặt câu hỏi này. Kẻ bị tên độc bắn, nên để cho lương y chữa trị, hay nằm hỏi xem ai bắn mình, tên làm bằng gì, vân vân ?

Từ thể cách hỏi vân hà (như thế nào) tới sinh thế giải nguy của lời đáp Như thị (như thế ấy) trong kinh Kim Cang, con đường giải phóng mở ra thông lộ cho tất cả ai chịu bước chân lên.

Đây chính là thể cách hỏi và trả lời thoát ly loại hỏi nói của Hư Vô chủ nghĩa (nihilisme).

HAI HÌNH THỨC CỦA HƯ VÔ CHỦ NGHĨA :

Ý thức hệ Tư bản cũng như Ý thức hệ Cộng sản là tiến trình cực đoan của hữuvô, của sự chiếm hữu và sự truất hữu. Nếu Ý thức hệ tư bản là « sự xác nhận của sự xác nhận » (affirmation de l’affirma­tion) thì Ý thức hệ cộng sản là « sự phủ nhận của sự phủ nhận » (négation de la négation, xem Economie poli­tique et philosophie của Marx, tr. 41 : « le communisme est la position en tant que négation de la négation »).

Hẳn nhiên, Phật-giáo đứng ngoài hai phạm trù cực đoan (hữu, vô) của chủ nghĩa hư vô. Bởi Phật giáo đặt trọng tâm ở sự giải cứu (toàn vẹn con người, tinh thần cũng như vật chất). Kẻ Tỉnh thức Phật giáo dấn thân cứu đời, lánh xa mọi sự chiếm hữu hay truất hữu, hữu hay . Kẻ Tỉnh thức Phật giáo dấn thân trên đường cứu độ sinh dân bằng cách trao, tặng, hiến dâng… trong sinh thức Như như bất động mà không cần nương tựa vào một ý thức của dấu hiệu hay biểu tượng nào cả (xem kinh Kim Cang (Vajracchedikā prajñāpāramitāsūtra) : (evam hi Subhute bodhisattva yāna samprasthitena dānam dātavyam yathāna nimitta samjnāyām api pratitisthet).

VIỆT NAM, NƠI ĐỐI CHỌI
GIỮA HAI KHỐI CỰC ĐOAN CỦA HƯ VÔ CHỦ NGHĨA :

Hai Ý thức hệ anh em thù nghịch Cộng-sản – Tư bản đã nổ trên đất nước Việt Nam. Hai tầng lớp thiểu số lãnh đạo phi dân tộc làm tiên phong cho hai khối này, đẩy đại số quần chúng Việt Nam, trong có quần chúng Phật tử, vào cuộc chết thảm.

Tất cả mọi Phong trào Hiển sinh Phật giáo Việt Nam từ gần 50 năm qua, và đặc biệt Phong trào Vận động Tự do Tín ngưỡng và Tư tưởng năm 1963, là cuộc Vượt thoát khỏi hai phạm trù cực đoan của Hư vô chủ nghĩa. Đương nhiên, cả hai phe Cộng sản – Hoa Kỳ đều vận dụng mọi cách để lợi dụng năng lực chuyển hóa này của quần chúng Phật giáo. Quần chúng Phật giáo như thác nước, mà hai bên tìm cách lái về các hồ, lạch. Tuy nhiên, con nước chính, vẫn là sự vươn tới của các dòng Sông lớn về Đại dương giải thoát.

Nhìn Phật giáo Việt Nam qua tia sáng trên đây, ta mới soi rọi vào tất cả hoạt cảnh ba mươi ba năm tăm tối của chính trường Việt Nam.

Chúng ta có thói quen đánh giá những biến động thời cuộc qua sự thành bại nhất thời. Và quên đi sự phóng tới không ngừng nghỉ của mạch ngầm đang nhào nặn cuộc sống và lịch sử. Cũng vậy, phát xuất từ mất tự tin và tinh thần nô lệ, người ta hay ảo luận CIA làm cái này, Cộng sản âm mưu thế nọ, làm như trên đời không còn ý lực nào khác hai cơ cấu này, làm như bản thân con người chỉ là con tốt thí thân ! Người ta khá bâng quơ, mơ hồ là CIA hay Cộng sản lợi dụng, nhưng không làm cuộc tổng kết chúng lợi dụng tới đâu và được gì cho phúc lợi con người ? Chúng đang trở thành cái chi ? Còn hiện tình của những lực lượng « bị lợi dụng » kia nay ra sao, đang làm gì, có thể giải quyết được gì chăng ?

Miệng tự hào Bốn nghìn năm văn hiến, nhưng suy nghĩ và hành động thì rập khuôn theo lý luận nhị nguyên của Hư vô chủ nghĩa, làm nên bi kịch Việt Nam qua hai cuộc chiến.

TRỞ LẠI VỚI 8 CÂU HỎI : VỀ CÂU HỎI THỨ NHẤT

Hư vô chủ nghĩa phá hoại mọi sự, trừ nó. Chủ nghĩa Cộng sản là Hư Vô chủ nghĩa (xem Kostas Axelos trong Marx, Penseur de la technique : « la vision marxienne : forme avancée d’un grandiose nihilisme, d’un nihi­lisme planétaire » tr. 264).

Ngày nay, Cộng sản đâu còn là một phong trào quốc tế thuần nhất ? Hiện có nhiều thứ Cộng sản, chống phá, đàn hặc nhau. Đây là sự tiêu hoại thứ nhất của tư trào Cộng sản, trên bình diện ý thức và thực tiễn. Rõ ra, những thể chế cộng sản trong thế giới đang đánh giặc với nhau, đang tiêu diệt lẫn nhau (Liên Xô – Trung quốc, Liên Xô – Nam Tư, Liên Xô – Tiệp Khắc, Việt-Trung, Việt Nam-Cam bốt…). Chưa hết. Còn cả khối Tư bản cạnh tranh thị trường, chưa rõ ai thắng ai bại trong trận chiến cuối cùng.

Một ý thức hệ mất sinh khí, như ngọn đèn thiếu dầu, làm sao lãnh đạo nhân loại ? Làm sao còn xung lực phá hoại, dù bản chất nó là hư vô hóa mọi sự ? Chính nó đang hư vô hóa nó, trước khi hư vô hóa tha nhân. Một ý thức hệ manh nha chưa đầy thế kỷ, đã mất tính chủ đạo, hết là nguồn khởi hứng cho nhân loại, thì làm sao có thể tiêu diệt được một tư tưởng sinh động và hùng tráng như đạo Phật, vốn có quá trình hoạt dụng trên 2500 năm, và đang có khả năng chuyển dựng một nền văn hóa tổng hợp cho nhân loại lao đao ngày nay ?

VỀ CÂU HỎI THỨ NHÌ :

Chẳng cần bản tin Tân-Hoa-xã đánh đi từ Saigon năm 1976 mà ba vị nêu ra, người Phật tử mới biết tới kế hoạch Cộng sản tiêu diệt Phật giáo.

Như trên đã nói, bản chất Hư vô chủ nghĩa của người Cộng sản là tiêu diệt mọi sự, trừ nó. Phật giáo nằm trong mọi sự phải tiêu diệt này.

Từ một lý thuyết hẹp hòi, tới sự hiểu biết thiển cận và máy móc, đa số người Cộng sản ở Hà Nội đã mất khả năng hiểu biết các tư trào văn hóa và tư tưởng lớn lao ngoài hệ ý thức cộng sản. Với thiên kiến đà điểu, Cộng sản không lãnh hội được thế nào là tôn giáo, thế nào là Phật giáo. Họ đánh lộn sòng mọi sự để đi tới lý luận « phân minh » cận thị của bạn – thù, cách mạng – phản động, nhị nguyên tính par excellence.

Đã từ lâu, người Phật tử ý thức đến sở trường cùng sở đoản của kế hoạch tiêu diệt mù quáng này. Đây là nguyên nhân của những cuộc vận động Hiển sinh Phật giáo từ những năm 30.

Năm 1945, theo với cao trào đấu tranh giành độc lập dân tộc với toàn dân, Phật giáo đã thích nghi cùng nghĩa vụ chung, đồng lúc phát khởi phong trào Phật giáo trên ba mặt :

a) đặt nền tảng tư tưởng cho một phong trào văn hóa mới mang truyền thống dân tộc và nhân loại ;
b) gây nguồn khởi hứng qua hành động trên nền tảng Từ bi – Trí tuệ bát nhã đặc thù và khai phóng của giáo lý đạo Phật ;
c) cơ cấu hóa phong trào quần chúng Phật tử.

Từ đây có hai khuynh hướng « tùy duyên bất biến » của Phật giáo đã lao vào thời cuộc. Nhưng một đã bị vô hiệu rồi tan rã, và một đang tựu thành :

A – Khuynh hướng thứ nhất tham gia kháng chiến giành độc lập dân tộc, dần dà mới rõ ra (như toàn dân, trí thức cũng như các đảng phái quốc gia) cuộc kháng chiến không đơn thuần giành độc lập dân tộc, mà mục tiêu chính phục vụ cho ý thức hệ ngoại lai Cộng sản. Dưới sự chỉ đạo kháng chiến của Đảng Cộng sản, mọi lực lượng dân tộc và tôn giáo đều bị tiêu diệt, để dễ bề Xích hoá Việt Nam cho Cộng sản quốc tế. Đại biểu khuynh hướng này có Pháp sư Trí Độ và Bác sĩ Lê Đình Thám cùng nhóm trí thức Phật giáo Dân Chủ Mới.

Mấy tháng trước đây, ta nghe Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình tuyên bố tại Roma về kinh nghiệm mới của người Công-giáo Việt Nam : “Rao truyền Phúc-âm bằng ngôn ngữ mới của Chủ nghĩa Xã hội”. Nhưng kinh nghiệm này, một số Phật tử đã thực hiện từ những năm 45, lúc mà số lớn quần chúng còn ngây thơ tin tưởng vào lời hứa hẹn đường mật của người Cộng sản về chủ trương đoàn kết (để dễ tiêu diệt) qua các phong trào ngụy trang như Mặt Trận Việt Minh, phong trào Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc, sau này có thêm Mặt Trận Giải Phóng Dân tộc Miền Nam, Liên Minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam.

Ngày nay, chúng ta cảm động đọc tập sách khá tiến bộ « PHẬT GIÁO VÀ DÂN CHỦ MỚI » của Đạo hữu Nguyễn Hữu Quán, trong Ban Tuyên Huấn của Hội Phật-giáo Việt Nam, và do Hội Phật Giáo Việt Nam Miền Nam Trung Bộ ấn hành đầu năm 1950. Đây là bài thuyết trình trước Đại Hội Phật Giáo Kháng chiến Liên Khu 5, với sự có mặt của nhiều cán bộ cao cấp Cộng sản ngày 27.11.1949. Ta thấy rõ tất cả chân thành và tin tưởng của người Phật tử chân chính, sẵn sàng hiến thân cho cuộc đại đoàn kết dân tộc để cứu nước, mà chẳng hề đặt một điều kiện cho quyền lợi riêng tư của Phật giáo. Ngôn ngữ cũng như ý tưởng hoà nhập với thời cuộc đất nước trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, tuy vẫn giữ nguyên bản chất Phật giáo (tùy duyên nhưng bất biến), không chịu biến tướng.

Kết quả : tổ chức quần chúng Phật giáo bị hoàn toàn tiêu diệt. Đại hội Phật giáo ở Liên khu 5 năm 1949 là đại hội chót. Khóa học Phật giáo tại Liên khu 4 (miền Bắc Trung Bộ) vào năm 1948 do Pháp sư Trí Độ hướng dẫn cũng là khóa học Phật pháp thuần túy cuối cùng !

Pháp sư Trí Độ, một vị thầy ưu tú dạy giáo lý của Phật giáo Việt Nam trước 1945, nay bị “biên chế” thành tấm bình phong chưng diện cho Nhà Nước Cộng sản Hà Nội. Bác sĩ Lê Đình Thám (đã qua đời), một đại Cư sĩ đóng vai Thầy cho giới Tăng sinh thập niên 30, và lãnh đạo tổ chức Phật giáo miền Trung, nay biến thành một viên chức vô thưởng vô phạt trong Ủy Ban Hoà Bình của Hà Nội, một bình phong khác chưng diện trong cửa hàng khoe mẽ thế giới. Trước tác độc nhất của Bác sĩ Thám trong 9 năm kháng chiến là chú giải Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Phải chăng qua kinh này, vì tình trạng không được hành đạo, không còn được tự do đến chùa dạy đạo cho Phật tử miền Bắc, Bác sĩ Thám muốn ẩn dụ cho Phật tử miền Bắc thấy rõ nguồn sống chân thật của Phật giáo đang hiện rõ quanh ta qua mọi loài, mọi vật, mọi sự nghe, thấy, biết, hàng ngày, như Đức Phật đã giảng dạy cho ông A Nan ? Trước tác này chỉ được nhà nước cộng sản in ra mấy chục bộ, dành tặng các nước bạn Phật giáo mà Bắc Việt ve vãn, như Ấn Độ là một, nhưng không hề được in và phổ biến trong quần chúng Phật tử. Trong khi đó những tập thơ của ông Hồ hay Tố Hữu được lấy tiền của nhân dân in ra hàng trăm nghìn bản !

B – Trái lại ở Miền Nam, khuynh hướng thứ hai dẫn cuộc đối kháng vào môi trường văn hóa và tư tưởng Việt đã kết tinh và thành tựu. Dù cuộc tựu thành này bị ngắt quãng bởi lần « đại thắng » tạm thời vào tháng 4.1975 của Cộng sản Bắc Việt. Lúa đã gieo rồi, vài cơn giông tố, vài ngày hạn hán không tiêu huỷ được cánh đồng.

Chúng ta đã thấy rõ mấy năm trên, cơ cấu lan rộng và vững chãi của tổ chức Phật giáo trong quần chúng các cấp, từ thành thị đến thôn quê, bước từ Tổng hội Phật giáo Việt Nam sang Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trọng thiết nhất vẫn là sự hình thành của tư trào văn hóa và tư tưởng mới, khởi từ Thiền và Bát Nhã, đã bắt rễ trong đời sống tâm thức và văn học nghệ thuật miền Nam (xem bản tham luận của Võ Văn Ái tại Đại Hội Quốc Tế các Nhà Đông Phương học lần thứ 29 tổ chức tại đại học Sorbonne tháng 7 năm 1973 : « Le Bouddhisme dans la littérature du Sud Viêt- Nam » in trong Littératures Contem­poraines de l’Asie du Sud Est, Asiathèque Paris, 1974). Mọi cuộc thay đổi nhân sinh luôn khởi đầu bằng ý thức, mà văn hoá và tư tưởng biểu trưng.

Muốn hiểu rõ tác dụng to lớn của tư trào này, chúng ta chỉ cần đọc các báo chí phân tích của Cộng sản ở Hà-nội. Tuy nhiên khi đọc các bài phân tích đó, ta phải cảnh giác về sự dùng chữ bừa bãi, chửi rủa thiếu trí thức, cùng nhận định thiển cận và hẹp hòi của những người viết thuộc loại « ếch nắm đáy giếng ». Đối với họ, hễ cái gì không phải Cộng là của đế quốc, của thực dân đủ kiểu — một thứ nhận định quê mùa theo hủ tục Trung-cổ.

Trong bài « Mấy suy nghĩ về vấn đề nghiên cứu văn học thực dân mới ở miền Nam », nhà nghiên cứu cộng sản Nguyễn Huy Khánh viết : « … Văn hóa thực dân mới, cho dù ngụy văn hóa cũng không thể ví như thây ma được. Chế độ ngụy đã chết nhưng văn hóa, sách vở của nó thì đã chết ngay đâu ? Dù có chết, nó cũng là thây ma (sic) mang đầy vi trùng độc hại, có khả năng sinh sôi nẩy nở, hết sức nguy hiểm cho xã hội, chẳng những cho thế hệ này mà không khéo cho cả thế hệ tiếp theo… » (…) « Có ý kiến lại cho rằng ít ra phải 5, 10 năm mới có thể hoàn thành công trình nghiên cứu văn hóa thực dân mới một cách hoàn chỉnh… ». Rồi ông Khánh thú nhận : « Trong một số trường hợp, việc phân tích, phê phán chưa được thấu tình đạt lý, đôi khi còn quy chụp không thỏa đáng » (Tạp Chí Văn Học Hanoi, số 4-77, tr. 21).

Trả lời câu hỏi thứ nhì này ta có thể nói : Không có kế hoạch chính trị nào thành công khi đối đầu với một phong trào văn hóa và tư tưởng bao dung, sáng tạo và khai phóng như Phật giáo.

VỀ CÂU HỎI THỨ BA :

Cuộc tranh đấu năm 1963 của quần chúng Phật giáo là thế tất yếu của ngọn hỏa diệm sơn tới thời phun lửa. Mọi yếu tố, âm mưu bên lề là thứ yếu. Đây là sự vươn vai chuyển thời của một lực lượng quần chúng chuẩn bị từ hơn 30 năm trước của Phong trào Chấn hưng Phật giáo, khi sinh mệnh của chính tín ngưỡng có hai nghìn năm lịch sử bị bộ máy cai trị của thực dân Pháp, rồi nhà nước Đệ nhất Cộng hoà uy hiếp. Như con gà con tới lúc phải mổ vỏ trứng. Thế nhưng có những tay viết mù chữ, mù kiến thức, dám cả gan viết rằng Phong trào Chấn hưng Phật giáo do thực dân Pháp bày ra để ru ngủ quần chúng thuộc địa (sic) !

Điều thấy rõ về biến cố lịch sử 1963, là thoạt đầu, các nhà lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt đón nhận thoải mái phong trào mà họ tưởng chỉ là phong trào quần chúng tự phát, họ nghĩ rằng có thể lèo lái sử dụng cho viễn đồ chính trị ngoại lai của họ. Nhưng niềm vui không lâu. Vài tháng sau, họ chợt nhận thức qua phong trào đấu tranh của Phật giáo một Ý thức mới và hiện đại, đang hình thành, đang biến ra giải pháp chính trị có yếu tố quyết định, sẽ phá hỏng con bài Mặt Trận Giải Phóng của Bắc Việt. Mấy bài viết nhận định của sử gia Mác-xít Trần Văn Giàu đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử cho thấy mối âu lo này. Nên họ tìm cách thả người vào phá. Bên phía Hoa Kỳ cũng vậy, cố biến tướng Phật giáo cho quyền lợi và chính sách chiến tranh vô vọng của Hoa Kỳ.

Hai tư trào chính trị cực đoan của Hư vô chủ nghĩa quốc tế, đã gặp nhau trong thế giành giật và khống chế lực lượng quần chúng Phật-giáo Việt Nam.

Không bên nào thấy con Đường Nhân Bản lớn của Phật-giáo, cho nên đã hãm hại dịp may hiếm có để giải quyết vấn nạn Đông Nam Á và nhân loại . Hậu quả khiến ngày nay Phật giáo sống chung cảnh ngộ « nạn nhân » với hàng trăm triệu dân Châu Á.

Nhưng Phật giáo không hề bị lợi dụng. Bởi chưa một lần nào, Phật giáo hiến thân làm con tốt cho hai khối. Và ai dám nói là sẽ không có ngày Khối Phật tử Châu Á đứng dậy thay đổi thời cơ ?

VỀ CÂU HỎI THỨ TƯ :

Cuộc tranh đấu mùa Xuân năm 1966 của Phật giáo miền Trung chứng tỏ sự trưởng thành chính trị cứu nguy của tập thể Phật giáo đồ, mà mới ba năm trước đó còn là một phong trào thuần túy tín ngưỡng. Đây là cuộc vận động Dân chủ thiết thực, mà giới quân phiệt không chịu thực hiện. Một quốc gia mà lại không có Hiến pháp, không có cả Quốc hội Lập Hiến, làm sao tranh đua chính nghĩa với Cộng sản trong lòng dân với bộ máy chiến tranh khổng lồ ? một chính phủ không thân dân, không có dân ? Muốn chiến đấu chống chế độ độc tài toàn trị ở Bắc Việt, Việt Nam Cộng hoà phải có Hiến pháp, phải có Quốc hội lập Hiến, phải có một chính phủ dân sự. Mục tiêu này là đích nhắm của cuộc tranh đấu Phật giáo miền Trung năm 1966.

Kết quả ? Chính quyền hai ông Thiệu Kỳ phải chùn bước, chấp nhận bầu cử Quốc hội lập hiến để chuẩn bị bản Hiến Pháp cho Đệ Nhị Cộng hoà. Hai ông Thiệu Kỳ tuy chống Cộng lại áp dụng đường lối của người Cộng sản Lénine, lùi một bước để tiến tới ba bước. Hiến pháp và Quốc hội đẻ ra làm bình phong cho tham vọng quyền bính phi chính trị của hai ông Thiệu Kỳ, thay vì đáp ứng ngưỡng vọng dân chủ của toàn dân.

(Một vài cột mốc để hiểu tiến trình tranh đấu của Phật giáo cho dân chủ thực thụ này : 13.3.1966 : Trước tình thế hỗn loạn, nguy hiểm của chính trường Saigon, Viện Hoá Đạo ra tuyên bố xác định lập trường Phật giáo, yte6u cầu cho các vị tướng nào có công với Cách mạng dù ở trong nước hay ngoại quốc phải được trở lại quân đội. Các tướng lãnh trở về vị trí quân sự. Lập Quốc hội và chính phủ đoàn kết quân dân. 19.3.1966 : Trước những tuyên truyền vu cáo, Viện Hoá Đạo ra tuyên cáo Phật giáo không công kích chính phủ, mà chỉ đòi hỏi một Quốc hội và một Chính phủ dân sự. 28.3.1966 : Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ hội đàm với các Thượng toạ Thiện Minh, Tâm Châu, và Hộ Giác về việc thành lập các cơ cấu dân chủ. Nhưng sau đó, ông Kỳ đã phản bội Phật giáo khi đưa quân ra Đà Nẵng đàn áp phong trào Phật giáo hai tháng sau đó. 8.4.1966 : Trả lời phóng viên NewsweekTimes, Thượng toạ Trí Quang xác định Phật giáo không liên hiệp với Cộng sản, không đòi lập Quốc hội để đòi Mỹ rút quân, không chống viện trợ Mỹ vì VNCH cần. 19.4.1966 : Thượng toạ Thiện Minh ra thông cáo tuyên bố Phật giáo đang bị khiêu khích, Phật tử phải đề cao cảnh giác).

Ngoài ra, với hai, ba khuynh hướng đối nghịch nhau trong một toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Saigon ; vì những lối nhìn trái ngược ở thể chế dân chủ tuyệt đối và lưỡng đảng của Hoa Kỳ ; cộng thêm việc Hoa Kỳ chỉ đếm xỉa tới quyền lợi riêng tư của quốc gia mình, nên bất chấp sinh mệnh và ngưỡng vọng các dân tộc thuộc thế giới đệ tam… đẩy Hoa Kỳ « chơi trò chính trị » tại miền Nam, thay vì đóng vai « lãnh đạo tinh thần » cho thế giới tự do !

Đây là nguyên nhân hy sinh phung phí một lực lượng quần chúng thuần hảo, là phong trào Phật giáo. Việc tranh chấp giữa một thiểu số các vị lãnh đạo Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự vốn là vết thương đau đớn trong lòng mọi Phật tử, nhưng chẳng sâu xa đến độ chia xé phong trào quần chúng Phật tử toàn quốc. Sự chia rẽ ở đỉnh cao này chỉ mang tác dụng chính trị phòng khách ở Saigon mà thôi. Các vị lãnh đạo nghĩ sao thì không rõ, chứ quần chúng Phật giáo chẳng bao giờ đòi hỏi hay lý tới việc dành bao nhiêu ghế Bộ trưởng cho tôn giáo mình. Quần chúng Phật giáo chỉ tha thiết và nhất tâm một điều : Chấm dứt sự khổ đau của đất nước, hiến mình cho an lạc đồng bào.

VỀ CÂU HỎI THỨ NĂM :

Không có gì khác câu hỏi trên.

VỀ CÂU HỎI THỨ SÁU :

Kể cả chủ trương « không hoà hợp không hoà giải » với Cộng sản, qua quốc sách « Bốn Không » của ông Thiệu cũng chẳng cứu vãn được miền Nam ! Còn nói tới vấn đề này, là còn đứng ở ngọn mà xem việc. Muốn chỉnh bóng, phải thay hình. Phải hạ mắt xuống gốc ngọn của sự thế.

Thời đó, Miền Nam thôi còn là then chốt trong địa bàn quyền lợi và địa chính của Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ « muốn », họ chỉ cần điều động Hạm Đội thứ Bảy là thanh toán chiến trường miền Nam trong 24 tiếng đồng hồ. Hoặc họ chỉ cần nhấc ống nói đỏ sang điện Cẩm Linh mặc cả một vài điều là yên.

Tuy nhiên lỗi không riêng người Mỹ. Lỗi chính đến từ người Việt Nam. Chín phần mười các nhà « lãnh đạo » Miền Nam « làm chính trị » với niềm tin ngây thơ và thiển cận là « Mỹ không bao giờ bỏ mình ! ». Vì vậy, họ nằm ngủ trong sự ỷ lại và thủ lợi. Họ bất cần dân. Suốt bao nhiêu năm họ chẳng hề có một sáng kiến tối thiểu đánh lên câu hỏi : « Nhưng nếu Mỹ bỏ mình thì sao ? » hầu đặt kế hoạch đối phó, phát triển lòng tự tin, tự lực và tư trọng của người dân Việt.

Thất bại đến từ đây.

Chẳng nên dông dài vu khoát Phật-giáo chủ trương « hoà giải hoà hợp » với Cộng sản nên đất nước mới ra như vậy. Thử hỏi : Quân đội, công an, cảnh sát và tiền viện trợ điều hành cuộc Chống Cộng nằm trong tay ai ? Ai khác chứ không là Phật giáo !

Tuy nhiên, vấn đề sẽ khác đi, nếu lực lượng quần chúng, trong có Phật giáo được quyền góp mặt ở bàn Hội Nghị Paris, như lời một đại diện phong trào Phật-giáo ở hải ngoại đề nghị qua các cuộc phỏng vấn trên đài Phát thanh và Truyền hình quốc tế lúc bấy giờ.

Cũng nên nói lại một lần : phải phân biệt lập trường « hoà hợp hoà giải » giữa người Việt, như tình tự dân tộc có từ thuở Vua Hùng của quần chúng lớn rộng có ý thức, đòi thực hiện trong tư thế đồng đẳngbình đẳng với Cộng sản. Khác với lá bài chính trị « hoà hợp hoà giải » của Hà Nội như chiến thuật nhằm phân hoá, chia trị, rồi tiêu diệt phe người Việt Dân tộc.

Do đó, các cuộc xuống đường của Phật giáo đồ thời Việt Nam Cộng hoà chỉ là hành xử chính đáng của người công dân tự do trong các quốc gia tự nhận là dân chủ. Chúng ta từng chứng kiến bao nhiêu cuộc biểu tình của người dân Hoa Kỳ trước toà Bạch Ốc, hay các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố Paris chống các chính sách hại dân của chính phủ. Họ có bị tố là Cộng sản đâu ?

Người Phật giáo Việt Nam cũng thế, trí tuệ nhắc họ phải chống đối các chính quyền mà họ biết rõ vô tình hay cố ý đưa miền Nam vào tay Cộng sản.

VỀ CÂU HỎI THỨ BẢY :

Là chuyện riêng tư của Thượng toạ Mãn Giác, xin nhường Thượng tọa trả lời.

VỀ CÂU HỎI THỨ TÁM :

Dân tộc Việt Nam đang đau khổ.

Vận mệnh Việt Nam nằm trong tay tất cả những ai còn nhận mình là người Việt. Tất cả những âm mưu phá hoại sự kết hợp các phong trào của người Việt Dân tộc ở Hải ngoại là một tội ác. Hành động này ác độc ngang với nhà cầm quyển Cộng sản hành hung đồng bào ruột thịt ta trong nước. Bản thân khối Phật giáo Hải ngoại cũng phải kết hợp, nếu không, thì danh nghĩa Phật tử chẳng còn giá trị gì trên Con Đường cứu khổ cho vui mà đức Phật đã tuyên xướng 2500 năm hơn.

Một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất ở Hải Ngoại sẽ hình thành, khi tinh thần lục hoà hiện thế trong sinh hoạt thường nhật, chứ không còn là lời thuyết giảng suông đầy tự mãn trên chánh điện mỗi ngày chúa nhật ; khi các chùa viện hiện hữu khắp nơi biến thành các trung tâm sinh hoạt văn hóa, giáo dục như các chùa dưới thời Lý, thời Trần ; khi các tăng sĩ sống lại cuộc đời của Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, các Thiền sư Nguyễn Trãi, Hương Hải… hay chịu thở từng niệm một với Bồ Tát Thích Quảng Đức ; khi các Cư sĩ thoắt biết mình là hóa thân của A Dục, của Duy Ma Cật…

Ngày nay, vấn đề đại diện của cá nhân này hay cá nhân kia cho phong trào này, phong trào nọ, chẳng còn nghĩa lý gì. Giá trị chăng, chỉ là giá trị của một mảnh bằng không hơn không kém. Vấn nạn là trước cảnh tang thương đất nước, AI mang hết khổ đau của sinh dân lên vai mình, AI nói lên tiếng rên than của dân, thở cái hậm hực căm hờn của dân, hành động cho sự giải thoát dân, KẺ đó mới đáng làm người phục vụ dân và nước.

Thời buổi của các đại diện, lãnh tụ vênh váo hay nghiêm trang (vặt) đã lỗi thời ! Kẻ nào đi tìm minh quân hay thủ lĩnh chỉ rước lấy thất vọng và thất bại. Ngày nay, minh quân không là cá nhân hay huyết thống truyền thừa. Vì minh quân là ý chí cứu dân, cứu người nằm trong mọi trái tim, bộ óc mọi người, như sự đánh thức thường trực cho xung lực hành động giải nguy.

Những chi tiết khác trong câu hỏi này có tính cách riêng tư và không quan trọng cho đại cuộc, xin nhường cho các vị hỏi hay đương sự được đặt câu hỏi.

LỜI KẾT :

Tự thân đã nguyện hiến cúng cho đất nước và chúng sinh, chúng tôi mạo muội trả lời mấy câu hỏi liên quan đến Phật giáo, mà nhiều năm qua đang vô tình gây tạo ngộ nhận, nếu không là chủ trương vu hãm một tôn giáo của dân tộc để dễ bề đánh tráo sự xâm lược vào tinh não dân tộc bằng con đường văn hoá, chủ thuyết và tín ngưỡng ngoại lai.

Nếu chẳng thỏa mãn được ai, thì ít ra cũng dóng lên sự tín tâm của người con Phật không ngừng phục vụ tổ quốc và nhân dân suốt chiều dài hai nghìn năm lịch sử. Có chi thất thố, mong các bậc cao minh điểm nhãn.

NGUYÊN THÁI
Paris – Quê Mẹ số 21 & 22 – 30.4.1978

 


8 CÂU HỎI THƯỢNG TOẠ THÍCH MÃN GIÁC CỦA Gs. MAC KENZIE, Cô CHU THÚY PHƯỢNG và Cô LÂM THANH LOAN

Tám câu hỏi này đăng ở trang 7 trên báo Văn Nghệ Tiền Phong số 48. Theo điều tra của chúng tôi, các tên McKenzie, Chu Thuý Phượng, Lâm Thanh Loan, chỉ là nặc danh chung cho một người Việt sinh sống ở Paris có tên TQĐ bỉnh bút cho tờ Văn Nghệ Tiền Phong.

Câu thứ nhất : Thưa Thượng Toa, Phật giáo du nhập từ Ấn Độ vào VN trước cả Trung Hoa. Triết lý Phật giáo Viêt Nam hóa một phần, lâu ngày thấm vào nếp sống của dân VN : Từ cách đi đứng, cách cư xử, nằm, ngồi, đến cách thờ phượng ông bà tổ tiên v.v. Nghĩa là tất cả những gì ở VN đều thầm nhuần triết lý Phật giáo. Theo Thương Tọa thì Chính Phủ VN có thể nào tiêu diệt được Phật-giáo không ? Nếu có thì phải mất bao lâu ?

Câu thứ nhì : Bản tin tức cùa Tân Hoa xã đánh đi từ Saigon, năm 1976, nói rằng chính phủ VN có kế hoạch tiêu diệt Phật giáo vì cho rằng Phật giáo là mầm móng của sự chống đối tư tưởng Marx-Lenine. Giáo hội Phật giáo VN có biết kế hoạch đó không ? Nều có xin Thượng Tọa cho biết chi tiết về kế hoạch này ? Liệu Chính phủ VN có thành công trong kế hoạch này không ?

Câu thứ ba : Tài liệu của Đàng Cộng-sản VN dành cho đảng viên, cũng như tài liệu mật của Hoa Kỳ bị tiết lộ rằng, năm 1963, người Mỹ muốn mang quân vào VN, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông cố vấn Ngô Đình Nhu không đồng ỷ, họ cố tình gây ra vụ Phật giáo miền Trung để lật đổ Tổng Thống Diệm. Thưa Thượng Tọa, có hai vấn đề tế nhị được đặt ra ;

Giáo Hội Phật giáo VN là công cụ của người Mỹ để thi hành tham vọng tại VN trong mưu đồ trở lại Hoa lục ;

Giáo Hội Phật giáo VN vô tình bị người Mỹ lợi dụng. Tức là các vị lãnh đạo Phật giáo VN đã bị lừa, thiếu « Mẫn tuệ ». Xin Thượng Tọa cho biết điều nào đúng ? Hay còn vấn đề thứ ba không ?

Câu thứ tư : Sau khi giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, người Mỹ gây thêm nhiều biến cố nữa, làm cho VNCH ung thối, CSVN mạnh hơn lên, họ mang quân vào VN xong, lại được chính phủ Quân nhân của hai ông Thiệu Kỳ. Nhưng thấy rằng hai ông Thiệu Kỳ không muốn thiết lập một VN có Hiến Pháp, dầu là Hiến Pháp làm cảnh, họ gây ra vụ biến động Phật giáo Miền Trung, ép buộc hai ông Thiệu Kỳ phải tổ chúc bầu cử Quốc Hội hầu có một chính phủ « hợp hiến, hợp pháp » chuẩn bị cho Hội nghị bốn bên tại Paris cho có chính nghĩa hơn để nói chuyện với C.S. Bởi CS chỉ cho chính phủ miền Bắc là « hợp hiến » thôi, còn chính phủ CHMNVN không có những thứ ấy để trang bị.

Bây giờ các vị lãnh đạo Phật giáo cả hai phe Ấn Quang (tranh đấu) và Việt Nam Quốc tự chồng đối nhau vì Hiến chương Phật giáo, có biết âm mưu của người Mỹ không ?

Các vị lãnh đạo Phật giáo có nhận thấy rằng sự chống đối nhau của hai khối Phật giáo làm cho tinh hình rối loạn, CS mạnh thêm, và người Mỹ dễ bề xen vào nội bộ VN không ?

Câu thứ năm : Sau khi đã đạt được mục tiêu ép hai ông Thiệu Kỳ phải tổ chức bẩu cử, người Mỹ thấy Phật giáo mạnh quá (Ấn Quang) mới yểm trợ ngầm hai ông Thiệu Kỳ dẹp vụ Phật giáo miền Trung và phong trào bàn Thờ xuống đường tại Saigon.

Thưa Thượng Tọa, các vị lãnh đạo Phât Giáo hai phe có biết âm mưu ấy không ? Nếu biết, với tinh thần từ bi hỉ xả các vị có ngồi lại với nhau để chống lại âm mưu đó không ? Nếu không vì lý do nào ?

Câu thứ sáu : Xét qua tiểu sử các vị lãnh đạo Giáo Hội Phật giáo VN Ấn Quang, chúng tôi thấy đều là những vị có học thức, kiến thức… Tổ chức của Giáo hội chặt chẽ. Giáo hội đi sát với Phật tử. Chắc chắn các vị biết rõ rằng chính phủ Bắc Việt dựng lên CMLT/ CHMNVN để làm bình phong tranh đấu, hầu đạt được mục tiêu xây dựng một VN thống nhất theo chủ nghĩa cộng sản. Các vị cũng biết rằng người CS không bao giờ bao dung tôn giáo nhất là tôn giáo đó có ảnh hưởng sâu đậm trong quần chúng như Phật giáo. Vì những lý do nào các vị lại chủ trương « hoà hợp hoà giải » với cộng sản ? Chủ trương này có thể thấy rõ khi những dân biểu, nghi sĩ thuộc khối Ấn Quang đỡ đầu đều chủ trương như thế.

Tài liệu của Đảng Cộng sản VN gần đây thì cho rằng các vị là tay sai của nguời Mỹ để thiết lập chế độ Dương Văn Minh. Một tài liệu khác lại cho rằng người Mỹ đã « tạo ra cái hoà hợp hoà giải » làm trái đệm rút khỏi VN giật sập Nam VN trao cho CS.

Dư luận ngưòi VN thì cho rằng các vị lãnh đạo Phật giáo nhẹ dạ bị CS đánh lừa.

Xin Thượng Tọa cho biết ý kiến về tất cả những vấn đề đó. Sự thực theo Thượng Toa ra sao ?

Câu thứ bảy : Mở đầu câu chuyện với đồng bào Phật tử hôm nay, Thượng tọa có nói : ngày 30.4.1975, khi quân đội cách mạng tiến vào Saigon, mọi người dân đều nôn nao, trong lòng mừng rỡ VN thống nhất, độc lập. Nhưng chúng tôi theo dõi bbáo chí, truyền hình, tài liệu về VN từ 1975 đến giờ, thì thấy :

Khi quân đội Nam VN rút khỏi Cao Nguyên, có trên 150 ngàn người ùn ùn bỏ chạy về duyên hải, để đến nỗi quân đội bị cản không rút được. Cộng sản đánh tan quân đội, tiêu diệt gần hết 150 ngàn dân.

Khi chính phủ trung ương ra lệnh cho Huế, Quảng Trị di tản về Đà Nẵng thì dân chúng hai tỉnh này lại ùn ùn bỏ chay về, kéo theo sự sụp đổ của toàn 5 tỉnh bắc VNCH.

Dân chúng 5 tỉnh Bắc VNCH tranh cướp nhau xuống tàu chạy vào Saigon chết chìm rất nhiều, nhiều nguời chết trên xà lan.

Khi quân đội Bắc VN tiến đến Nha Trang, người VN bắt đầu di tản ra ngoại quốc. Chúng tôi đã thực hiện những phiếu thẩm vấn họ như sau :

761 tại Hương cảng (tháng 5 năm 1975) ;
421 tại Mã Lai, Úc (từ tháng 5-75)
4677 tại Hoa Kỳ (tháng 5.75)
699 tại Thái Lan (từ 1975 đến tháng 7.1977).

Tất cả đều cho rằng : Dân chúng VN 99% đều ghê sợ Cộng sản muốn trốn đi nhưng không có phương tiện. Ngày CS. vào Saigon, dân chúng run sợ, không biết sẽ bị tắm máu bao giờ.

Thưa Thượng Tọa, căn cứ vào những yếu tố nào, Thượng tọa cho rằng khi quân đội « Nhân dân » tiến vào Saigon, dân chúng mừng rỡ ? Có phải đó là tin do Phật giáo hay chỉ riêng các vị lãnh đạo Giáo Hội Phât giáo Ấn Quang hay riêng cá nhân Thượng Tọa ?

Câu thứ tám : Thượng Tọa có nói trong khoảng giữa buổi thuyếr trình rằng cơ sở của Giáo Hội tại VN khắp hạ tầng rất chặt chẽ. Chỉ có ba nơi là : Mỹ Tho – Cần Thơ – Tây Ninh là chính phủ VN lập được « Hội Phật giáo yêu nước », tức công cụ của chính phủ. Còn lại tất cả đều giữ vững tinh thần đoàn kết, trung kiên với giáo hội… Như vậy là tinh thần Phật giáo tại VN về tổ chức còn chặt chẽ. Nhưng, tại hải ngoại, chúng tôi nhận được nhiều ấn phẩm đề « Chi bộ Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại », « Hội Phật Giáo Yêu Nước tại Pháp » v.v… nhiều nước khác cũng có tổ chức như vậy. Thượng tọa Nhất Hạnh được Thượng tọa xác nhận « vẫn là đại diện của Giáo Hội Phật Giáo VN thống nhầt (Chùa Ần Quang) ». Nhưng chúng tôi thấy những vị Tăng Ni VN hải ngoại đều ít nhiều tự ý hành động, không có liên hệ gì tới Thượng tọa Nhất Hạnh. Ngay khi Thượng tọa tới Pháp, nhiều vị Tăng ni đã có những lời lẽ công kích Thượng tọa. Thượng tọa có nghĩ rằng nên tổ chức lại Giáo Hôi Phât Giáo VN hải ngoại không ? Làm thế nào để tổ chức chặt chẽ được như ở VN ?

Một Phật tử VN là ông Võ Văn Ái đã công khai đả kích Thượng tọa Nhất Hạnh nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tố giác Thượng tọa chung sống với cô Cao Ngọc Phượng gọi là « vợ chống Nhất Hạnh Cao Ngọc Phượng ». Thưa Thượng tọa nếu ông Ái bịa đặt thì tại sao Thượng tọa Nhất Hạnh và cô Cao Ngọc Phượng không kiện ra toà án ? Nếu có, sao Thượng tọa không khuyên Thượng tọa Nhất Hạnh hoàn tục ?

Cám ơn Thượng tọa.

(Trích báo Văn Nghệ Tiền Phong số 48 – trang 7 )

 

 

 

0 Comments

You can be the first one to leave a comment.

Leave a Comment