2007-11-10 | Thich Giac Dang |
Sự Cần Thiết Của Giáo Chỉ số 9Thượng tọa Thích Giác Đẳng

Giáo chỉ số 9 của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành hôm 8.9.2007 và Thông bạch Hướng dẫn thi hành Giáo chỉ của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ công bố hôm 25.9.2007 đã tạo nên biến chuyển to lớn trong tổ chức Giáo Hội. Nhiều người bày tỏ quan điểm rằng tại sao Giáo Hội “đang tốt đẹp” lại có những thay đổi không cần thiết nếu không muốn nói là tai hại. Phản ứng như vậy, không may, dựa trên sự thiếu nhận thức về tính cấp thiết trong hiện tình Giáo Hội và những chi phối từ bên ngoài ngày càng rõ rệt.

Những sự thật cần được ý thức rõ rệt

Hình ảnh Việt Nam ngày nay tạo nên những ý kiến tương phản về những gì đang xẩy ra đối với dân tộc chúng ta. Những con số thống kê về phát triển kinh tế thật hấp dẫn với những nhà đầu tư trong lúc sự nghèo đói của đại đa số dân chúng khiến một số người sẵn sàng mạo hiểm bán thân để nuôi sống gia đình. Nếp sống thị thành với hào nhoáng với kỹ thuật tân kỳ trong lúc cuộc sống nông thôn lam lũ lạc hậu. Nhiều chùa chiền được xây cất tráng lệ trong lúc tổ chức Phật giáo không có được cơ chế lãnh đạo độc lập được phép hoạt động. Cho dù nói thế nào thì trong cục diện hiện nay có những sự thật hiển nhiên mà người ta không thể không nhìn nhận.

Nhà cầm quyền không cho phép một cơ cấu lãnh đạo Phật giáo tồn tại ngoài sự chỉ đạo của Ban Tôn giáo chính phủ

Với những ai tin rằng Phật giáo đang “trong điều kiện phát triển thuận lợi” tại Việt Nam nên biết rõ rằng : Phật giáo vốn không có được cơ cấu lãnh đạo độc lập. Nhà nước chỉ cho phép một tổ chức mang tên “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc. Trong cuộc gặp gỡ duy nhất giữa Đại lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang với Thủ tướng Phan Văn Khải một sự kiện được Phòng Thông Tin Phật Tin Phật Giáo Quốc Tế ghi nhận qua cuộc phỏng vấn : Bạch Hòa thượng, thế còn yêu sách phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì quan điểm của ông Khải như thế nào ? Hòa thượng đáp là Ông Khải nói :”Hiện nay có một Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đủ rồi”.

Không có một cơ chế lãnh đạo Phật Giáo độc lập với thế quyền là tai ương lớn của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Điều đó là điểu hiển nhiên. Thế nhưng ngày nay vẫn có những người tuyên bố mạnh mẽ rằng không hề có Pháp nạn.

Nhà cầm quyền có kế hoạch tinh vi để phân hoá, lũng đoạn Phật giáo

Trong “Tài liệu mật”, kế hoạch khống chế Phật giáo được Công an nói rõ. Một đoạn trích dẫn ở đây cho thấy điều đó :

“Thời gian qua, công tác vận động quần chúng tín đồ, tranh thủ hàng ngũ tăng ni đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn bộc lộ những sơ hở, thiếu sót, một số cao tăng phái Phật giáo Ấn Quang cũ vẫn còn mặc cảm, e dè. Vì vậy công tác có ý nghĩa chiến lược là phải tăng cường tranh thủ hàng ngũ tăng ni, nhất là số cao tăng, trong đó việc giải tỏa nghi ngờ, mặc cảm của số này có ý nghĩa quan trọng nhất. Cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại với họ, kịp thời động viên và khuyến khích những hoạt động tích cực của họ, dù là rất nhỏ. Quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của họ và tạo điều kiện cho họ trong các sinh hoạt tín ngưỡng theo đúng chính sách, pháp luật. Trong khả năng cần thiết và có thể nên thuyết phục và mạnh dạn đưa một số nhân vật có vị trí cao trong phái Phật giáo Ấn Quang còn đứng ngoài giáo hội tham gia vào “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, từng bước cảm hóa họ.

“Những đối tượng có hoạt động chống đối, hiện đang bị giam giữ hay quản chế phải tính toán đấu tranh có hiệu quả, nhưng phải rất coi trọng vấn đề giáo dục, cảm hóa theo phương hướng “vừa đánh, vừa kéo”.

“Cần khẩn trương rà soát, kịp thời khắc phục những sơ hở thiếu sót trong chủ trương chính sách và việc thực hiện chính sách đối với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng để tạo niềm tin trong tăng ni, tín đồ”.

Nói rằng chính sách đó không hề có hoặc không ảnh hưởng nghiêm trọng gì đến Phật giáo trong và ngoài nước là điều ngây thơ đáng tiếc.

Một số không ít các thành viên của Giáo Hội đã chuyển hướng từ nỗ lực giải trừ Pháp nạn sang sự hợp tác với nhà cầm quyền

Chính sách của Hà Nội rõ ràng đã chi phối và chuyển hướng được một số các thành viên trong Giáo Hội. Hoà Thượng Thiện Hạnh, Chánh Thư ký Viện Tăng thống, trong “Bản Phúc trình Phật sự” đã nói lên sự âu lo cực kỳ đối với điều nầy :

“Chúng tôi nghĩ và hết sức ngạc nhiên, nếu các vị thấy sự nghiệp vận động để GHPGVNTN được phục hoạt, còn nhiều khó khăn nguy nan, không muốn hợp tác nữa thì các vị cứ tự nhiên rút lui khỏi Giáo hội. Có ai ngăn cản gì đâu. Nhưng đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ Giáo hội, cùng chung lý tưởng phục vụ Đạo pháp và Dân tộc, mà nay trở lại chống phá Giáo hội, rủ rê xui khiến người khác cùng nghỉ để cô lập hai vị Hòa thượng lãnh đạo tối cao của Giáo hội ; đó là việc làm mà tự vấn lương tâm, kẻ đạo người đời, không ai chấp nhận.

Sự ra mặt công khai hay kín đáo hợp tác với thế lực đương quyền đã làm đau lòng và hoang mang một số lớn quần chúng tin tưởng vào sự vận động chính nghĩa của Giáo Hội.

Quần chúng Phật tử cần sự lãnh đạo rõ ràng

Trong nỗ lực giải trừ quốc nạn và pháp nạn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cần minh định lý tưởng cao cả và tính nhất quán trong hành hoạt. Những chủ trương lấp lững, thiếu phân minh vốn không phải là phương châm hành động của người Phật tử.

Không thể giải trừ Pháp nạn mà không nói đến Quốc nạn

Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đã từng nói lên sự suy tư sâu xa của mình :“Chúng tôi suy nghĩ từ bản thân qua hàng chục năm lưu đày, tù ngục và quản chế, thì thấy không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước, và điều kiện tiên quyết để đạt tới giai đoạn đó, là phải thực hiện quyết tâm dân chủ hóa để “mỗi người và mọi thành phần xa hội được bình đẳng tham gia việc nước”.

Một số người quan niệm rằng Phật giáo sẽ được phát triển nếu xây dựng được “quan hệ tốt” với thế lực đương quyền. Nhìn sự việc như vậy chỉ thấy được phần ngọn mà không nhận ra cội rễ. Không một quốc gia độc tài đảng trị nào đặt sự hưng thịnh của đạo giáo trên quyền lợi của đảng hay kẻ thống trị.

Sự hy sinh Tăng Ni, Phật tử là một khẳng định

Trong giòng lịch sử 2000 năm của Phật giáo Việt Nam có lẽ đây là là giai đoạn mà con số Tăng Ni, Phật tử bị tù đày, bách hại nhiều nhất.

Chính vì thế lời mở đầu của Hiến chương ghi rõ : Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.

Hơn bao giờ hết, Giáo Hội phải xác định rõ chủ trương, hướng đi, và mục đích trong vai trò dẫn đạo

Không phải chỉ vì lý do đơn giản mà sự vận động giải trừ quốc nạn và pháp nạn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được sự ủng hộ to lớn của quần chúng cũng như chính giới quốc tế. Nhị vị Hoà Thượng lãnh đạo Hội Đồng Lưỡng Viện đã minh thị hướng đi cao cả của Giáo Hội bất chấp sự an nguy bản thân.

Trước tình thế cam go, nhân tâm ly tán hiện nay Giáo Hội cần tiếp tục khẳng định tôn chỉ đã đề ra. Duy trì niềm tin của đại đa số quần chúng Việt Nam.

Giáo Hội cần có một đối sách

Trước cục diện đầy thử thách, Giáo Hội không thể không có những biện pháp nhằm bảo vệ sự tồn tại và nỗ lực phục hoạt. Giáo chỉ số 9 và Thông bạch hướng dẫn ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết đó.

Phải chấm dứt những nỗ lực phá hoại từ trong nội bộ

Cho dù lạc quan tới đâu cũng không thể phủ nhận rằng Giáo Hội đã bị manh múng trong cơ cấu trước chính sách phân hoá tinh vi của nhà cầm quyền cộng sản. Hoà Thượng Thích Quảng Độ ghi nhận rẳng :

“Thực tế hiểm nghèo mà Giáo hội đang phải đương đầu suốt ba năm qua trước chủ trương mới của Nhà cầm quyền Cộng sản nhằm thanh toán GHPGVNTN theo ba phương án : một là chấp nhận danh xưng GHPGVNTN nhưng loại bỏ cá nhân Đức Đệ tứ Tăng thống và Viện trưởng Viện Hóa Đạo để thành phần mới chịu quy phục thế quyền phục vụ chính trị ; hai là GHPGVNTN thay đổi danh xưng khác ; và ba là sáp nhập thực thể GHPGVNTN vào một hình thái thống nhất Phật giáo mới do Đảng Cộng sản và Nhà cầm quyền chủ trương. Phương án thứ ba tái hồi âm mưu thành lập một Tổng hội Phật giáo làm công cụ chính trị theo mô thức năm 1981, cốt đáp ứng tình thế mới do sức ép quốc tế yêu sách Nhà cầm quyền Việt Nam tuân thủ các điếu kiện hội nhập Cộng đồng thế giới.

Không cần tinh mắt cũng dễ dàng ghi nhận những cố gắng cô lập Hoà Thượng Viện Trưởng ; dập tắt tiếng nói của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế ; làm suy thoái nội lực Giáo Hội ; bôi bẩn cá nhân những vị lãnh đạo Giáo Hội.

Sinh hoạt trong Giáo Hội mà không thấy điều đó đúng là một quan điểm có chủ trương.

Phải có một cơ cấu bảo đảm sự sống còn của Giáo Hội trong mọi tình huống

Trước những phá hoại từ bên trong lẫn bên ngoài, Giáo Hội không thể tồn tại khi chưa có quyết tâm bảo vệ sự tồn tại. Thông Bạch Hướng Dẫn thi hành Giáo chỉ nêu rõ :

“Văn phòng II Viện Hóa Đạo nối tiếp nhiệm vụ và hoạt động của Giáo hội gặp lúc Viện Hóa Đạo trong nước bị đàn áp không thể hoạt động. Mọi hoạt động của Văn phòng II Viện Hóa Đạo dựa trên cơ sở lập trường và đường hướng quy định trong bản Hiến chương GHPGVNTN được Đại hội Khoáng đại kỳ V ngày 12.12.1973 tu chỉnh, và tuân thủ lập trường biểu hiện qua các văn kiện, thông điệp, tuyên cáo, kêu gọi do Giáo hội trong nước công bố từ năm 1992 đến nay”.

Văn Phòng II với vai trò lịch sử đảm nhận trọng nhiệm thực thi Phật sự Giáo Hội không thể là một cơ cấu thiếu tương quan mật thiết với Hội Đồng Lưỡng Viện tại quê nhà.

Phải tiếp tục duy trì niềm tin ở Giáo Hội bằng những giải pháp có tánh quyết định

Đường hướng của Giáo Hội phải đủ mạnh và rõ nét. Những quyết định “nửa vời” chẳng những không mang lại kết quả mà gây thêm tai hại. Suốt thời gian từ lúc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ thành lập cho tới nay đã để lại những kinh nghiệm quý báu : Nếu không giải quyết những vấn đề cần giải quyết thì sẽ mang lại suy thoái trầm trọng từ bên ngoài lẫn nội bộ. Chính vì vậy mà Hoà Thượng Thích Thiện Hạnh đã mạnh dạn qua các đề nghị :

“Chấn chỉnh các Hội đồng Điều hành GHPGVNTN Hải ngoại tại các châu lục, lập lại kỷ cưong sinh hoạt tổ chức Giáo hội, lấy lại niềm tin cho Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước đang vọng hướng về Giáo hội.

“Những thành viên trung kiên với Giáo hội lâu nay, hãy bảo vệ các vị với bất cứ giá nào trước những mưu mô, xuyên tạc hạ uy tín, mà Cộng sản Việt Nam đang cài người vào nội bộ chúng ta để quấy phá. Tạo điều kiện tốt để các vị tiếp tục phục vụ Giáo hội và Dân tộc.

“Những cá nhân, hoặc nhân danh tập thể, không còn giữ được lòng trung kiên với Giáo hội, thì tạo điều kiện để các vị được rút lui, không nên cầm giữ làm gì. Ít cũng được, ít mà lòng trung thành, chí kiên hậu còn hơn nhiều mà bất trung, bất nghĩa. Thập niên 90 chỉ có hai vị Hòa thượng đơn độc. Ai bảo là nhiều ? Một thập niên sau, chung quanh hai vị Hòa thượng có thêm Hội đồng Lưỡng Viện, có thêm 22 Ban Đại diện các quận, huyện, tỉnh, thành. Ai bảo là ít ?”

Trong lúc Pháp nạn còn tiếp tục thì cơ cấu tổ chức cũng như sự điều hành Giáo Hội không thể quan niệm như “thời bình”. Hiểu được như vậy chúng ta sẽ cảm kích sự quyết định quả cảm “chẳng đặng đừng” của chư tôn lãnh đạo Giáo Hội. Điều đó có thể mất ít nhiều thời gian để nhận thức như lời Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác hồi âm bức Tâm Thư của Hòa thượng Thượng thủ Thích Tâm Châu :

“Giáo Hội có phần xáo trộn nhưng tin rằng bất cứ ai thật lòng với dân tộc và đạo pháp sẽ từ từ nhận ra sự cần thiết trong nỗ lực chấn chỉnh hiện nay”.

 

 

0 Comments

You can be the first one to leave a comment.

Leave a Comment